Tiếng Việt | English

27/01/2018 - 19:07

Giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, có đáng không?

Có nhiều cách để giải quyết mâu thuẫn nhưng lại dùng bạo lực; điều này liệu có đúng, có đáng không?

Vụ án cố ý gây thương tích xảy ra tại thị xã Kiến Tường là một bài học đáng nhớ của việc dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn, để lại hậu quả khôn lường. Chỉ vì một mâu thuẫn rất nhỏ, cả hai không bình tĩnh giải quyết lại dùng bạo lực để thị uy. Cuối cùng, chẳng những mâu thuẫn không được giải quyết mà một người bị thương, người còn lại phải nhận án phạt tù.

Nên bình tĩnh, kiềm chế thay vì giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Minh họa: KT

Nên bình tĩnh, kiềm chế thay vì giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Ảnh minh họa KT

Trước đó, khoảng 16 giờ, ngày 30/4/2016, Nguyễn Châu Khánh điện thoại hẹn Lý Hồ Thanh Duy đến cầu Hùng Vương (giáp ranh giữa phường 1 và phường 3, thị xã Kiến Tường) để nói chuyện về mâu thuẫn giữa Khánh và chị ruột của Duy. Đến điểm hẹn, Duy thấy Khánh cùng hai người bạn của Khánh là Thân và Thọ chờ sẵn. Lo sợ bị đánh nên Duy gọi điện cho cháu, nhờ đến nhà lấy xe môtô có để sẵn ba lô mang đến cho Duy. Trong lúc nói chuyện, Khánh dùng tay đánh vào mặt Duy làm giập môi dưới. Bị đánh, Duy lấy dao Thái Lan thủ sẵn trong người, đâm thẳng vào vai trái của Khánh. Thấy đối phương có hung khí, Khánh bỏ chạy xuống dốc cầu và được bạn chở đi bệnh viện, còn Duy bỏ về nhà.

Ngày 01/5/2016, Duy đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Kiến Tường đầu thú và giao nộp hung khí. Còn Khánh phải chịu thương tích 9%. Trước hành vi của bị cáo Duy, Tòa án nhân dân thị xã Kiến Tường tuyên phạt 9 tháng tù, cho hưởng án treo do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, chủ động bồi thường thiệt hại, tự thú, bị hại cũng có một phần lỗi,...

Tuy nhiên, Khánh không đồng ý với quyết định của tòa cấp sơ thẩm và kháng cáo, yêu cầu hủy bản án, đồng thời truy tố thêm một số người bạn của bị cáo có mặt lúc xảy ra sự việc. Trong phiên xét xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh bác yêu cầu kháng cáo của bị hại và khẳng định, bản án của tòa cấp sơ thẩm xem xét đầy đủ tính chất, hành vi vụ việc, một số người bạn của bị cáo cũng bị Công an thị xã Kiến Tường ra quyết định xử phạt hành chính.

Vụ án xét xử tội “Giết người” đối với bị cáo Dương Văn Thanh (37 tuổi), ngụ xã Chánh Hội, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, cũng là cái kết buồn của việc dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn. Mâu thuẫn trong quá trình làm việc chung trong công ty
tại xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, bị cáo dùng ống sắt nặng 2kg đánh liên tiếp vào đầu anh Võ Minh Hoàng khiến nạn nhân chịu thương tật 35%, còn bị cáo bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt 8 năm tù.

Trong tháng 01/2018, Tòa án nhân dân tỉnh cũng đưa ra xét xử vụ án “Giết người” đối với bị cáo Tạ Hoàng Sơn (44 tuổi), ngụ phường 11, quận 6, TP.HCM, tuyên phạt mức án 10 năm tù. Bị hại là anh Lê Hồng Điệp, bạn cùng hành nghề bán thuốc Nam với bị cáo. Vụ án mạng xảy ra vào ngày 18/4/2017, trong lúc uống rượu tại nhà trọ của Sơn, Sơn và anh Điệp mâu thuẫn vì tranh giành buôn bán trên các tuyến xe buýt. Sơn lấy 2 con dao đe dọa anh Điệp thì được mọi người can ngăn, anh Điệp cũng chủ động ra về. Tuy nhiên, khi ra lấy xe môtô để về, Sơn chạy theo gây sự, kéo xe anh Điệp. Bực tức, anh Điệp dùng tay huơ trúng mặt Sơn. Lúc này, Sơn rút con dao gọt trái cây đâm thẳng vào vùng ngực trái của anh Điệp, khiến nạn nhân tử vong.

Theo một số thẩm phán Tòa Hình sự, Tòa án nhân dân tỉnh, hầu hết vụ án cố ý gây thương tích, giết người, khung hình phạt dành cho bị cáo rất cao: Chung thân hoặc tử hình. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi của các bị cáo thường vì những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống. Cách xử lý mâu thuẫn không khéo léo, hoặc muốn thể hiện cái tôi, thiếu kiềm chế dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật, đến khi bị xử lý hình sự, biết ân hận thì quá muộn màng. Giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, liệu có đáng?

Nhật Minh

Chia sẻ bài viết