Tiếng Việt | English

29/08/2016 - 10:54

Hàng nhái, hàng giả có mặt ở nhiều vùng nông thôn

Hiện nay, những mặt hàng cần thiết hàng ngày như: Đường, bột ngọt, dầu ăn,... và cả những mặt hàng nhu yếu phẩm khác như: Dầu gội, sữa tắm, khăn giấy, mỹ phẩm,... cũng đều có nguy cơ bị làm giả.

Với mức thu nhập còn thấp, người dân ở các vùng sâu, vùng xa có tâm lý ưa chuộng các nhãn hiệu phổ biến với giá cả mềm. Trong số các loại hàng hóa trên, có những mặt hàng không bảo đảm chất lượng. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho hàng giả, hàng nhái có điều kiện len lỏi, tràn về khắp các vùng nông thôn.

Bà Nguyễn Thị Thám, chủ một tiệm tạp hóa ở ấp 4, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An cho biết: "Do mức sống thấp nên người dân chỉ chuộng những mặt hàng phù hợp với thu nhập. Vì vậy, tôi cũng như các chủ quán ở đây đều lấy những mặt hàng giá rẻ mà các nhân viên tiếp thị đến tận nơi để bỏ hàng. Đôi khi tôi và họ cũng không ngờ các mặt hàng đó lại là hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, thậm chí là hàng giả".


Nhiều tiệm tạp hóa ở các vùng nông thôn bày bán lẫn lộn hàng chính hãng với hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc,... nhưng người tiêu dùng rất khó nhận biết

Người dân vùng nông thôn còn có tâm lý rất ưa chuộng các mặt hàng có nhãn hiệu phổ biến, nổi tiếng mà họ được xem quảng cáo trên tivi. Với các nhãn hiệu có tên nước ngoài, hình dạng tương đối giống nhau thì không ai có thể phân biệt được, chẳng hạn như: Khăn giấy Tempo (một sản phẩm có chất lượng khá tốt) thì bị nhái thành Ten, bánh Choco Pie thành Choco Pan, bánh Danisa bị nhái thành Damisa,…

Chị Văn Thị Hồng Nhung, ở ấp Tân Bình, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa bức xúc: "Hiện nay, các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày bị làm nhái rất nhiều. Nếu như các mặt hàng này đưa về các vùng sâu, vùng xa thì càng nguy hiểm hơn, vì người dân quê có thu nhập thấp, thích mua hàng với giá rẻ. Điều đáng lo ngại là những mặt hàng nhái thường là các nhãn hiệu hàng Việt".

Bên cạnh đó, một số nhãn hiệu hàng Việt khá quen thuộc với người tiêu dùng cũng bị nhái như: Nước rửa chén Vỹ Hảo gần giống tên Mỹ Hảo; bánh kẹo Kim Đô - Kinh Đô; Bibika - Bibica; bánh Chocolat - Chocolate; bột giặt Viko - Viso,... được bày bán tràn lan với giá rẻ hơn nhiều so với hàng thật.

Một chị bán hàng ở chợ Lương Bình, huyện Bến Lức chia sẻ: “Tâm lý chọn mua bánh, kẹo của đa phần người tiêu dùng vùng nông thôn trước hết là phải hợp túi tiền nên chúng tôi nhập hàng loại rẻ tiền cho dễ bán”.

Theo ghi nhận từ một số điểm bán tạp hóa ở các vùng nông thôn, hiện nay, người dân đang phải sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng họ phải mua với giá rất cao (do nhầm đó là hàng Việt chất lượng cao hoặc hàng ngoại có thương hiệu) chứ không phải là hàng giá rẻ.

Trước tình trạng này, người tiêu dùng khi mua các loại hàng hóa, cần quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm thay vì chỉ quan tâm đến giá cả, mẫu mã, bao bì của các mặt hàng như trước đây. Đồng thời, các cấp, các ngành chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong việc tìm ra những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ người tiêu dùng./.

Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết