Tiếng Việt | English

04/11/2015 - 09:20

Hãy hành động vì môi trường nông thôn bền vững

Tỉnh Long An có gần 70% dân số sống ở nông thôn, đây là nguồn lực quan trọng tạo ra lương thực, thực phẩm bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu. Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển về sản lượng, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Từ đó, đời sống của nông dân được cải thiện, nâng chất, diện mạo nông thôn khởi sắc. Đặc biệt, hiệu quả, hiệu ứng từ chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang lại cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn những bức tranh tương lai tươi sáng, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều việc cần làm, nhiều vấn đề phải thay đổi từ nhận thức, tập quán, kỹ thuật đến hành vi, lối sống. Đáng lưu ý là trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi còn những tác động xấu đến môi trường sống ở nông thôn, ảnh hưởng đến cuộc sống của nông dân nếu không có giải pháp ngăn chặn, thay đổi hiệu quả. Đó là tình trạng lạm dụng phân hóa học trong thâm canh; phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường, vứt bao bì, vỏ chai thuốc tràn lan trên đồng ruộng, kênh, rạch;...

Muốn hạn chế, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn, cần tăng cường tuyên truyền, vận động nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, thực hiện tốt các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Việc này, nông dân phải là chủ thể, vừa tham gia thực hiện, vừa góp sức tuyên truyền để tự bảo vệ chính cuộc sống của mình. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở nông thôn quan tâm công tác bảo vệ môi trường, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở; xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường ở cộng đồng dân cư. Đặc biệt, các ngành chức năng đẩy mạnh việc hướng dẫn, cung cấp kiến thức về sử dụng hợp lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật qua việc áp dụng quy trình “3 giảm-3 tăng” hoặc “1 phải-6 giảm”, VietGAP; ứng dụng công nghệ sinh thái trên đồng ruộng; sử dụng phân bón thế hệ mới, phân hữu cơ, chế phẩm sinh học trong sản xuất, chăn nuôi; xây dựng hầm biogas, hố rác,...

Thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt, tập quán sản xuất ở nông thôn là việc làm khó, phải kiên trì theo phương châm “mưa dầm thấm sâu”. Nếu không quyết tâm làm, không kiên quyết bảo vệ môi trường nông thôn là chúng ta có tội với thế hệ tương lai./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết