Tiếng Việt | English

13/07/2023 - 11:31

Hiệu quả chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân

Khoa học - kỹ thuật (KHKT) ngày càng chứng minh vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chuyển giao KHKT cho nông dân, góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm từ truyền thống sang ứng dụng KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi.

Thay đổi tư duy sản xuất

Giảm lượng giống gieo sạ giúp nông dân tiết kiệm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) mà năng suất vẫn cao hơn so với cách làm truyền thống. Từ thực tế này, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Long An tích cực chuyển giao KHKT, thực hiện nhiều mô hình điểm, trong đó có mô hình Sạ lúa bằng máy sạ cụm.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh - Võ Thành Nghĩa cho biết: “Mô hình Sạ lúa bằng máy sạ cụm áp dụng theo chương trình giảm giống sạ thưa của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Năm 2022, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh phối hợp Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng thực hiện mô hình Sạ lúa bằng máy sạ cụm tại huyện Tân Thạnh, Thủ Thừa và Vĩnh Hưng. Thông qua mô hình giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình, nhiều nông dân áp dụng sạ lúa bằng máy sạ cụm mà chưa cần đến sự hỗ trợ của trung tâm. Điều này càng khẳng định mô hình đang có sức lan tỏa lớn, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nông dân”.

Áp dụng biện pháp sạ cụm giúp nông dân giảm chi phí sản xuất

Vụ Hè Thu 2023, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Thương mại Hưng Thịnh Phát (xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) được chọn thực hiện mô hình Sạ lúa bằng máy sạ cụm với 10ha. Tại đây, năm đầu tiên nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% chi phí sạ lúa bằng máy sạ cụm; năm thứ 2 là 30% và năm thứ 3 là 20%.

Giám đốc HTX Dịch vụ Thương mại Hưng Thịnh Phát - Trần Trung Lắm chia sẻ: “Thông thường, nông dân sạ từ 150kg giống/ha trở lên, thậm chí có người sạ trên 200kg giống/ha. Tuy nhiên, khi tham gia các lớp tập huấn, nông dân giảm lượng giống rất nhiều, hiện nay, trung bình nông dân sạ 80-100kg giống/ha mà năng suất vẫn đạt. Riêng thực hiện mô hình Sạ lúa bằng máy sạ cụm, nông dân giảm lượng giống còn 60kg giống/ha. Thời gian tới, HTX nâng diện tích sạ lúa bằng máy sạ cụm trên 50ha”.

Được biết, vụ Hè Thu 2023, diện tích thực hiện mô hình Sạ lúa bằng máy sạ cụm chỉ sử dụng 60kg giống/ha (ngoài mô hình 130kg giống/ha), lượng phân bón 335kg/ha (ngoài mô hình 400kg/ha); năng suất 6,2 tấn/ha (ngoài mô hình 5,6 tấn/ha).

Ông Mai Văn Trung (thành viên HTX Dịch vụ Thương mại Hưng Thịnh Phát) nói: “Hiện nay, nông dân bắt buộc phải thay đổi tư duy sản xuất, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Do đó, tôi mạnh dạn tham gia các chương trình, mô hình điểm ở địa phương, trong đó, có mô hình Sạ lúa bằng máy sạ cụm. Sạ cụm giúp cây lúa chắc khỏe ngay từ đầu vụ, ít sâu, bệnh, ngã; đồng thời, giảm lượng phân bón, thuốc BVTV. Chắc chắn mô hình sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình”.

Thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Tân Thạnh đưa ra nhiều giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX, nông dân đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, huyện có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân từ truyền thống sang hiện đại, nhất là biết áp dụng KHKT vào sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Đức (ấp Nguyễn Bảo, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) cho hay: “Nhờ tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, tôi được các ngành chuyên môn hướng dẫn bón phân, xịt thuốc và nhận biết các loại bệnh trên cây lúa. Vì thế, tôi giảm được chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập”.

Hướng đến nông nghiệp xanh

Hiện nay, việc áp dụng Chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa được xem là một trong những lựa chọn hàng đầu nhằm khắc phục những tác động xấu của phân bón, thuốc BVTV đến môi trường, cây trồng, vật nuôi, sức khỏe cộng đồng, hướng đến phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững.

Theo nhận định của ngành Nông nghiệp tỉnh, chương trình IPM được áp dụng trên diện rộng sẽ giúp giảm lượng thuốc BVTV, không làm mất cân bằng hệ sinh thái trên đồng ruộng, bảo vệ được thiên địch có ích, nguồn nước không bị ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe con người. Đồng ruộng giảm được sự lưu tồn thuốc BVTV trong đất và nước, phục hồi nguồn lợi thủy sản. Trên hết, qua cách trồng lúa theo giải pháp IPM, nông dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường trong sản xuất, từ đó hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững.

Thời gian qua, tình trạng nông dân sạ dày và lạm dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV còn khá phổ biến, dẫn đến chi phí đầu vào cao, lợi nhuận thấp. Nhằm giúp nông dân tiếp cận tiến bộ KHKT trong sản xuất lúa, ngành Nông nghiệp các địa phương đã phối hợp Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh triển khai các lớp tập huấn về Chương trình IPM trên cây lúa.

Hệ thống giám sát côn trùng thông minh giúp nông dân nắm được mật độ sâu rầy, chủ động trong sản xuất

Thông qua các lớp tập huấn, nông dân biết thêm cách bảo vệ và tận dụng thiên địch để kiểm soát sinh vật gây hại trên đồng ruộng, tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" khi sử dụng thuốc BVTV, bảo đảm thời gian cách ly để không còn tồn dư thuốc BVTV trên nông sản.

Ông Dương Văn Đơn (ấp Sơn Lợi, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa) có gần 2ha lúa sản xuất theo mô hình IPM. Ông Đơn cho biết, sản xuất theo mô hình này giúp lúa của ông đạt năng suất cao hơn trước rất nhiều. Bên cạnh đó, ông còn tiết kiệm được 2 lần phun thuốc trừ sâu.

“Sản xuất theo mô hình IPM, cây lúa được chăm sóc, bón phân cân đối, hợp lý nên sinh trưởng, phát triển tốt, tăng sức đề kháng, năng suất lúa cũng cao hơn. Tham gia mô hình này không chỉ giúp giảm chi phí đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn mà còn bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái” - ông Đơn cho biết thêm.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường thông tin: “Chi cục hướng dẫn nông dân sản xuất theo chương trình IPM ngay trên đồng ruộng theo vòng đời phát triển của cây lúa. Nông dân biết được sâu hại tồn tại ở một mức độ nhất định mà không ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Từ đó, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV, bảo vệ được số lượng thiên địch cần thiết, bảo vệ môi trường, sức khỏe con người và giảm chi phí sản xuất”.

Hiệu quả mang lại từ công tác chuyển giao tiến bộ KHKT đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất của người dân, giảm chi phí, bảo vệ môi trường; đồng thời, nâng cao năng suất, sản lượng của cây trồng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương tiếp tục kêu gọi, thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm để người dân mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác. Bên cạnh đó, ngành xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng KHKT phù hợp với thổ nhưỡng, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu của thị trường./.

Lê Ngọc - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết