Tiếng Việt | English

22/02/2021 - 22:15

Hiệu quả đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng

Những năm qua, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (TTDVNN) tỉnh Long An luôn tích cực chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và tăng giá trị nông sản.

Theo đó, phương pháp ứng dụng công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng tia laser là mô hình đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng phát huy hiệu quả, được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực từ nông dân. Cán bộ TTDVNN tỉnh - Trần Sơn Thuận cho biết: “Nếu đồng ruộng được san phẳng sẽ thuận lợi cho việc canh tác lúa như chủ động cung cấp nước, thoát nước đồng đều trên đồng ruộng, khống chế được cỏ dại, tiết kiệm phân bón,... Hơn hết, diện tích canh tác sẽ cho năng suất cao hơn các diện tích khác không sử dụng công nghệ laser từ 5-10% trên cùng diện tích. Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Long An (nay là TTDVNN) mạnh dạn chuyển giao công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng tia laser ra dân. Qua khảo sát, nông dân rất thích sử dụng công nghệ laser để san phẳng mặt ruộng”.

Anh Trần Văn Thành, ngụ xã An Thạnh, huyện Bến Lức, là một trong những nông dân tiên phong ứng dụng công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng tia laser đã gần 6 năm. Điều này không chỉ giúp anh giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận mà còn trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền, được nhiều người gọi là “nông dân thời công nghệ 4.0”. Anh Thành trải lòng: “Hiện nay, việc thuê nhân công vào mùa vụ rất khó khăn. Nhờ đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, gia đình tôi giải được bài toán thiếu nhân công lao động khi đến mùa vụ”.

Việc ứng dụng công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng tia laser là phương pháp canh tác lúa theo hướng ứng dụng công nghệ cao

Còn anh Phan Văn Mỹ, ngụ xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa, chuyên sản xuất lúa giống. Trước đây, anh sử dụng phương pháp sạ truyền thống, với hơn 100kg lúa giống/ha. Điều này làm cho mật độ lúa dày, cây yếu, dễ bị đổ ngã. Nhìn thấy mô hình sạ lúa theo cụm của TTDVNN tỉnh mang lại hiệu quả, anh mạnh dạn áp dụng.

Anh Mỹ chia sẻ: “Sau khi tham quan mô hình sạ lúa theo cụm của TTDVNN tỉnh, tôi  quyết định thuê sạ 4,5ha. Chi phí sạ lúa theo cụm tốn khoảng 1,5 triệu đồng/ha nhưng chỉ tốn 50kg lúa giống/ha. Sau thời gian, lúa phát triển tốt, không phải thuê nhân công giặm lúa tốn chi phí khoảng 4 triệu đồng, bởi với 4,5ha chỉ cần một mình tôi là có thể cấy giặm được trong vòng 4 ngày. Hơn hết, tôi còn dễ dàng khử lẫn, góp phần nâng cao chất lượng lúa giống của gia đình”.

Việc sử dụng máy sạ lúa theo cụm và ứng dụng công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng tia laser là phương pháp canh tác lúa theo hướng ứng dụng công nghệ cao, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và hướng đến nền nông nghiệp bền vững, hiện đại./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết