Tiếng Việt | English

13/06/2018 - 18:26

Hiệu quả của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá

Sử dụng thuốc lá (TL) là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong với trên 7 triệu người chết hàng năm trên toàn thế giới. Tất cả các quốc gia cùng hành động và đưa công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) vào các mục tiêu về sức khỏe và phát triển của mỗi quốc gia. Công ước Khung của Tổ chức Y tế Thế giới về kiểm soát TL (WHOFCTC) là nền tảng và là cam kết toàn cầu chống lại nạn dịch TL. Đây là công ước được thông qua nhanh nhất với 181 nước đã phê chuẩn.

Thực hiện cam kết, Việt Nam thành lập Quỹ PCTHCTL (VNTCF) từ khoản đóng góp bắt buộc của các công ty sản xuất, kinh doanh TL. Quỹ do Hội đồng Quản lý liên ngành chỉ đạo thực hiện, Chủ tịch hội đồng là Bộ trưởng Bộ Y tế, thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành và tổ chức chính trị - xã hội. Thời gian qua, nhờ có sự hỗ trợ của Quỹ VNTCF giúp các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp về PCTHCTL. Quỹ hỗ trợ hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của việc sử dụng TL, hỗ trợ cai nghiện TL, ngăn ngừa sử dụng TL trong giới trẻ,... Có 18 bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thành lập ban chỉ đạo PCTHCTL. Công tác tư vấn cai nghiện TL được triển khai tại 10 bệnh viện ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam nhằm tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ người dân có nhu cầu cai TL. Giai đoạn 2015-2016, quỹ hỗ trợ 20 tỉnh, thành phố, 4 bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và 7 bệnh viện triển khai các nghiên cứu, đánh giá thực trạng triển khai Luật PCTHCTL, tình trạng sử dụng TL và kết quả của các chương trình can thiệp.

Theo gói chiến lược can thiệp MPOWER của Tổ chức Y tế Thế giới là nhóm chính sách được xây dựng dựa trên các biện pháp của WHO FCTC được chứng minh có hiệu quả làm giảm tỉ lệ hút TL. Song song với những nỗ lực của chương trình PCTHCTL, Việt Nam là một trong những nước thực hiện rất tốt nghiên cứu, điều tra, đánh giá về nạn dịch TL và những chương trình can thiệp. Việt Nam là một trong số ít các nước tại châu Á thực hiện 3 lần nghiên cứu GYTS (điều tra tình hình sử dụng TL ở thanh, thiếu niên từ 13-15 tuổi) và 2 lần nghiên cứu GATS (điều tra tình hình sử dụng TL ở người trưởng thành).

Điều tra toàn cầu về tình hình hút TL ở người trưởng thành do Bộ Y tế phối hợp Tổng cục Thống kê, Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Kiểm soát bệnh tật của Hoa Kỳ thực hiện cho thấy: Tỷ lệ hút TL trong học sinh từ 13-15 tuổi giảm từ 3,3% (năm 2007) xuống 2,5% (năm 2014). Tỷ lệ hút TL thụ động tại nơi làm việc, nơi công cộng giảm từ 12-15%. Ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên, so với năm 2010, tỷ lệ hút TL trong nam giới Việt Nam có xu hướng giảm (từ 47,4% xuống 45,3%). Trong đó, tỷ lệ hút TL điếu của nam giới khu vực thành thị giảm được 6,5%. Ở Việt Nam, hiện có 15,6 triệu người đang hút TL.

Điều này cho thấy, ý thức tuân thủ quy định cấm hút TL và nhận thức về tác hại của TL trong cộng đồng đang có những chuyển biến tích cực.

Quỹ cũng nghiên cứu về tình hình vi phạm quy định cấm quảng cáo, khuyến mãi TL, nghiên cứu về thực trạng trồng cây TL và đề xuất phương hướng chuyển đổi ngành nghề cho người trồng cây TL. Tiếp tục hỗ trợ các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố đẩy mạnh thực hiện Luật PCTHCTL, nhân rộng các mô hình môi trường không khói TL; tăng cường tư vấn cai nghiện TL./.

Thanh Bình

Chia sẻ bài viết