Tiếng Việt | English

23/10/2020 - 09:13

Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

Gia đình là “lá chắn” đầu tiên

Tình trạng xâm hại trẻ em (XHTE) thời gian qua đáng báo động, nhất là xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE). Trẻ em bị xâm hại không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, tâm lý,... mà còn để lại nỗi đau dai dẳng.

Trên 1.000 vụ xâm hại trẻ em xảy ra mỗi năm

Năm 2019, thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống XHTE, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh tổ chức giám sát tại các địa bàn trọng điểm, xảy ra nhiều vụ XHTE và làm việc với một số cơ quan có liên quan. Theo đó, giai đoạn 2015-2019, toàn tỉnh phát hiện 161 vụ XHTE với 163 nạn nhân (152 nạn nhân là trẻ em nữ, 11 trẻ em nam). Trong số các vụ XHTE, nổi lên là tình trạng XHTDTE với 145 vụ/147 nạn nhân nữ; ngược đãi, hành hạ trẻ em với 13 vụ/13 nạn nhân; giết người 2 vụ/2 nạn nhân trẻ em và cố ý gây thương tích 1 vụ/1 nạn nhân trẻ em. Hậu quả của hành vi XHTE khiến 2 nạn nhân tử vong, 1 nạn nhân thương tích và 15 nạn nhân mang thai.

Cần tạo cho trẻ em không gian vui chơi, học tập lành mạnh để tránh xa các nguy cơ bị xâm hại

Cơ quan Công an đã điều tra, làm rõ và khởi tố đối với 147 vụ/148 bị can về các tội danh giết người, cố ý gây thương tích và nhóm tội danh liên quan đến tội hiếp dâm, giao cấu, dâm ô người dưới 16 tuổi. Điều đáng nói, trong số những vụ XHTDTE thời gian qua, một số vụ có tính chất rất nghiêm trọng, người phạm tội chính là những người thân trong gia đình.

Theo báo cáo tổng hợp chung của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, giai đoạn 5 năm (từ ngày 01/01/2015 đến 30/6/2019), cả nước xảy ra 8.442 vụ XHTE/8.709 trẻ bị xâm hại; trong đó có 1.672 trẻ em nam và 7.037 trẻ em nữ. Các hành vi XHTE chủ yếu là xâm hại tình dục (6.432 em); bạo lực (857 em); mua, bán, bắt cóc, chiếm đoạt (106 em) và các hình thức xâm hại khác (1.314 em). Đáng lưu ý, có đến 2.191 trẻ bị hiếp dâm, 31 trẻ bị cưỡng dâm, 1.096 trẻ bị dâm ô, 3.114 trẻ bị giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác. Hậu quả của hành vi XHTE khiến 337 trẻ tử vong, 418 trẻ có thai do bị xâm hại tình dục, 193 trẻ bị rối loạn tâm thần, 375 trẻ bị thương tật, 180 trẻ phải bỏ học.

Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, từ năm 2016 đến tháng 10/2019, TAND 2 cấp đã thụ lý xét xử 189 vụ/191 bị cáo liên quan đến các tội danh XHTE. Các tội danh liên quan đến hành vi XHTE chủ yếu là tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi và tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Đặc biệt, số vụ án liên quan đến tội danh hiếp dâm trẻ em trước đây nay là tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi có khung hình phạt nặng nhất chiếm số lượng tương đối lớn với tổng số 44 vụ/45 bị cáo trong 5 năm qua.

Gia đình phải là “lá chắn” đầu tiên

Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh - Nguyễn Thụy Thắm, nguyên nhân dẫn đến tình trạng XHTE có thể đúc kết lại từ 5 nguyên nhân: Thứ nhất, do TE có xu hướng lo sợ, không dám kể lại với gia đình, người thân sau khi bị xâm hại. Thứ 2, do cha mẹ chưa mạnh dạn tố cáo, sợ ảnh hưởng đến gia đình dẫn đến thỏa hiệp, không xử lý người phạm tội. Thứ 3, một số vụ việc được phát hiện thì thời gian xảy ra đã lâu, mất bằng chứng, chứng cứ dẫn đến khó xử lý, buộc tội đối tượng gây ra hành vi. Thứ 4 là kỹ năng hạn chế trong xử lý vụ việc của cơ quan chức năng đối với đối tượng đặc thù là TE. Cuối cùng là quy định pháp luật hiện nay còn kẽ hở, khung hình phạt còn nhẹ chưa đủ sức răn đe đối tượng phạm tội.

Gia đình phải là “lá chắn” đầu tiên để bảo vệ trẻ em

Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trước tình trạng XHTE thời gian qua, ngoài các biện pháp phòng ngừa, giáo dục của các ngành chức năng, đoàn thể thì một yếu tố quan trọng để bảo vệ các em chính là gia đình. Mỗi gia đình cần quan tâm quản lý, giáo dục con em về kỹ năng sống, các biện pháp tự vệ khi bị xâm hại hay dạy các em nhận biết được những hành vi xâm hại để chủ động phòng, tránh cũng như thông báo cho người thân để có các biện pháp bảo vệ. Những trường hợp bị xâm hại phải báo ngay cho cha mẹ hoặc người thân biết; các bậc phụ huynh không nên thỏa thuận với đối tượng dưới bất cứ hình thức nào khi phát hiện đối tượng XHTE.

Cán bộ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tư vấn về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục cho học sinh

Song song đó, để ngăn chặn XHTE, gia đình, xã hội, những người làm công tác quản lý xã hội, quản lý giáo dục phải thay đổi tư duy truyền thông, giáo dục giới tính cho trẻ ngay từ nhỏ. “Thay đổi tư duy, thói quen là việc làm rất khó nhưng nếu có quyết tâm và nhận thức đúng vấn đề, tôi tin rằng, mỗi bậc phụ huynh sẽ không ngại tìm hiểu kiến thức để trang bị cho trẻ những kỹ năng sống, nhận biết, phản kháng lại các hành vi XHTE ”- bà Nguyễn Thụy Thắm chia sẻ thêm./.

Tôi cũng là mẹ, cũng lo lắng cho con trước các hành vi xâm hại trẻ em nhưng tôi tin mình đang làm đúng khi sẵn sàng trao đổi cùng con những vấn đề tế nhị, trang bị cho con kiến thức về giáo dục giới tính để biết phòng tránh trước những nguy cơ bị xâm hại. Đối với tôi, gia đình phải là “lá chắn” đầu tiên để bảo vệ con em mình”.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh - Nguyễn Thụy Thắm

Kiên Định

Chia sẻ bài viết