Tiếng Việt | English

11/11/2022 - 08:48

Giải Trần Hữu Trang 2022: Lan tỏa nghệ thuật cải lương trong xã hội hiện đại

Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang - 2022 đã khép lại. Nhiều người trong nghề nhận định, so với mùa giải trước, cuộc thi năm nay hoàn thiện hơn ở công tác tổ chức cũng như chất lượng các vai diễn.

Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang - 2022 do Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM chủ trì, phối hợp Hội Nghệ sĩ (NS) Sân khấu Việt Nam và Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và nghệ thuật sân khấu cải lương - một giá trị văn hóa lớn, đặc trưng của vùng đất phương Nam. Đây còn là một trong những hoạt động trọng tâm thực hiện Đề án Tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao tiêu biểu TP.HCM, giai đoạn 2020-2030.

Nghệ sĩ Võ Minh Lâm (kép mùi, vai Cố Sầu) trong trích đoạn Chuyện tình Khâu Vai

Vòng chung kết cuộc thi có sự tham gia tranh tài của 27 thí sinh là những NS đang hoạt động nghệ thuật sân khấu cải lương trên phạm vi toàn quốc. Các đêm thi đã mang đến những “bữa tiệc” nghệ thuật làm nức lòng khán giả mộ điệu. Kết thúc cuộc thi, 17 huy chương danh giá được trao cho những giọng ca xuất sắc, trong đó, có 6 huy chương vàng (HCV) và 11 huy chương bạc (HCB). Những thí sinh nổi bật đều chứng tỏ được tài năng; đồng thời, thể hiện sự tiến bộ về chuyên môn và tư duy làm nghề.

Qua cuộc thi cho thấy, các NS vẫn theo đuổi bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc bằng trái tim đam mê, thái độ làm nghề nghiêm túc và thành quả là những tấm huy chương xứng đáng. Không nằm ngoài dự đoán, cái tên Võ Minh Lâm đã được xướng lên với HCV ở hạng mục kép mùi đầy thuyết phục. Vai kép lão của Minh Trường cũng nhận được “cơn mưa” lời khen khi chất giọng nam NS đầy nội lực, diễn xuất tròn vai. Các vai đào mùi của Trần Thị Thu Vân, Huỳnh Tiểu Nhi hay đào mụ của Cao Thúy Vy cũng mang đến cuộc thi những sắc màu mới, sự đa dạng trong tính cách nhân vật.

Theo NS nhân dân Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội NS Sân khấu Việt Nam, tiếp nối những mùa giải trước, cuộc thi năm nay tiếp tục truyền lửa cho các thế hệ NS cải lương được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, khơi gợi ý thức tôn trọng nghề nghiệp; giữ gìn, phát huy những giá trị tinh hoa của nghệ thuật cải lương, làm giàu hơn, thấm đậm hơn những giá trị truyền thống quý báu của cha ông, góp phần cho nghệ thuật sân khấu cải lương được lan tỏa trong xã hội hiện đại.

Có thể thấy, một lớp NS cải lương đã trưởng thành cùng nhiều nhân tố dần được khai sáng và phát triển trong tương lai gần. Họ đều thể hiện niềm say nghề mãnh liệt cũng như ý thức được vai trò của người NS cải lương trong đời sống hiện đại. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều NS thiếu sáng tạo trong vai diễn, chưa có sự đột phá, chọn vai diễn không phù hợp,... gây nhiều tiếc nuối.

Đánh giá về cuộc thi, NS nhân dân Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, không nói nhiều về ưu điểm bởi “các ưu điểm được thể hiện trong màu huy chương”. Ngược lại, ông góp ý về những hạn chế để “nhắc các diễn viên giữ màu, nâng cấp huy chương và luôn cố gắng hoàn thiện nghề”. “Mỗi diễn viên có thế mạnh riêng nhưng nhiều người không tìm được cho mình trích đoạn để khai thác hết khả năng, hạn chế điểm yếu nên kết quả không như ý. Ngược lại, có diễn viên phát huy thế mạnh của mình đến vượt ngưỡng. Hiệu quả của tiết mục không phải bao giờ cũng làm nổi bật tài năng diễn viên. Bên cạnh đó, múa, trang trí, trợ diễn của diễn viên phụ làm mờ nhạt diễn viên chính” - NS nhân dân Trần Ngọc Giàu nhận xét.

Từ những hạn chế về việc lựa chọn vai diễn không phù hợp; trích đoạn mà biên tập như một lớp tự sự; lắp ghép các lớp kịch không hợp lý; chuyên biệt hóa làm “chết” một loại vai,... NS nhân dân Trần Ngọc Giàu nhận định phần lớn lỗi là ở các diễn viên: “Các diễn viên không chủ động sáng tạo, chưa chứng thực vai diễn bằng kỹ năng biểu diễn, chưa dùng kỹ thuật ngoại bộ để biểu hiện quá trình tâm lý nên nhân vật có xác mà không có hồn.

Các diễn viên quá tuân thủ vào sự chỉ đạo diễn xuất của đạo diễn, máy móc như con rối trong tay đạo diễn, rất dễ thấy diễn viên cười, khóc dưới sự chỉ huy của đạo diễn mà không tiết chế liều lượng nên còn chỗ thiếu, chỗ thừa,... Do vậy, vai diễn không truyền được cảm xúc trọn vẹn, người xem không thấy nhân vật mà chỉ thấy diễn viên đang diễn nhân vật”.

Việc thẳng thắn nêu lên những tồn tại, hạn chế của mùa giải này sẽ là tiền đề quan trọng, hành trang vững chắc để các NS hoàn thiện hơn ở các mùa giải tiếp theo./.

6 Huy chương vàng của cuộc thi được trao cho: Võ Minh Lâm (kép mùi, vai Cố Sầu, trích đoạn Chuyện tình Khâu Vai); Huỳnh Tiểu Nhi (đào mùi, vai Loan, trích đoạn Ảo vọng); Trần Thị Thu Vân (đào mùi, vai Huệ, trích đoạn Duyên kiếp); Cao Thúy Vy (đào mụ, vai Trường Lạc Thái Hoàng Thái hậu, trích đoạn Bi kịch); Nguyễn Minh Trường (kép lão, vai Trần Thặng, trích đoạn Kẻ sĩ Thăng Long) và Hà Như (đào độc, vai Đoàn Thị, trích đoạn Hồi xuân dược).

11 Huy chương bạc thuộc về các nghệ sĩ: Hải Long, Vĩnh Sơn (kép lão); Bích Hạnh, Bích Châm (đào mụ); Phương Nga, Diễm Ngọc, Như Huỳnh (đào mùi); Lê Trung Thảo, Nguyễn Văn Khởi (kép mùi); Thanh Đông (kép hài); Trần Minh Châu (kép độc).

Tùng Thư

Chia sẻ bài viết