Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 14:19

Giải pháp cung cấp nước hợp vệ sinh cho người dân vùng sâu, vùng xa

Theo Sở khoa học và Công nghệ, TĐC là công nghệ dùng xử lý nước cấp từ nguồn nước ngầm và cả nước mặt, khử được phèn sắt, mangan, asen, khử mùi, khử hàm lượng chất rắn lơ lửng (cặn) làm giảm hàm lượng COD (chất hữu cơ) và nâng chỉ số ph trong nước cấp. Quá trình lọc áp suất thấp nên tiết kiệm chi phí vận hành. kích thước của thiết bị nhỏ gọn, cấu trúc đơn giản nên dễ lắp đặt. Quy trình vận hành đơn giản, chi phí bảo trì không đáng kể. Vì vậy, công nghệ xử lý nước TĐC được áp dụng rộng rãi trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, Long an đã áp dụng công nghệ này dùng xử lý nước mặt cung cấp cho người dân vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

Hệ thống xử lý nước mặt bằng công nghệ TĐC

Trạm xử lý nước mặt bằng công nghệ TĐC xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh nằm trong khu dân cư ấp Hải Hưng, được đầu tư năm 2012. Anh Trần Văn Sang, quản lý trạm cấp nước cho biết, khu vực để lấy nước mặt có diện tích trên 5ha được hình thành bởi quá trình lấy đất làm nền khu dân cư Hải Hưng. Trạm có công suất 20m3/giờ, cung cấp nước hợp vệ sinh (dùng cho nấu ăn, sinh hoạt) cho 200 hộ dân trong và ngoài khu dân cư. Nước được cung cấp 24/24 giờ.

Theo thiết kế ban đầu, trạm có khả năng cung cấp nước cho 560 hộ dân nhưng vì khu dân cư chưa thu thút hết dân vào sinh sống nên hiện trạm chỉ hoạt động phân nửa công suất hiện có. Để nước bảo đảm hợp vệ sinh, trạm đều lấy nguồn nước mẫu kiểm định 2 lần/năm. Từ kết quả kiểm định, trạm có hình thức xử lý nước phù hợp nhằm cung cấp nước hợp vệ sinh cho người dân sử dụng.

Anh Huỳnh Văn Yên, hộ dân sống trong khu dân cư Hải Hưng cho biết, nước được cung cấp sạch, trong, không có mùi với mức giá 5.000 đồng/m3, người dân yên tâm sử dụng. Từ khi có trạm cấp nước, dân cư khu vực này rất mừng, vì nguồn nước mặt trên sông, rạch hiện nay gần như bị ô nhiễm nặng bởi quá trình chăn nuôi, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt.

Trên tuyến dân cư ấp 5, xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh cũng được đầu tư trạm  xử lý nước mặt bằng công nghệ TĐC. Anh Nguyễn Văn Bền, quản lý trạm xử lý nước cho biết, trạm hiện cung cấp nước cho 110 hộ dân trong khu vực sử dụng, công suất 10m3/giờ. Theo phản ảnh của người dân sống trên khu dân cư, nước cung cấp qua trạm xử lý không tốt, cặn nhiều và không trong. Theo anh Nguyễn Cường Định, cán bộ địa chính, tài nguyên, môi trường xã Tân Thành thì năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 đến nay, trạm xử lý không lấy mẫu kiểm định nước. Hiện chất lượng nước cung cấp chưa như mong muốn.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Mai Văn Nhiều cho biết, nguồn nước mặt hiện có là tài nguyên vô tận, vì không cạn kiệt như mạch nước ngầm. Xử lý nước mặt bằng công nghệ TĐC là giải pháp tối ưu để cung cấp nước sạch cho người dân khu vực nông thôn trong sinh hoạt hàng ngày. Thời gian tới, sở tiếp tục ứng dụng công nghệ này để cung cấp nước hợp vệ sinh cho người dân nông thôn. Khi đã được đầu tư trạm xử lý nước thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm với nguồn nước đầu vào, kiểm định mẫu nước đầu ra phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng nước sinh hoạt QCVN 02: 2009/BYT của Bộ Y tế. Nếu nước có vấn đề chưa tốt về nguồn đầu ra, sở sẽ cung cấp thiết bị cũng như hướng dẫn cách xử lý đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, bảo đảm sức khỏe người dân.

Được biết, với công nghệ xử lý nước mặt bằng TĐC, hiện toàn tỉnh có 5 trạm xử lý nước nằm trong khu vực dân cư. Ngoài ra, công nghệ xử lý nước mặt bằng TĐC còn xử lý từ nguồn nước mặt cho các công trình công cộng trong và ngoài tỉnh. Đây được xem là giải pháp khá tốt trong việc xử lý nguồn nước mặt, mang đến nguồn nước hợp vệ sinh cho người dân vùng sâu, vùng xa./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích