Tiếng Việt | English

14/12/2015 - 17:09

Góp ý điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Đáp ứng mục tiêu nâng cao vai trò, vị thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), kết nối với chiến lược phát triển mới, tích hợp quy hoạch KT-XH, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời khắc phục các hạn chế trong việc triển khai quy hoạch được phê duyệt, góp phần giải quyết những bất cập, tồn tại trong phát triển vùng ĐBSCL, Viện quy hoạch xây dựng miền Nam thuộc Bộ Xây dựng thực hiện đồ án “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" và tổ chức hội nghị tại Long An để tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các sở, ngành và lãnh đạo tỉnh Long An.

Bản đồ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh Internet)

Trong bối cảnh của toàn cầu hóa, Việt Nam gia nhập WTO, AFTA, TPP có nhiều tác động trực tiếp cấu trúc kinh tế của vùng; sự nóng lên của toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp của quá trình biến đổi khí hậu đến vùng ĐBSCL; khủng hoảng năng lượng thế giới; ô nhiễm môi trường; khủng hoảng, suy thoái kinh tế; tình hình phức tạp về tranh chấp chủ quyền biển đảo trong khu vực và thế giới,... do vậy cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch xây dựng phù hợp tình hình mới.

ĐBSCL có diện tích tự nhiên 40.604,7km2; dân số 17,5 triệu người (năm 2014); 330km đường biên giới giáp Campuchia; 700km giáp biển với vùng biển thuộc chủ quyền 360.000km2. Tổng cộng gồm 13 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó, nam sông Hậu gồm: Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang; Khu vực bắc sông Hậu gồm: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang và Long An.

Điểm mạnh của ĐBSCL là vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên đất đai màu mỡ, tài nguyên biển rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào và sau 30 năm đổi mới đã và đang trên xu hướng phát triển mạnh. Điểm yếu là hạ tầng còn chưa bảo đảm, việc khai thác các nguồn tài nguyên gần đã tới ngưỡng giới hạn, chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và áp lực của sự gia tăng dân số.

Cơ hội cho vùng ĐBSCL là đẩy mạnh các liên kết, xúc tiến thương mại với các thị trường tiềm năng và ổn định, tiếp nhận và áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để nâng cao giá trị hàng hóa, hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thách thức là phải đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; đổi mới về quản lý hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng trong quản lý, đầu tư và sản xuất; đổi mới sự phân bổ vốn ngân sách theo hướng tập trung tăng mạnh cho đầu tư phát triển.

Trên cơ sở các tiềm năng và động lực phát triển quy hoạch vùng ĐBSCL đã đề xuất các kịch bản phát triển vùng; kịch bản phát triển dân số; kịch bản dân số và quá trình đô thị hóa. Đề xuất các chiến lược hướng đến tầm nhìn, định hướng phát triển các tiểu vùng như vùng Đồng Tháp Mười, vùng giữa sông Tiền, sông Hậu, vùng Tứ Giác Long Xuyên, vùng tây sông Hậu, vùng bán đảo Cà Mau và tiểu vùng ven biển Đông. Định hướng phát triển không gian vùng, phân bổ trọng điểm du lịch, định hướng cấp điện, cấp nước và vai trò của 13 tỉnh, thành thuộc vùng ĐBSCL. Đưa phương án phát triển mạng lưới giao thông, hình thái đô thị mới, cảnh quan sản xuất và sự chuyển hóa của vùng ĐBSCL đến năm 2050.

Phát biểu kết luận hội nghị, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Thanh Nguyên nhấn mạnh tính liên vùng, sự tác động giữa các tỉnh vùng ĐBSCL với nhau và với TP.HCM trong quá trình đô thị hóa và hội nhập. Cần có các nghiên cứu sâu và toàn diện hơn về vấn đề triển khai các dự án lấn biển cũng như việc đề xuất triển khai cảng biển nước sâu tại tỉnh Bạc Liêu. Song song đó, đề nghị các giải pháp trồng rừng bảo vệ các vùng ven biển, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với quá trình biến đổi khí hậu nước biển dâng. Quy hoạch vùng ĐBSCL phải gắn kết với quy hoạch ngành và quy hoạch từng tỉnh, cần thiết có cơ chế để đẩy mạnh mối liên hệ và tính thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện sau khi được Chính phủ phê duyệt./.

Lê Quốc Dũng
Phó Giám đốc Sở KH&CN

 

Chia sẻ bài viết