Tiếng Việt | English

26/08/2020 - 08:54

Giáo dục tiểu học trước thách thức đổi mới trong năm học 2020-2021

Năm học 2020-2021, trước bối cảnh đại dịch Covid-19 chương trình giáo dục phổ thông hiện nay đang gặp nhiều thách thức.

Ngày 25/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2019 - 2020, triển khai nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 cấp tiểu học. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị.

Theo đánh giá chung, năm học 2019 - 2020 chất lượng giáo dục tiểu học tiếp tục đổi mới từ hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và hình thức tổ chức, phương pháp đánh giá học sinh. Giáo dục đã chuyển từ truyền thụ kiến thức sang tổ chức hoạt động nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh... Các địa phương đã tích cực, chủ động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đảm bảo để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục tiểu học đã chủ động điều chỉnh nội dung dạy học một cách hợp lý và phù hợp với tình hình diễn biến của dịch Covid-19… Thế nhưng, năm học mới 2020-2021 đặt ra cho giáo dục tiểu học nhiều thách thức khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.


Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Lào Cai. (Ảnh Báo Lào Cai)

Một trong những thách thức được ông Trần Văn Hòa, PGĐ Sở GD&ĐT Thanh Hóa đưa ra là, chúng ta chưa thực sự làm lan tỏa tinh thần đổi mới đến từng phụ huynh, từng người dân, từng cấp ủy, chính quyền. Vì thế theo ông Trần Văn Hòa, cần có bộ tài liệu về chương trình giáo dục phổ thông mới dành riêng cho phụ huynh.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đề nghị Bộ GD&ĐT có điều chỉnh sửa đổi, điều lệ trường học để có quy định về số lượng học sinh trên lớp học theo vùng miền để tạo thuận lợi cho việc bố trí biên chế giáo viên.

Với những tỉnh miền núi, ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai cho rằng, Lào Cai nói riêng và một số tỉnh miền núi nói chung, khi áp dụng dạy học ngoại ngữ và tin học thì những nơi này không thể đủ giáo viên để triển khai dạy học trực tiếp. Vì thế, trong điều kiện dịch bệnh, rất có thể những tỉnh này phải tổ chức dạy học trực tuyến, để một giáo viên có thể dạy được nhiều nơi. Nhưng như vậy sẽ không đảm bảo được chất lượng giảng dạy.

Nguyễn Anh Ninh đề xuất, trong dạy ngoại ngữ, hiện Sở GD&ĐT Lào Cai đã đề nghị Bộ Giáo dục tiếp tục có những chỉ đạo về đào tạo văn bằng 2 cho giáo viên tiểu học có trình độ ngoại ngữ và có thể dạy ngoại ngữ được. Bên cạnh đó, chỉ đạo việc cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên có trình độ ngoại ngữ nhưng chưa học sư phạm để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy ngoại ngữ trong các nhà trường. Do đó, phải chủ động trong việc đào tạo, đào tạo, bồi dưỡng có những giải pháp về đảm bảo giáo viên ngoại ngữ và giáo viên tin học

Trong bối cảnh dịch Covid-19, các bậc học khác sẽ phải tiếp tục thực hiện dạy học trực tuyến. Đây cũng là một thách thức đối với giáo dục tiểu học, nhất là với lớp 1 khi bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì thế, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT lưu ý, khi thực hiện dạy học online, dạy học trực tuyến các địa phương cần chú ý để thực hiện giãn cách. Đồng thời, tổ chức các lớp học đối với lớp 1, trong đó tăng cường tối đa cho việc trực tiếp, bằng các giãn cách theo quy định phòng, chống dịch.


Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình. (Ảnh: Báo Thái Bình)

“Cố gắng tăng cường dạy học trực tiếp đặc biệt trong thời gian học kỳ I để các em có tâm thế về mặt tâm lý sẵn sàng. Thứ hai là hình thành được thói quen khi bước vào một bậc học mới. Thứ ba là đảm bảo được yêu cầu cần đạt của chương trình, để từ đó các em tự học, tự hoàn thiện cái nhiệm vụ của mình”, ông Thái Văn Tài nói.

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại năm học vừa qua, năm học 2020-2021, cấp Tiểu học sẽ tập trung các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 1 từ năm học 2020 – 2021 và chuẩn bị triển khai đối với lớp 2 từ năm học 2021-2022.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra 8 nhóm vấn đề để các địa phương đề xuất giải pháp giúp giáo dục Tiểu học từng bước đổi mới chắc chắn và đạt được những thành tựu trong năm học tới. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh việc hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai chương trình mới. Trong đó, có mấy thông tư cần phải thực hiện sớm.

“Tôi rất lưu ý đến việc phải có cách để cây số học sinh trên lớp không nên chia bình quân. Bởi vì ở những vùng miền khác nhau thì tỷ lệ tính cũng khác nhau. Hay một số Thông tư liên quan đến giải quyết vấn đề giáo viên. Tới đây, giáo viên cho tin học và ngoại ngữ sẽ có tín chỉ, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hay văn bằng hai, thậm chí về học online. Bộ đang tích cực soạn thảo lấy ý kiến rộng rãi để cố gắng làm sao đầu năm học mới ban hành Thông tư dạy và học trực tuyến. Đây là một bước chuyển rất lớn”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói

Trước những thách thức của năm học mới 2020-2021 khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp 1, đòi hỏi các địa phương chủ động phương án về nguồn lực giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất; đổi mới quản lý, quản trị nhà trường gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục... Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông để cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh hiểu rõ, hiểu đúng về chương trình giáo dục phổ thông mới./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết