Tiếng Việt | English

04/08/2022 - 08:50

Giá xăng, dầu giảm sâu, giá hàng hóa vẫn 'án binh bất động'

Khi giá xăng, dầu tăng thì đồng loạt giá của nhiều mặt hàng cũng tăng theo nhưng khi giá xăng, dầu đã giảm sâu liên tục thì giá cả các mặt hàng vẫn “án binh bất động”, chưa hề có dấu hiệu giảm. Giá cả hàng hóa ở mức cao khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân gặp khó khăn, nhất là đối với công nhân, lao động.

Giá xăng, dầu đã giảm sâu trong hơn 1 tháng qua

Giá xăng, dầu liên tục giảm sâu

Cuối tháng 6/2022, giá xăng, dầu lập mốc kỷ lục mới với mức giá gần 33.000 đồng/lít. Mức giá xăng, dầu tăng cao liên tục trong suốt nửa đầu năm 2022 đã kéo theo giá cả hàng hóa đồng loạt tăng, nhất là giá cả các mặt hàng thiết yếu.

Tuy nhiên, bắt đầu tháng 7, từ đà giảm của giá xăng, dầu trên thị trường thế giới, cùng với việc quyết liệt giảm thuế bảo vệ môi trường để bình ổn, giá các mặt hàng xăng, dầu đã liên tục được điều chỉnh giảm trong hơn 1 tháng qua để chia sẻ khó khăn với người dân. Cụ thể, hiện giá xăng RON 95-III giảm về mức 25.600 đồng/lít, xăng E5 RON 92 giá 24.620 đồng/lít. Cùng với đó, giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm. Theo đó, giá dầu diesel hiện được bán với giá 23.900 đồng/lít, dầu hỏa còn 24.530 đồng/lít, dầu mazut có giá 16.540 đồng/kg. So với mức giá kỷ lục hồi cuối tháng 6, sau 4 lần điều chỉnh giảm liên tiếp, mỗi lít xăng RON 95-III giảm 7.270 đồng, xăng E5 RON 92 giảm 6.680 đồng, dầu diesel giảm 6.110 đồng.

Khi giá xăng, dầu tăng cao, hầu hết giá cả hàng hóa trên thị trường cũng theo đó mà tăng nhưng trong suốt 1 tháng qua, giá xăng, dầu đã giảm thì giá cả các mặt hàng lại đứng nguyên, thậm chí có mặt hàng tăng giá mạnh.

Giá hàng hóa vẫn “án binh bất động”

Tại chợ phường 2, TP.Tân An, tỉnh Long An - chợ đầu mối lớn nhất của tỉnh, hiện giá cả các mặt hàng vẫn ở mức cao. Đơn cử như rau xanh các loại dù có giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức từ 15.000-30.000 đồng/kg, cá lóc nuôi 50.000 đồng/kg, cá biển các loại từ 70.000-100.000 đồng/kg. Cá biệt, một số mặt hàng liên quan đến thịt, nhất là thịt heo, thịt gà công nghiệp hiện có mức tăng cao từ 10.000-15.000 đồng/kg.

Giá vận tải hành khách chưa giảm dù liên quan trực tiếp tới giá xăng, dầu

Tương tự, tại chợ phường 3, chợ phường 1, giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng không có nhiều thay đổi. Chị Nguyễn Như Quỳnh, ngụ phường 4, TP.Tân An, cho biết: “Trước đây, khi giá xăng, dầu tăng thì các hộ kinh doanh đều viện lý do từ giá xăng, dầu để tăng giá. Như trước đây, 1 tô hủ tiếu chỉ có giá từ 25.000-30.000 đồng thì nay hầu hết cửa hàng ăn sáng đều bán với mức giá từ 30.000-40.000 đồng. Nay giá xăng đã giảm nhiều nhưng hầu như giá các mặt hàng đều được giữ nguyên và chưa biết đến khi nào mới giảm”.

Còn theo đa số tiểu thương, mặc dù hiện nay, giá xăng, dầu đã giảm nhưng giá nhập các mặt hàng còn ở mức cao nên chưa thể giảm giá ngay lập tức. Ông Trung - chủ sạp bán thịt heo ở chợ phường 2, khẳng định: “Hiện giá heo hơi trong 1 tháng qua liên tục tăng và ở mức trên 80.000 đồng/kg do chi phí chăn nuôi tăng cao. 1 con heo thịt phải nuôi từ 3-4 tháng mới được xuất bán nên giá cả các loại thịt heo đương nhiên sẽ tăng dù rằng giá xăng, dầu giảm cũng phần nào giảm một phần chi phí vận chuyển”.

Theo Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh, qua khảo sát giá các hàng hóa chủ yếu trên địa bàn tỉnh, mặc dù nguồn cung hàng hóa thiết yếu tương đối ổn định nhưng giá cả các mặt hàng hầu hết giữ nguyên so với thời điểm giữa tháng 7, chưa có dấu hiệu giảm giá, dù giá xăng liên tục giảm sâu.

Rõ ràng, giá cả hàng hóa dù vận hành theo cơ chế thị trường và hay vin vào giá xăng trong mỗi lần tăng giá nhưng thực tế dù giá xăng giảm sâu thì hàng hóa vẫn chưa có dấu hiệu giảm giá tương ứng.

Người dân hy vọng giá cả hàng hóa sớm giảm theo giá xăng, dầu

Tại xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, một trong những địa phương đứng đầu của tỉnh về số lượng dân nhập cư với gần 40.000 người tạm trú. Hầu hết là công nhân, lao động tại gần 700 công ty đang hoạt động trên địa bàn xã. Nhiều tháng qua, vợ chồng chị Huỳnh Thị Loan (quê ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng), làm việc tại Khu công nghiệp Tân Đức, luôn phải tằn tiện trong chi tiêu. Trước đây, trung bình 1 tháng, vợ chồng chị có thu nhập khoảng 15 triệu đồng. Trừ các chi phí cố định và sinh hoạt, vợ chồng chị vẫn còn tiết kiệm được từ 8-9 triệu đồng.

Tuy nhiên, bây giờ có ao ước cũng không thể tiết kiệm được mức như thế dù vợ chồng chị đã tính toán cắt bớt nhiều khoản chi tiêu không cần thiết như ăn sáng, cà phê hay mua sắm. Theo chị Loan, sau thời gian giá xăng, dầu liên tục tăng đã kéo theo giá cả tất cả mặt hàng đều tăng, trong khi đó, tiền lương công nhân dù có tăng nhưng không theo kịp vật giá. Mỗi tháng, vợ chồng chị phải trả 1,2 triệu đồng tiền nhà trọ, chi phí gửi con khoảng 1,5 triệu đồng, chi phí sinh hoạt của gia đình khoảng 5 triệu đồng, chưa kể tiền sữa cho con, tiền điện, nước, xăng xe, rồi đám tiệc. Chị Loan cho biết: “Tính ra, mỗi tháng, vợ chồng tôi chắt chiu lắm cũng chỉ còn tiết kiệm được 5-6 triệu đồng. Chúng tôi cũng như rất nhiều công nhân, lao động khác chỉ mong các cơ quan có biện pháp kéo giảm giá cả thị trường để cuộc sống bớt khó khăn”.

Còn ông Nguyễn Văn Đức (xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa) khẳng định, hầu hết người dân đều đồng tình với các giải pháp của Nhà nước để kéo giảm giá xăng, dầu. “Nhưng hiện tại tôi cũng mong chờ các cơ quan Nhà nước tiếp tục có các biện pháp để bình ổn giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để chia sẻ khó khăn chung với người dân, kích thích tiêu dùng” - ông Đức nói./.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường các biện pháp kiểm soát giá hàng hóa

Nhờ vào đà giảm của giá xăng, dầu trên thị trường thế giới, cùng với việc giảm thuế bảo vệ môi trường để bình ổn, giá các mặt hàng xăng, dầu trong nước đã giảm liên tiếp trong 4 kỳ điều chỉnh gần nhất để chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù giá xăng, dầu giảm nhưng nhiều mặt hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Trước thực tế đó, ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính có công điện yêu cầu các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá; trong phạm vi, lĩnh vực, thẩm quyền quản lý đẩy mạnh tổ chức, triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Trong đó, đối với các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng, dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistics, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phối hợp chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng, dầu trong yếu tố hình thành giá. Trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.

Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng, dầu, có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp cũng như tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý. Đồng thời, chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường, xử lý các sai phạm theo quy định.

Giá vận tải hành khách chưa giảm

Đến thời điểm hiện tại, sau khi giá xăng, dầu liên tục giảm mạnh, tại Long An, giá vé xe khách trên các tuyến từ TP.Tân An về các huyện và các tuyến xe buýt Long An - TP.HCM vẫn giữ nguyên. Đơn cử như tuyến Tân An - Đức Huệ giá vé thực thu 55.000 đồng/lượt, tuyến Tân An - Maren giá vé 50.000 đồng/lượt, xe buýt tuyến Tân An - Chợ Lớn giá vé 30.000 đồng/lượt. So với mức giá niêm yết trước đây, mức giá vé các tuyến đều tăng từ 30-35% do ảnh hưởng của việc giá xăng, dầu tăng. Tuy nhiên, giá xăng, dầu trong 4 kỳ điều chỉnh liên tiếp đã giảm sâu thì việc giảm giá cước vận tải hành khách cần sớm được thực hiện để chia sẻ khó khăn với hành khách cũng như phù hợp với thị trường.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích