Tiếng Việt | English

25/08/2015 - 10:50

Giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng

Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã viết nên những trang sử hào hùng. Truyền thống đó đã đem đến cho mỗi người chúng ta, trong đó có thế hệ trẻ, niềm tự hào và sức mạnh tinh thần to lớn trong cuộc sống hôm nay.

 Giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng có ý nghĩa lớn lao trong việc xây dựng con người mới. Nhớ về cội nguồn và hiểu sâu sắc những bước đi đầy gian khổ của cha ông, sự hy sinh vĩ đại, cao đẹp của lớp lớp người con ưu tú cho Tổ quốc có tác dụng nuôi dưỡng tư tưởng, tâm hồn con người để sống và làm việc xứng đáng với các thế hệ đi trước.

Có nhiều cách để giáo dục truyền thống, trước hết là ở nhà trường, thông qua môn học Lịch sử, thầy, cô giáo dạy cho học sinh nắm vững và hiểu sâu các sự kiện lịch sử của dân tộc, như Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta”.

Ngoài ra, cùng với nhà trường, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp phải tăng cường các hoạt động ngoại khóa cho tuổi trẻ đi tham quan các bảo tàng cách mạng, di tích lịch sử, văn hóa; phối hợp các đơn vị, các ngành chức năng tổ chức liên hoan văn nghệ, giao lưu với những nhân chứng lịch sử nhân những ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước: Quốc khánh 2-9, Cách mạng Tháng Tám 1945, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại thắng mùa Xuân 1975, Ngày thành lập Quân đội nhân dân 22-12,... để giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng.

Được như vậy, công tác giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng sẽ thấm sâu vào mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ về lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần tự hào dân tộc, góp phần quan trọng trong việc “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một viêc rất quan trọng và rất cần thiết” - như lời dạy của Bác Hồ kính yêu đã để lại trong bản Di chúc./.

Thanh Nghị

Chia sẻ bài viết