Tiếng Việt | English

08/12/2022 - 12:50

'Gốc vững, cây bền'

Người cao tuổi (NCT) được xem là "cây cao, bóng cả". Những cống hiến của các thế hệ NCT góp phần to lớn vào sự phát triển bền vững của đất nước, quê hương. Chăm sóc, phụng dưỡng NCT là trách nhiệm, đạo lý của mỗi gia đình và toàn xã hội.

Ông Phạm Công Huẩn thường dạy con cháu qua những bài thơ do mình sáng tác

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, thời còn trẻ, ông Phạm Công Huẩn (khu phố Bình An, phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An) từng tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ, là cựu tù Côn Đảo. Khi về già, ông dạy con, cháu tình yêu quê hương, đất nước. Cách dạy của ông khá đặc biệt bởi ông dùng chính những vần thơ của mình để nhắc nhở con, cháu. Đó là những từ ngữ dễ hiểu, đời thường khi ông sáng tác nhiều bài thơ ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, Bác Hồ, chữ hiếu, các mối quan hệ trong gia đình,...

Cả cha mẹ ông Huẩn đều qua đời vào năm 1968, anh trai ông là liệt sĩ, mẹ là Mẹ Việt Nam Anh hùng nên vợ chồng ông luôn dạy con cháu sống phải biết có trước có sau, phải yêu quý mảnh đất mà chính người thân mình hy sinh đánh đổi mới có được. 6 người con của vợ chồng ông đều thành đạt và có địa vị nhất định trong xã hội. Vợ chồng ông hiện sống cùng con gái, rể và cháu ngoại. Nhà vợ chồng con trai lớn thì ở gần đó. Ông Huẩn nói: “Lúc vợ tôi ngã bệnh, một tay con dâu lớn chăm sóc. Các con, cháu mỗi khi có dịp đều tề tựu về thăm nhà.

Những lúc như vậy, tôi thường khuyên nhủ tụi nhỏ sống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau cũng như tích cực tham gia các công tác xã hội ở địa phương”. Chính cách nghĩ phải yêu thương, chia sẻ mà gia đình ông không chỉ hỗ trợ cho an sinh xã hội, giúp đỡ những trẻ em nghèo, người già bệnh tật tại phường 3 mà trước đây,ông còn đóng góp tiền mua khoảng 1.000m2 đất ở nơi ông sinh ra (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) để làm nơi chôn cất miễn phí cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn qua đời.

Ở tuổi xế chiều, niềm vui, hạnh phúc nhất đối với ông Nguyễn Văn Chiến và bà Lê Thị Chúc (ấp Chánh, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa) là nhìn thấy con cháu sống hạnh phúc, quây quần bên nhau. Gia đình ông bà sống chung 3 thế hệ nhưng mọi người lúc nào cũng yêu thương, chia sẻ với nhau. “Chúng tôi sống cùng vợ chồng con trai và 2 đứa cháu nội - 1 trai, 1 gái. Con dâu tôi tháo vát, chịu khó làm ăn lắm! Khi vợ tôi bệnh, con dâu thức khuya, dậy sớm vừa làm bánh để bán, vừa lo cơm nước cho mẹ nó nằm viện" - ông Chiến nói.

Theo chị Dương Thị Phương Trinh - con dâu ông Chiến, ba mẹ chồng chị sống tình cảm nên chị không thấy khó khăn khi sống chung dưới một mái nhà nhiều thế hệ. Việc gói bánh tét, bánh ít bán hàng ngày của gia đình chị hiện nay là do mẹ chồng chỉ dạy cho chị. Với kinh nghiệm 20 năm làm bánh khi chị Trinh về làm dâu, bà muốn tạo điều kiện để vợ chồng chị làm ăn nên truyền đạt lại. Chính điểm tựa gia đình hòa thuận nên không khí làm việc tại nhà của chị luôn vui vẻ, công việc cũng suông sẻ, đứa con chăm ngoan, học giỏi.

Thông tin từ Ban Đại diện Hội NCT tỉnh, NCT luôn thể hiện vai trò “cây cao, bóng cả”, “tuổi cao, gương sáng”, gương mẫu đi đầu và vận động con cháu trong gia đình, dòng họ; chấp hành nội quy, hương ước; gương mẫu thực hiện việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh;...

Gia đình vẫn là điểm tựa lớn nhất của NCT. Nguyện vọng của đa số NCT là được sống trong sự yêu thương, chăm sóc của gia đình. Chăm sóc, phụng dưỡng người già là đạo lý, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình. Làm tròn chữ hiếu với mẹ cha, tri ân ông bà, mỗi người trong chúng ta đã vun gốc cho cây tỏa cành, xanh lá và bền vững đến muôn đời sau./.

Song Nhi

Chia sẻ bài viết