Tiếng Việt | English

05/03/2016 - 13:53

Giá xăng, dầu giảm, giá cước vẫn “án binh bất động”

Thời gian qua, mặc dù giá xăng, dầu liên tục giảm, nhưng giá cước của các phương tiện vận chuyển dịch vụ hầu như đều “án binh bất động”, trong đó giá cước vận tải hành khách là một điển hình. Điều này ảnh hưởng không ít đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Giá xăng liên tục giảm nhưng giá cước vận tải của các tuyến xe buýt giảm không đáng kể

Thiệt thòi thuộc về người dân

Theo đánh giá của các ngành chức năng, từ đầu năm 2015 đến nay, chi phí nhiên liệu vận tải giảm gần 40% so với những năm trước. Vậy tại sao giá cước vận chuyển lại không giảm? Nếu như trước đây, khi xăng dầu tăng giá thì cước vận tải cũng tăng theo. Nhưng ở thời điểm hiện tại, khi xăng dầu giảm giá liên tục thì các doanh nghiệp vận tải, nhà xe vẫn viện đủ lý do khó khăn để không chịu giảm giá cước, điều này khiến nhiều người dân bức xúc.

Giám đốc Bến xe khách Long An - Nguyễn Văn Sen cho biết: “Hiện nay, bến xe có 130 phương tiện vận tải với 8 tuyến đường về các huyện, 4 tuyến ngoài tỉnh gồm Tây Ninh, Vũng Tàu, Phương Lâm và Xuân Bảo. Ngoài ra, còn 1 tuyến xe buýt Tân An-Chợ Lớn với khoảng 4.000 lượt hành khách mỗi ngày. Chức năng chính của chúng tôi là kinh doanh bến bãi, còn việc tăng hay giảm giá vé do các đơn vị vận tải tự chủ. Chúng tôi chỉ bán vé dựa trên cơ sở giá thành mà họ đã đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước, không được phép bán giá vé cao hơn hay thấp hơn. Riêng đối với xe buýt tuyến Tân An-Chợ Lớn, các nhà xe tự bán vé trên xe nên nếu họ có bán vé cao hay thấp hơn chúng tôi cũng không quản lý được.

Theo như đăng ký hiện nay, giá vé của hầu hết các tuyến chỉ giảm từ 1.000-2.000 đồng/vé. Theo nhận định chung, mức giảm này không đáng kể so với việc giảm giá xăng. Tôi đã nghe nhiều ý kiến bức xúc của hành khách, nhưng lại không có thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến giá cước”.

Em Châu Kim Ngân, nhà ở phường 2, TP.Tân An cho biết: “Em đang học lớp 11 nội trú Trường Nguyễn Khuyến ở TP.HCM. Hằng tuần, nếu ba mẹ không đón thì em tự đi xe buýt về. Nhưng với tình trạng giá xăng giảm nhiều trong thời gian qua trong khi giá xe buýt vẫn… giậm chân tại chỗ, nhiều bạn học của em chuyển sang đi xe gắn máy”.

Trước đây, giá cước tuyến Tân An-Đức Huệ là 35.000 đồng/vé. Sau nhiều lần giá xăng giảm, giá vé xe tuyến đường này chỉ giảm nhẹ không đáng kể, 32.000 đồng/vé. Đó là khi hành khách mua vé xe ngay từ bến xe, còn đón xe giữa đường thì phải chịu trả tiền tùy theo mức thu của chủ xe.

Chị Phạm Thị Quý Lộc, nhà ở xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa cho biết: Mỗi tuần, tôi đi Tân An để thăm người chị gái. Vì nhà không gần bến xe nên tôi phải đón dọc đường, có xe thu 38.000 đồng ngay ngã tư Tân Mỹ, có xe thu 40.000 đồng.

Giá cước taxi cũng vậy. Ông Nguyễn Duy Vinh, nhà ở đường Châu Thị Kim, phường 3, TP.Tân An cho biết: “Trước đây, từ nhà tôi đến Trung tâm Phục vụ hội nghị tỉnh mất 30.000 đồng tiền cước taxi. Nhưng mới đây, tôi có việc đến Văn phòng HĐND tỉnh, cũng một quãng đường tương đương, tôi vẫn phải trả 30.000 đồng tiền taxi. Như vậy, giá xăng giảm nhưng giá cước đâu có giảm”.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Chương trình bình ổn giá được triển khai trong nhiều năm qua, nhằm đưa doanh nghiệp đồng hành với người tiêu dùng, với mục đích chính là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong khi những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa làm rất hiệu quả chương trình này thì không lý do gì những doanh nghiệp ngành khác lại đứng ngoài cuộc.

Việc những doanh nghiệp vận tải vẫn chưa chịu giảm giá cước có thể nguyên nhân là chưa có biện pháp chế tài đủ mạnh. Tuy nhiên, trong xu hướng cạnh tranh của nền kinh tế thị trường như hiện nay, đòi hỏi các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải vẫn phải chủ động giảm giá để cạnh tranh, nhất là đối với dịch vụ vận chuyển hàng hóa.

Giám đốc HTX vận tải Thanh Bình - Nguyễn Minh Cảnh cho biết: “HTX chúng tôi hoạt động với chức năng vận chuyển hành khách và các dịch vụ chuyên về vận tải, vận chuyển khách du lịch. Hiện nay, chúng tôi có 29 xã viên với 59 lao động, có 1 bến xe riêng, 23 phương tiện xe khách, 2 xe tải, 11 xe chạy dịch vụ, du lịch. Trong đó, 23 chuyến xe buýt chở khách chạy tuyến Tân Lân-Chợ Lớn. Giá vé hiện tại của tuyến xe buýt này là 13.000 đồng suốt tuyến; 9.000 đồng cho 2/3 tuyến và 5.000 đồng đối với hành khách khi lên, xuống xe. Giá vé này chúng tôi vẫn giữ “cố định” từ năm 2014 đến nay. Mặc dù trong thời gian qua, giá xăng có những lúc tăng, nhưng HTX vẫn không tăng giá vé. Nên ngược lại, khi giá xăng liên tiếp giảm, chúng tôi cũng không phải giảm giá cước”.

Để bảo vệ quyền lợi người dân, Nhà nước cần có quy định cụ thể về "áp giá trần" đối với những tuyến đường không có nhiều phương tiện.

Nếu tính từ khoảng tháng 7-2014 đến nay, giá xăng dầu liên tục giảm nhiều lần với khoảng hơn 11.000 đồng/lít (thời điểm tăng cao nhất có lúc lên đến 26.140 đồng/lít), nhưng một số đơn vị kinh doanh hàng hóa, vận tải vẫn cố tình lơ đi để trục lợi, điều này khiến người dân rất bức xúc.

Từ đầu tháng 2-2016, giá xăng RON 92 (A92) giảm 729 đồng/lít, về mức 14.713 đồng/lít; xăng sinh học E5 giảm 496 đồng/lít, còn 14.263 đồng/lít; dầu diesel giảm 627 đồng/lít, còn 9.580 đồng/lít; dầu hỏa giảm 483 đồng/lít, còn 8.905 đồng/lít; dầu ma zut giảm 20 đồng/kg, còn 7.225 đồng/kg. Đến chiều ngày 18-2-2016, giá xăng RON 92 tiếp tục giảm mạnh, với mức giá giảm đến 961đồng/lít, xuống còn 13.750đồng/lít.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết