Tiếng Việt | English

24/11/2020 - 15:22

Giải ngân gói cho vay trả lương ngừng việc do dịch Covid-19: Giúp doanh nghiệp gỡ khó

Sau hơn 1 tháng “nới lỏng” điều kiện vay vốn theo tinh thần Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tỉnh Long An đã chính thức giải ngân gói vay vốn lãi suất 0%, hỗ trợ trả lương cho người lao động bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19.

Công ty TNHH Thực phẩm 2030 là doanh nghiệp đầu tiên được giải ngân gói cho vay trả lương ngừng việc do dịch Covid-19

Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến KT-XH của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để giúp người dân, các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, ngày 09/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị quyết 42, nhóm đối tượng người sử dụng lao động khó khăn về tài chính chưa tiếp cận được nghị quyết này.

Để gỡ khó cho nhóm đối tượng này, ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ cũng ra Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, ngày 24/4/2020 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Và chỉ sau hơn 1 tháng “nới lỏng” điều kiện vay vốn, Công ty TNHH Thực phẩm 2030 (phường 3, TP.Tân An) là doanh nghiệp đầu tiên ở Long An được giải ngân gói chính sách cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Giám đốc Cty TNHH Thực phẩm 2030 - Lương Long Hiệp cho biết: “Hai đợt dịch Covid - 19 vừa qua, công ty phải ngừng hoạt động. Vì thế, 30 lao động của công ty phải nghỉ việc liên tục trong vòng 5 tháng. Trước đây, công ty xin vay vốn nhưng gặp khó khăn về thủ tục, nay được Chính phủ tháo gỡ, nới lỏng điều kiện cho vay nên công ty dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để chi trả lương, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Với việc cho vay không lãi suất, không tài sản bảo đảm, thời gian hoàn trả vốn 12 tháng là phù hợp với các doanh nghiệp hiện nay. Nguồn vốn được vay giúp công ty vượt qua khó khăn, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh, duy trì và tạo việc làm ổn định cho người lao động”.

Để triển khai Nghị quyết 154 của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã tiếp cận, tư vấn cho 146 tổ chức, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Trong đó, có 3 doanh nghiệp đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn với số tiền 315 triệu đồng.

Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh - Lê Bá Chuyên chia sẻ: “Có thể nói, nội dung sửa đổi, bổ sung đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch Covid - 19 tiếp cận nguồn vốn. Theo đó, ngưởi sử dụng lao động tự kê khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về số lao động ngừng việc, các điều kiện vay vốn theo quy định và gửi hồ sơ trực tiếp đến NHCSXH mà không phải qua xác nhận, phê duyệt của các cơ quan liên quan khác. Theo quy định, bộ hồ sơ vay vốn gồm 2 mẫu biểu số 11a và 11b, giấy đề nghị vay vốn và danh sách lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng dịch Covid - 19; bản sao thỏa thuận ngừng việc đối với người lao động và các giấy tờ pháp lý phù hợp với loại hình hoạt động đơn vị vay vốn. Trong vòng 5 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ vay vốn của khách hàng, NHCSXH nơi cho vay kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ và thông báo phê duyệt hoặc từ chối cho vay theo quy định”.

Việc “nới lỏng” về điều kiện hỗ trợ, hồ sơ, trình tự, thủ tục vay không chỉ giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận Nghị quyết 154 mà còn thể hiện sự điều chỉnh phù hợp, kịp thời của Chính phủ đối với nhu cầu thực tiễn để chính sách đi vào đời sống một cách hiệu quả nhất./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích