Tiếng Việt | English

31/03/2016 - 11:00

Giữ gìn văn hóa đọc

Nhà văn hóa Hữu Ngọc từng nói “bản thân hình ảnh chỉ thoáng qua, từ ngữ mới đọng lại lâu bền”. Vì vậy, giữ gìn văn hóa đọc là điều cần thiết, là giữ lại nét đẹp văn hóa và giúp mỗi người tiếp nhận tri thức một cách khoa học và đạt hiệu quả.


Đọc sách là cầu nối giúp người đọc tiếp cận tri thức đầy đủ, sâu sắc nhất

“Thủy chung” với sách

Là bạn đọc thường xuyên của Thư viện tỉnh, hơn 1 năm nay, hằng tuần, em Trần Khánh Duy, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đều đặn đến thư viện mượn sách về nhà đọc. Những loại sách Duy mượn là sách lịch sử Việt Nam có kèm hình ảnh minh họa. Duy nói rằng: “Mỗi lần đến thư viện, em mượn khoảng 5 quyển về đọc và 3 ngày sau mang trả để mượn thêm sách mới. Em thích đọc sách vì cảm thấy rất hay, dễ nhớ và dễ hiểu hơn so với nghe qua đài hay xem ti vi. Nhờ đọc sách mà em biết và nhớ rất lâu các thời kỳ, các nhân vật lịch sử của nước ta”.

Còn em Ngô Thị Huỳnh Nho, học sinh lớp 11, Trường THPT Hậu Nghĩa, trong một lần vào thư viện huyện Đức Hòa, được đọc quyển sách về chân dung 10 phụ nữ có sức ảnh hưởng trên thế giới, em rất thích và hiểu những phụ nữ giỏi giang, nổi tiếng, làm nhiều việc tốt cho xã hội, em rất thích và ngưỡng mộ. Từ đó, em hiểu rằng, bản thân phải học hành chăm chỉ, là con ngoan, trò giỏi để mai này trở thành người có ích”. Sách giúp bản thân cảm nhận được cuộc sống nhiều hơn, tích lũy được nhiều kiến thức nên Huỳnh Nho thích đọc từ nhỏ. Lúc còn là học sinh tiểu học, Nho đọc những quyển truyện tranh. Đến cấp THCS, THPT, em bắt đầu đọc những loại truyện ngắn, sách thám hiểm và các loại sách về văn hóa, di tích lịch sử. Bây giờ, dù việc học hành khá bận rộn nhưng hằng tuần, Huỳnh Nho vẫn dành thời gian đến thư viện, mượn sách về đọc. Với em, đọc sách như một thói quen, là sở thích vì “đọc sách giúp em nhớ lâu hơn”.

Ngoài những bạn trẻ, vẫn còn những người lớn tuổi “một lòng” với văn hóa đọc sách. Đó là trường hợp ông Hoàng Oanh, ở thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa. Năm nay ngoài 60 tuổi nhưng đi đâu, ông cũng mang một quyển sách bên mình. Ông cho biết: “Tôi thích đọc sách từ thời trai trẻ. Lúc đó, tôi hay đọc tiểu thuyết, các tập thơ; còn bây giờ đọc những sách về chiến tranh. Mỗi khi đọc, tôi đều ghi lại những câu hay, những điều cần nhớ vào một quyển tập”.

Với ông Hoàng Oanh, việc đọc sách không những để thư giãn, thanh thản đầu óc mà còn tích lũy nhiều sự trải nghiệm trong cuộc sống qua những bài học mà tác giả thể hiện trong từng trang sách. Cũng theo ông, đọc sách sẽ rèn tính kiên nhẫn, điềm tĩnh cho người đọc. Hiểu được giá trị của văn hóa đọc nên trong gia đình, ông luôn định hướng cho cháu thói quen đọc sách từ nhỏ. Ông nói: “Tôi thường mua truyện tranh nội dung có tính giáo dục cho cháu nội. Khi đọc xong, tôi bảo cháu kể và rút ra điều ý nghĩa từ quyển sách ấy”. Vì thế, ngoài sự giáo dục của gia đình, nhà trường, sách còn là “trường học” mang đến những kiến thức vô giá, góp phần hình thành nhân cách tốt cho con người.

“Hâm nóng” văn hóa đọc

Bên cạnh những người vẫn “thủy chung” với sách, tiếp cận tri thức bằng cách đọc thì văn hóa đọc hiện nay đang dần mai một trong một bộ phận giới trẻ và người dân. Phó Trưởng phòng Công tác bạn đọc Thư viện tỉnh - Lê Thị Ngọc Lệ nhớ lại: “Những năm trước, bạn đọc đến thư viện đông đến mức không đủ chỗ ngồi. Còn hiện nay, số bạn đọc giảm dần”. Trong 3 tháng đầu năm 2016, Thư viện tỉnh có hơn 1.800 lượt bạn đọc tìm đến, thư viện các huyện tiếp gần 14.000 lượt bạn đọc.

Một trong những nguyên nhân khiến văn hóa đọc đang dần bị lãng quên là sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và các phương tiện nghe, nhìn. Khi cần một thông tin, chỉ cần lên mạng gõ từ khóa cần tìm hoặc xem, nghe qua ti vi là có thể tiếp cận được. Tuy nhiên, tri thức nhận được từ các kênh này không đọng lại lâu dài trong lòng người đọc. Bài viết trên các trang mạng cũng không miêu tả trọn vẹn, sâu sắc nội dung, tâm tình của tác giả gửi gắm như trong sách.

Để gìn giữ nét văn hóa đọc, Long An thực hiện nhiều hình thức. Đó là cuộc thi đọc sách “Long An quê hương tôi” được duy trì 6 năm qua với sự tham gia của hàng ngàn bạn đọc. Cuộc thi không đơn thuần giúp bạn đọc có thêm tri thức, sự hiểu biết về lịch sử quê hương trung dũng, kiên cường mà còn là một hình thức giữ gìn, phát huy văn hóa đọc ngày nay.

Ngoài ra, hệ thống thư viện - “linh hồn của văn hóa đọc từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố không ngừng đổi mới hoạt động, tăng số lượng đầu sách để phục vụ bạn đọc. Giám đốc Thư viện tỉnh - Nguyễn Tuấn Kiệt cho biết: “Để thu hút bạn đọc, Thư viện tỉnh bổ sung đầu sách gắn với nhu cầu độc giả và thực hiện luân chuyển sách thường xuyên về các huyện. Hiện nay, Thư viện tỉnh có hơn 170.000 đầu sách, phong phú về thể loại. Trong năm 2015, Thư viện tỉnh luân chuyển thư viện huyện, các điểm bưu điện văn hóa xã hơn 11.000 bản, các thư viện huyện luân chuyển cho xã, phường, thị trấn được hơn 26.000 bản. Ngoài ra, thư viện còn tổ chức nhiều hoạt động như “Chuyến xe tri thức”, các cuộc thi tìm hiểu về sách nhằm góp phần giữ gìn văn hóa đọc”.


Đọc sách là cầu nối giúp người đọc tiếp cận tri thức đầy đủ, sâu sắc nhất

Đặc biệt, hằng năm, Thư viện tỉnh đều tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21-4. Năm nay, thư viện sẽ tổ chức trưng bày sách về Đảng, Bác Hồ, biển, đảo quê hương, xây dựng nông thôn mới,... tại Nhà Thiếu nhi tỉnh vào những ngày gần cuối tháng 4. Tại đây, những loại sách mới sẽ được giới thiệu đến độc giả qua loa phát thanh. Ngoài ra, khi đến với hội sách, độc giả sẽ tham gia trò chơi đọc sách giải ô chữ, trả lời câu hỏi trên giấy và xem phim khoa học phổ thông, truyện cổ tích dành cho thiếu nhi. Với tất cả những hoạt động theo phương châm “Sách đi tìm người”, nhu cầu đọc sẽ được kích thích, văn hóa đọc sẽ được “hâm nóng” trong thời đại ngày nay.

Hiện nay, thị trường sách phong phú, dồi dào nên việc chọn lựa một loại sách ưng ý không dễ dàng. Điều này chưa kể có nhiều quyển sách bị lỗi, sai thông tin gây khó chịu cho người đọc. Vì vậy, người đọc phải chọn những quyển sách thật kỹ từ nội dung đến hình thức từ các nhà xuất bản uy tín đã qua kiểm duyệt. Anh Phạm Thanh Hiệp, ở phường Khánh Hậu, TP.Tân An cho biết: “Cuối tuần, tôi thường dẫn con gái đi nhà sách. Khi con tìm sách, tôi đều định hướng chọn những quyển phù hợp với lứa tuổi. Chẳng hạn, với bé gái đang học lớp 1, tôi khuyên con nên đọc sách dạy kỹ năng sống. Còn đứa con gái học lớp 9 thì tôi mua sách khám phá bí hiểm thế giới tự nhiên để con đọc và có thêm nhiều kiến thức về thế giới xung quanh”.
Văn hóa đọc - một nét đẹp văn hóa sẽ “sống” giữa thời hiện đại khi người đọc có ý thức giữ gìn và yêu thích đọc sách. Bởi, chỉ có sách mới thực sự là cầu nối mang đến nguồn tri thức vô tận cho người đọc một cách đầy đủ, sâu sắc so với các loại hình khác./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết