Tiếng Việt | English

24/03/2021 - 18:41

Giải pháp nào cho mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 tại Long An?

Nhờ vào chiến lược 2X, tỉnh Long An có thể phát hiện sớm ca bệnh và các nguồn lây của bệnh lao trong cộng đồng.

Theo ước tính hàng năm, Việt Nam có thêm khoảng 174.000 người mắc lao. Chương trình Chống lao Quốc gia (CTCLQG) hiện phát hiện được khoảng hơn 100.000 người mắc lao, khoảng 20.000 người phát hiện đã điều trị tại khu vực y tế tư nhân nhưng không báo cáo với chương trình, còn lại khoảng 50.000 bệnh nhân chưa được phát hiện. Số người chết do lao năm 2018 ở Việt Nam ước tính là 11.000 người và có thêm 2.000 người chết vì lao/HIV. Tỉnh Long An năm 2020, Chương trình chống lao thu nhận 2.074 điều trị trường hợp lao các thể thu nhận và tỷ lệ điều trị thành công trên 95%.

Xác định tầm quan trọng của phát hiện lao chủ động, Bệnh viện Phổi tăng cường khám sàng lọc cho các đối tượng có nguy cơ mắc lao cao (ảnh: Phạm Ngân)

Cho đến nay, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm, mặc dù bệnh lao có thể phòng ngừa và điều trị được. Nghị quyết 20-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6, khóa XII “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” mục tiêu cụ thể đã nêu rõ đến năm 2030 cơ bản chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam. Chính phủ cũng đã ban hành chiến lược quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Thách thức của CTCLQG hiện nay là làm thế nào để phát hiện sớm và điều trị khỏi tất cả các trường hợp bị lao để cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng.

Để có thể phát hiện được nhiều ca mắc lao, Dự án USAID SHIFT (Tổ chức SHIFT của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ) và CTCLQG đã triển khai chiến lược “2X” (Xquang-Xpert). Chiến lược 2X là chiến lược nhằm phát hiện nhanh nguồn lây bệnh lao trong cộng đồng. Đối tượng có nguy cơ mắc lao đầu tiên sẽ được sàng lọc bằng phương pháp chụp X-quang ngực. Nếu trên X-quang ngực có hình ảnh nghi ngờ mắc lao, đối tượng sẽ được thực hiện bước 2 bằng xét nghiệm Gene Xpert (Gene Xpert là một kỹ thuật ứng dụng sinh học phân tử, cho phép xác định vi khuẩn lao ở mức độ ít với độ nhạy và độ đặc hiệu cao; cho kết quả nhanh và cho kết quả kép: mẫu bệnh phẩm có vi khuẩn lao hay không và vi khuẩn có hay không kháng thuốc điều trị lao Rifamycin).

Năm 2020, chiến lược 2X đã phát hiện tích cực các ca mắc lao tại các cơ sở y tế và phát hiện chủ động các trường hợp lao và lao tiềm ẩn trong cộng đồng trên 18 huyện thuộc 7 tỉnh/thành với kết quả thu được gấp 7 lần so với phát hiện thụ động chỉ trong 10 tháng triển khai. Tiếp tục thành quả trên năm 2021, 3 tỉnh khu vực phía Nam sẽ được triển khai chiến lược 2X gồm: Long An, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nhờ vào chiến lược 2X, tỉnh Long An có thể phát hiện sớm ca bệnh và các nguồn lây của bệnh lao trong cộng đồng. Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự phối hợp giữa các cơ sở y tế công, tư và sự tham gia tích cực của người dân thì triển vọng tìm hết các ca bệnh lao và quản lý điều trị, cắt đứt nguồn lây thì mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Long An vào năm 2030 là điều có thể đạt được./.

Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Long An - Bác sĩ Nguyễn Tấn Hiền

Chia sẻ bài viết