Tiếng Việt | English

27/02/2018 - 10:12

Gương sáng xây dựng nông thôn mới ở vùng biên

Từng là Bí thư Đoàn xã, Bí thư Đảng ủy xã nhưng vì yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, năm 2005, ông Nguyễn Văn Tòng, ngụ ấp Ông Nhan Đông, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An xin nghỉ hưu trước tuổi để về làm kinh tế gia đình, nuôi dạy, chăm sóc các con. 13 năm kể từ ngày nghỉ hưu “non”, ông luôn đi đầu trong mọi hoạt động của địa phương, là Phó Bí thư ấp nhiệt tình, gương mẫu.

Ông Nguyễn Văn Tòng - gương sáng xây dựng nông thôn mới tại xã biên giới Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường

Cán bộ ấp gương mẫu

Dù ngấp nghé tuổi lục tuần, mái tóc điểm nhiều sợi bạc nhưng gặp chúng tôi, ông Tòng vẫn say sưa kể nhiều câu chuyện về xã vùng biên Bình Hiệp. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, hơn ai hết, ông rất hiểu đời sống người dân nơi đây cũng như sự phát triển của địa phương qua từng thời kỳ. Nào là cái thời đất rộng, người thưa rồi đến thời khai hoang, mở đất làm ăn, phát triển kinh tế. Đang say sưa kể chuyện, không ít lần, điện thoại của ông đổ chuông. Đó là những cuộc gọi đến để hỏi về giống, giá cả lúa, phân bón,... và có cả những cuộc gọi hỏi thăm ông.

Sự gắn bó, gần gũi với người dân trong ấp bắt đầu khi ông vừa xin nghỉ làm Bí thư Đảng ủy xã. “Thời đó, tôi xin nghỉ hưu vì không có điều kiện tiếp tục học tập để nâng cao trình độ theo yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ. Hơn nữa, hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nên tôi xin nghỉ để tập trung chăm lo phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình. Thế nhưng, người dân tin tưởng, quý mến nên đề nghị tôi tham gia công tác ấp. Thấy vậy, tôi đồng ý và làm Phó Bí thư ấp đến nay vừa tròn 13 năm” - ông Tòng cho biết.

Tuy vừa làm kinh tế, vừa tham gia công tác ấp mất nhiều thời gian nhưng ông luôn gương mẫu, nhiệt tình trong mọi hoạt động. Đặc biệt, từ khi xã phát động phong trào nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới, những người như ông lại tất bật hơn.

Ông kể, có lúc bận mùa vụ nhưng hàng ngày, ông vẫn dành thời gian cùng Ban Mặt trận ấp đến từng nhà vận động người dân hiến đất làm đường, nạo vét kênh, mương, thực hiện các phong trào xây dựng nông thôn mới. “Khi mới triển khai xây dựng nông thôn mới, nhiều người dân chưa hiểu hết ý nghĩa của chương trình nên chưa đồng thuận hiến đất. Xác định mình phải gương mẫu đi đầu để tạo sức lan tỏa, sự đồng thuận trong người dân nên khi thực hiện nạo vét Kênh 3 xã kết hợp làm lộ giao thông nông thôn, gia đình tôi tự nguyện hiến 1.500m2 đất. Mình làm trước, người dân sẽ đồng thuận làm theo. Và, từ con kênh nhỏ ban đầu, nay được mở rộng với mặt lộ 3m trải đá xanh” - ông tâm sự.

Xin từng gốc rạ làm đường cho dân

Từ khi nhận tham gia công tác ấp, ông như người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Năm 2006, thấy lộ quốc phòng cũ nối ấp Ông Nhan Đông và xã Thạnh Trị trũng thấp, sình lầy vào mùa mưa, người dân đi lại gặp rất nhiều khó khăn nên ông vận động các hộ dân trong xã đóng góp làm đường.

“Giao thông còn hạn chế nên thương mấy đứa trẻ đi học lấm lem bùn đất, hàng hóa vận chuyển cũng khó khăn. Lúc ấy, tôi tổ chức cuộc họp trong ấp thống nhất xin chủ trương nâng cấp tuyến đường để người dân, học sinh đi lại thuận tiện hơn. Địa phương đồng ý nhưng lại thông báo không có kinh phí hỗ trợ, muốn thực hiện, ấp phải tự đứng ra vận động người dân đóng góp. Thế là, chúng tôi tổ chức ngay buổi họp dân để xin ý kiến về việc nâng cấp tuyến đường. Thực hiện không hề dễ dàng, bởi thời điểm đó, kinh tế của người dân trong ấp còn nhiều khó khăn, nhiều người muốn đóng góp nhưng chẳng biết lấy tiền đâu ra. Suy nghĩ mãi, tôi cùng các đồng chí trong ấp nảy ra ý định xin gốc rạ của các hộ dân trong ấp để bán lấy tiền làm đường. Sau gần 2 năm bán gốc rạ (200ha) cho những hộ nuôi vịt chạy đồng, chúng tôi thu được 130 triệu đồng để mua đá xanh, thuê máy móc, nhân công thi công tuyến đường. Tuyến đường hoàn thành, việc đi lại của người dân địa phương được thuận lợi, dễ dàng hơn trước. Ai nấy đều vui mừng, phấn khởi” - ông Tòng nhớ lại.

Ngoài ra, biết hơn 100 hộ dân khu vực Kênh 3 xã thuộc ấp Ông Nhan Đông và ấp Tầm Đuông chưa có nước sạch để dùng, ông trực tiếp kiến nghị địa phương xem xét, đề nghị cấp trên đầu tư trạm cấp nước sạch. Và khi có thông tin xây dựng trạm cấp nước sạch cho người dân, ông lại đi từng nhà để “xin” địa điểm xây dựng trạm cấp nước phục vụ đời sống người dân,... Từ những đóng góp đó, 7 năm qua, ông đều được Đảng ủy xã đánh giá là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nói về ông Tòng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hiệp - Nguyễn Văn Là cho biết: “Ông Nguyễn Văn Tòng không chỉ là cán bộ ấp gương mẫu mà còn là gương sáng trong xây dựng kinh tế gia đình, luôn đi đầu trong mọi hoạt động phong trào của địa phương. Việc gì khó trong ấp đều do ông đứng ra vận động. Từ đó, góp phần giúp địa phương đưa các chủ trương, nghị quyết, chương trình đi vào cuộc sống, được người dân đồng thuận thực hiện”./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích