Tiếng Việt | English

26/12/2019 - 18:25

Hạn, mặn đe dọa các tỉnh miền Tây

Xâm nhập mặn năm nay được dự đoán sẽ ảnh hưởng đến khoảng 100.000ha lúa vụ Đông Xuân, hàng trăm hécta hoa kiểng tết và hơn 50.000 hộ dân bị thiếu nước, trong đó Long An, Tiền Giang, Bến Tre là các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng.

Bơm nước kênh vào ruộng dự trữ qua mùa hạn, mặn
Bơm nước kênh vào ruộng dự trữ qua mùa hạn, mặn 

Mặn về sớm, sâu bất thường 

Những ngày giữa tháng 12, đi dọc làng hoa Chợ Lách (Bến Tre), ngoài cảnh tất bật chăm sóc hoa phục vụ Tết Nguyên đán, dễ bắt gặp hình ảnh người dân mang thùng, xô, phuy nhựa, dùng xe kéo chở nước ngọt về nhà dự trữ cho sinh hoạt và sản xuất.

Ông Nguyễn Thành Hải (48 tuổi, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách) cho biết, vụ này ông trồng 2.000 chậu cúc mâm xôi, vạn thọ.Cây đang phát triển tốt thì mặn bất ngờ xâm nhập sâu trên sông Cổ Chiên, với độ mặn 8‰ (cao gấp đôi so với đợt hạn, mặn lịch sử năm 2016).“Hiện nước các nhà máy cung cấp cho chúng tôi sử dụng cũng đã bị nhiễm mặn.Mấy ngày qua, tôi phải thuê xe chở nước ngọt về nhà tưới cây với giá 100.000 đồng/m3” - ông Hải nói.

Theo người dân, đa số cây ăn quả như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm và hoa chỉ chịu được độ mặn dưới 0,5‰. Ngoài ông Hải, nhiều hộ dân khác phải dùng nước ngọt dự trữ cho sinh hoạt để tưới cây. Một số hộ dùng ghe, xuồng đi đến các con sông chưa bị nhiễm mặn cách đó khoảng 40km, dùng phuy nhựa chở nước với số lượng lớn, vài trăm mét khối về dự trữ.

Trong khi những hộ dân có điều kiện thì đầu tư hệ thống máy lọc nước mặn, với chi phí 80 triệu đồng/bộ, 4 giờ lọc được 1 khối nước.

Ngày 15/12, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách - Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, thông tin, toàn huyện có khoảng 13.000 hộ sản xuất cây giống, hoa kiểng. Năm nay, huyện có 600ha cây, hoa giống phục vụ tết, tương đương 11 triệu sản phẩm. Các loại hoa kiểng chủ yếu là cúc mâm xôi, mai vàng, tắc, vạn thọ, đa số đang ở giai đoạn sắp thu hoạch, đã được các thương lái đặt hàng.

“Thời điểm này, mặn đã xâm nhập sớm và sâu đến hầu hết các xã trên địa bàn từ 0,1 đến 6,6‰, đe dọa các diện tích cây trồng, gây nguy cơ thiếu hụt hoa kiểng phục vụ tết” - ông Liêm cho hay.

Theo ông Liêm, nếu hạn, mặn kéo dài đến tháng 5, tháng 6 năm sau, ngành chức năng sẽ tính đến phương án vận chuyển nước tưới hỗ trợ người dân. Đồng thời, thu hẹp vùng sản xuất để giảm thiệt hại, sử dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật, tăng sức chịu đựng hạn, mặn cho cây.

Đài Khí tượng Thủy văn Bến Tre cho biết, đợt hạn, mặn năm nay đến sớm nhất trong 10 năm trở lại đây. Theo dự báo, xâm nhập mặn tiếp diễn đến giữa tháng 12, sau đó ít biến đổi.Độ mặn xâm nhập sâu nhất sẽ xấp xỉ thời điểm đợt hạn, mặn lịch sử 3 năm trước.

Nông dân Làng hoa Chợ Lách mua nước ngọt tưới hoa kiểng giá 100.000 đồng/m3

Nông dân Làng hoa Chợ Lách mua nước ngọt tưới hoa kiểng giá 100.000 đồng/m3

Chủ động đối phó ngày từ đầu 

Tại Tiền Giang, hạn, mặn cũng đe dọa 60.000ha lúa Đông Xuân, 10.000ha hoa màu và 80.000ha cây ăn trái.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - Lê Văn Hưởng vừa họp khẩn với các ban, ngành, khuyến cáo người dân không gieo sạ lúa ngoài lịch, chủ động mua dụng cụ trữ nước ngọt. Trong trường hợp cấp bách, địa phương sẽ cấp phát thùng chứa, đồng thời khẩn cấp khoan các giếng lớn phục vụ đời sống, sản xuất.
Tại Long An, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi - Võ Kim Thuần thông tin, những ngày qua, độ mặn tại hầu hết các trạm trên hệ thống sông, rạch Long An xấp xỉ hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2018. Hiện nay, các cống trên sông Rạch Cát (cống Ông Hiếu, Trị Yên, Xóm Lũy, Nha Ràm), sông Vàm Cỏ (cống Bến Trễ), sông Vàm Cỏ Đông (cống Xóm Bồ, cống Đôi Ma, Ông Bình) đều đã đóng để ngăn mặn triệt để. “Đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận mặn xâm nhập sâu vào nội đồng” - ông Võ Kim Thuần cho biết.

Chi cục này cũng đề nghị các địa phương theo dõi độ mặn thường xuyên và xây dựng kế hoạch vận hành các cống đầu mối hợp lý. Thường xuyên kiểm tra và có kế hoạch xử lý triệt để các cửa cống bị rò rỉ, tránh tình trạng nước mặn xâm nhập vào bên trong nội đồng nhằm bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Ngành chức năng khuyến cáo người dân không lấy nước ở các khu vực đã bị nhiễm mặn, tranh thủ lấy, tích trữ nước vào ao, đồng ruộng khi nước mặn chưa xâm nhập vào các kênh nội đồng. Người dân cần sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí và làm ô nhiễm nguồn nước nhằm bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt an toàn.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 6 đến tháng 10, lượng mưa vùng thượng nguồn sông Mekong ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 35-40%, vùng trung và hạ lưu ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Do đó, mực nước thượng nguồn hiện ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,4-0,7m.

Theo dự báo, dòng chảy sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long từ thời điểm này đến tháng 2 năm sau rất hạn chế, khả năng thiếu hụt khoảng 30-45%. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đối diện với tình trạng xâm nhập mặn gay gắt, sớm và sâu hơn. Các tỉnh gần và ven biển như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cũng cảnh báo, từ nay đến tháng 2 năm sau, mặn có thể xâm nhập sâu vào nội đồng từ 35-110km, cao hơn năm 2016 từ 3-7km.

Các chuyên gia về môi trường cũng nhận định, thủy triều sông Mekong năm nay lên xuống rất đặc biệt, dị thường.Biển Hồ Tonle Sap (Campuchia) đang bị bồi lắng, ít nước, kết hợp tình trạng sụt lún của Đồng bằng sông Cửu Long làm nước đổ về ít giữ được, thoát ra biển nhanh hơn. Nếu sang năm không có mưa trái mùa, đồng bằng sẽ có thể hứng chịu đợt hạn, mặn bằng hoặc thậm chí nặng nề hơn năm 2016.

Năm 2016, đợt hạn, xâm nhập mặn lịch sử tại Đồng bằng sông Cửu Long khiến 600.000 người dân thiếu nước sinh hoạt và 160.000ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỉ đồng./.

Thường Sơn - Song Nhi

Chia sẻ bài viết