Tiếng Việt | English

23/07/2022 - 19:06

Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong tuần qua dù nhu cầu xăng giảm ở Mỹ

Khép phiên giao dịch 22/7, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Chín giảm 66 xu Mỹ, hay 0,6%, xuống 103,20 USD/thùng, đánh dấu mức tăng 2% trong cả tuần.

Một cơ sở khai thác dầu thô của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Một cơ sở khai thác dầu thô của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Tính chung cả tuần qua, giá dầu thế giới vẫn tăng nhẹ mặc dù giá giảm trong phiên giao dịch ngày 22/7 trước những dấu hiệu cho thấy nhu cầu xăng tại Mỹ đang giảm xuống ngay trong mùa hè cao điểm di chuyển.

Khép lại phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Chín giảm 1,65 USD, hay 1,7%, xuống 94,70 USD/thùng, qua đó kết thúc tuần qua với mức tăng khiêm tốn gần 0,1%, theo Dow Jones Market Data. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ giảm 66 xu Mỹ, hay 0,6%, xuống 103,20 USD/thùng, đánh dấu mức tăng 2% trong cả tuần.

Số liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy lượng xăng dự trữ của nước này đã tăng 3,5 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều so với dự đoán mà giới phân tích đưa ra trong khảo sát của hãng tin Reuters là tăng 71.000 thùng.

Lượng xăng được cung cấp, vốn được xem là chỉ báo cho nhu cầu, ở mức khoảng 8,5 triệu thùng/ngày, tức thấp hơn 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nhu cầu đi lại thấp hơn trong mùa Hè cao điểm năm nay, do người dân bị sốc trong tháng Sáu khi giá xăng tăng lên mức cao kỷ lục hơn 5 USD/gallon (3,78 lít).

Trước đó, giá dầu đã tăng liên tiếp trong hai phiên đầu tuần nhờ sự suy yếu của đồng USD và những lo ngại về tình hình thắt chặt nguồn cung.

Nhưng trong hai phiên sau đó, giá dầu lại đi xuống do nhu cầu xăng tại Mỹ giảm. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất lần đầu tiên trong 11 năm làm dấy lên lo ngại về triển vọng tiêu thụ năng lượng.

Ngoài ra, nguồn cung dầu từ Libya trở lại thị trường sau thời gian bị gián đoạn và việc Nga tiếp tục cho lưu thông dòng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 đã làm giảm bớt các hạn chế về nguồn cung, qua đó càng đẩy giá dầu đi xuống.

Bên cạnh đó, những lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế đã phủ bóng lên triển vọng nhu cầu dầu. Các số liệu về chỉ số các nhà quản trị mua hàng (PMI) mới được công bố cho thấy hoạt động kinh doanh tại Mỹ và châu Âu đều đồng loạt sụt giảm trong tháng Bảy.

Tuy nhiên, giới phân tích dự đoán sự thắt chặt nguồn cung vẫn sẽ hỗ trợ giá dầu, trong khi sản lượng dầu đá phiến của Mỹ chỉ tăng khiêm tốn, và Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, ít có khả năng gia tăng sản lượng./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết