Trong khuôn khổ Hội nghị COP 21 đang diễn ra tại Paris, tối 30/11 (theo giờ Việt Nam) tại Trung tâm hội nghị Bourget, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte và bà Laura Tusk, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) về phát triển bền vững đã đồng chủ trì phiên Đối thoại cấp cao "Việt Nam chung tay cùng các đối tác quốc tế ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long”. Tham dự phiên Đối thoại còn có đại diện lãnh đạo một số quốc gia, các tổ chức quốc tế và lãnh đạo một số bộ, ngành Việt Nam và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Toàn cảnh phiên đối thoại
Phát biểu mở đầu phiên Đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Cộng đồng quốc tế đang đối mặt với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đây cũng là các thách thức to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, 1 trong 5 quốc gia trên thế giới chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó có vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng nhấn mạnh: Nếu không có giải pháp ứng phó phù hợp thì dự báo đến cuối thế kỷ này, nếu nước biển dâng cao 1m sẽ gây ngập tới 40% diện tích và ảnh hưởng tới sinh kế của gần 55 % dân số Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Đây còn là nơi đang xuất khẩu khoảng 1/5 tổng lượng gạo thương mại quốc tế trên toàn cầu, cung cấp gạo cho hàng triệu người tại nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi đối thoại
Cảm ơn Chính phủ Hà Lan, Ngân hàng Thế giới và nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã dành nhiều sự hỗ trợ, nguồn lực quý báu cho Việt Nam nói chung và cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long đang được bổ sung, điều chỉnh theo định hướng cơ bản của Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long đã được xây dựng trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước giữa hai nước Việt Nam và Hà Lan…
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh một số định hướng ưu tiên trong đầu tư phát triển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các hoạt động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng được gắn kết với quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng bền vững, lồng ghép hiệu quả vào các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng với phát huy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.
Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte
Chính phủ Việt Nam cũng đang chú trọng tích hợp quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trong quy hoạch phát triển đô thị và sử dụng đất; phát triển hệ thống các khu dân cư vượt lũ đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng thân thiện với môi trường sinh thái. Đồng thời giảm dần sử dụng các nguyên liệu hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính gắn với nâng cao năng lực dự báo và các hệ thống cảnh báo sớm, chủ động triển khai các giải pháp phòng tránh thiên tai và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh tới việc đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức và sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp trong chủ động phòng tránh thiên tai; tăng cường hợp tác khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước cho vùng Đồng bằng sống Cửu Long.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực và các đối tác liên quan, đặc biệt là Ủy hội sông Mekong quốc tế, để khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của các quốc gia, tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam nói chung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng trong các hoạt động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.
Chính phủ Việt Nam luôn trân trọng và quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ quốc tế. Trong Đối thoại hôm nay, chúng tôi mong nhận được các đề xuất về giải pháp, phương thức hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long…”
Các đại biểu tham dự phiên Đối thoại đều nhấn mạnh: Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu ảnh hưởng mạnh nhất với kịch bản nước biển dâng cao 1 m. Ngân hàng Thế giới xếp Việt Nam là 1 trong 12 nước vay vốn chịu ảnh hưởng lớn nhất đối với nước biển dâng. Đồng bằng sông Cửu Long, là nơi đang chịu các tác động “kép” do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và do các hoạt động xây đập, khai thác và sử dụng nước không bền vững tại các khu vực thượng nguồn sông Mekong. Nhiều nơi trong vùng đã chịu những trận bão, lũ lớn, gây thiệt hại nặng nề về con người và kinh tế. Hạn hán nặng dẫn tới xâm nhập mặn ngày càng tăng, làm ảnh hưởng tới gần 700.000 ha đất canh tác, chiếm khoảng 40% trong tổng số 1,7 triệu ha đất nông nghiệp của cả vùng.
Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Laura Tusk
Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Laura Tusk nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam đã chứng tỏ với cộng đồng thế giới thấy rõ sự cam kết mạnh mẽ cũng như quyết tâm đề ra các biện pháp hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bà Laura Tusk khẳng định: Ngân hàng Thế giới sẽ nỗ lực hết mình, cùng với các quốc gia, các tổ chức quốc tế khác trong ứng phó với biến đổi khí hậu và cam kết sẽ tăng khoản tài chính 29 tỉ USD hàng năm hỗ trợ các nước thành viên ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đề nghị Việt Nam với vai trò là quốc gia đi đầu trong khu vực về ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường hành động mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời khẳng định Hà Lan sẵn sàng làm tất cả để hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Kết thúc phiên Đối thoại, các bên đã ra Tuyên bố chung giữa Việt Nam, Hà Lan và Ngân hàng Thế giới về việc ủng hộ và kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long./.
Thành Chung- Thùy Vân/VOV