Tiếng Việt | English

14/02/2021 - 07:00

Góp sức cho mùa xuân quê hương

Mùa xuân về! Khắp đất trời như khoác lên mình “chiếc áo mới” xinh tươi, rạng rỡ hơn. Trong không khí xuân ấm áp, lòng người càng thêm phấn khởi trước sự đổi mới của quê hương.

Nhiệm kỳ 2015-2020, diện mạo Long An từ thành thị đến nông thôn có những đổi thay tích cực. Để đạt kết quả đó, công tác dân vận đóng vai trò hết sức quan trọng. Nhiều tập thể, cá nhân điển hình dân vận khéo (DVK) đã góp phần khơi dậy sức dân, huy động nhiều nguồn lực chung sức dệt nên mùa xuân cho quê hương.

Đường giao thông xã An Lục Long được tráng bê tông rộng rãi, ô tô, xe tải chở hàng hóa có thể lưu thông dễ dàng

Lấy sức dân chăm lo cho dân

Thông tin từ Ban Dân vận Tỉnh ủy, 5 năm qua, toàn tỉnh có trên 200 mô hình DVK tiêu biểu được triển khai, nhân rộng. Nổi bật nhất có thể kể đến các mô hình vận động xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn: Cầu, đường giao thông, đê bao lửng, nhà văn hóa ấp, đài lắng lọc nước,... Đặc biệt, có những công trình huy động sự đóng góp của nhân dân và các doanh nghiệp lên đến hàng tỉ đồng như các công trình giao thông tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Hà Minh Tuấn (nguyên Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã An Lục Long), chia sẻ, muốn dân vận thành công phải phát huy tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Mọi việc liên quan đến dân đều phải đưa ra để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, nêu cao vai trò, trách nhiệm, luôn “lắng nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin”. 

Với cách làm này, những công trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm” ở xã An Lục Long luôn nhận được sự đồng tình cao. 5 năm qua, xã xây dựng 10 tuyến đường bêtông dài trên 13km, 18 công trình bồn lắng lọc nước với tổng kinh phí trên 23,3 tỉ đồng (mạnh thường quân và nhân dân đóng góp gần 11,7 tỉ đồng). Ngoài ra, nhân dân đã hiến đất mở rộng các tuyến kênh nội đồng, nâng cấp tuyến lộ ranh liên xã với diện tích hơn 23ha (trị giá khoảng 23,3 tỉ đồng).

Công tác dân vận cũng được xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, xác định là “chìa khóa” quan trọng nhằm tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân, góp phần triển khai, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Đầu năm 2020, Bình Hòa Tây đã được công nhận đạt chuẩn xã văn hóa, nông thôn mới. Với xuất phát điểm khá thấp, để có được kết quả như hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã có nhiều nỗ lực.

Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Tây - Hoàng Thị Thùy Như cho biết, việc duy trì hoạt động đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân giúp địa phương kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm cũng như những khó khăn, vướng mắc của người dân, từ đó xây dựng các mô hình DVK phù hợp với điều kiện của địa phương. Quan điểm của xã là không huy động quá sức dân, tất cả đều phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, lấy sức dân để chăm lo cho dân.

Nâng cao đời sống của nhân dân

Không chỉ chú trọng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhiều địa phương còn “khéo” trong tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng các loại hình hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất, tổ hợp tác may gia công, tiết kiệm nuôi heo đất,... đã được triển khai, thực hiện hiệu quả, góp phần giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết.

Diện mạo xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc - xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh có nhiều đổi mới, đời sống người dân có những bước tiến rõ rệt. Qua tìm hiểu, nhờ tham gia các tổ kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau màu giúp người dân cải thiện thu nhập đáng kể. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 61 triệu đồng/năm.

Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân Phước Hậu tăng thu nhập

Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Phước Hậu - Đặng Phước Hảo thông tin, toàn xã hiện có 5 HTX rau; trong đó, 3 HTX được cấp chứng nhận VietGAP, 2 HTX có nhà sơ chế, HTX Phước Thịnh được chọn là HTX điểm của tỉnh. Thời gian qua, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi hình thức sản xuất thông qua mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới gắn với trồng rau ứng dụng công nghệ cao, đến nay thực hiện được 330ha. 

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, phong trào DVK đã làm thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Tiêu biểu là các mô hình: Tuyến đường, tuyến phố văn minh trật tự, sáng, xanh, sạch, đẹp; Hũ gạo tình thương; Chung tay mua bảo hiểm y tế; Gia đình hội viên không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; Tổ dân cư không ma túy, không vi phạm pháp luật về giao thông;...

Tại thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh, những năm qua, việc vận động xây dựng tuyến phố văn minh tạo được nhiều chuyển biến. Trên địa bàn thị trấn hiện có 13 tuyến phố đã được công nhận là Tuyến phố văn minh. Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thị trấn Tân Thạnh - Trương Thanh Sang - một trong những cá nhân có thành tích tiêu tiểu trong công tác DVK, được khen thưởng cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020, bộc bạch: “Cùng với tuyên truyền, vận động, địa phương còn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở. 100% hộ gia đình, hộ kinh doanh và các cơ quan, đơn vị trên các tuyến đường đã ký cam kết giữ gìn an toàn giao thông, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường”.

13 tuyến phố trên địa bàn thị trấn Tân Thạnh đã được công nhận Tuyến phố văn minh

DVK góp phần xây dựng quê hương và các cá nhân, tập thể điển hình DVK đã làm cho mùa xuân quê hương thêm tươi đẹp. Trong tiết xuân sang, lòng người phơi phới niềm tin, kỳ vọng vào những đổi thay trong nhiệm kỳ mới./.

“Dân vận khéo góp phần xây dựng quê hương và các cá nhân, tập thể điển hình dân vận khéo đã làm cho mùa xuân quê hương thêm tươi đẹp”

Hoàng Trà

Chia sẻ bài viết