Tiếng Việt | English

30/08/2018 - 15:19

Hàng Thái có lấn sân hàng nội địa?

Bây giờ, người tiêu dùng không khó để chọn một sản phẩm có xuất xứ Thái Lan từ các cửa hàng bán lẻ, siêu thị hay cửa hàng tiện ích. Vì sao hàng Thái có mặt trên thị trường và lấn sân hàng nội địa nhiều như thế?

Hàng tiêu dùng Thái Lan được bày bán ở cửa hàng tiện ích

Hàng tiêu dùng Thái Lan được bày bán ở cửa hàng tiện ích

Tại một cửa hàng tiện ích trên địa bàn phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An có rất nhiều mặt hàng có xuất xứ Thái Lan như nước giặt, nước xả vải, dầu gội, sữa tắm, bánh, kẹo, nước ép, sữa,... Chủ cửa hàng giới thiệu: “Tất cả là hàng Thái Lan được nhập khẩu, có xuất xứ rõ ràng. Nước giặt, nước xả vải sử dụng rất tốt, thơm lâu; còn bánh kẹo, nước uống đều ngon, có nhiều chất bổ sung tốt cho sức khỏe. Tuy vậy, giá cả đắt hơn hàng Việt Nam bình quân 20% so với hàng cùng loại”.

Có mặt tại cửa hàng tiện ích, chị Bùi Thị Xuân cho biết: “Tôi ghé nơi này vài lần để mua hàng. Tôi nhận thấy ưu điểm của loại hàng ngoại nhập này là giá không chênh lệch nhiều so với hàng nội địa nhưng mẫu mã đẹp, bắt mắt”.

Không chỉ ở cửa hàng tiện ích, tại chợ phường 1, TP.Tân An, có nhiều quầy sạp bán hàng Thái Lan với đủ loại bánh kẹo, nước uống có gas, hóa mỹ phẩm, đồ dùng nhà bếp, các loại mùng mền, vải,... Đối với rau, quả, hàng nhập khẩu từ Thái Lan cũng có mặt khá nhiều như sầu riêng, dâu tây, bòn bon, măng cụt, me, mận, xoài,... tại các cửa hàng, quầy chuyên bán trái cây. Theo những người bán hàng, hàng Thái có 2 loại: Nhập khẩu chính thức và hàng xách tay qua đường biên giới.

Vòng quanh các cửa hàng, chợ hay siêu thị, khi được hỏi có nhận xét gì về hàng Thái Lan, không ít người tiêu dùng cho rằng chất lượng một vài loại hơn hẳn hàng nội địa, nhưng có nhiều mặt hàng ngang bằng. Tuy vậy, vẫn có không ít người tiêu dùng chọn hàng Thái bởi tâm lý “sính ngoại”. Trong khi đó, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang được các cấp, các ngành tích cực tuyên truyền.

Thiết nghĩ, để xây dựng niềm tin dùng hàng Việt của người Việt, các doanh nghiệp trong nước cần từng bước tổ chức lại quy mô sản xuất, đầu tư thiết bị để làm ra sản phẩm có chất lượng, giá thành hợp lý, đồng thời phải làm tốt việc quảng bá để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở, cửa hàng kinh doanh nhằm hạn chế tình trạng buôn bán hàng nhập lậu, hàng gian, hàng giả, gây thiệt hại về kinh tế cũng như quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ doanh nghiệp sản xuất chân chính./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết