Tiếng Việt | English

28/10/2021 - 09:32

Hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Thay đổi tập quán sản xuất, xây dựng được thương hiệu sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác,… là những hiệu quả khi tham gia Đề án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Ứng dụng công nghệ cao được xem là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại

Ứng dụng công nghệ cao giúp giảm chi phí, tăng năng suất

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) chọn Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là 1 trong 2 chương trình đột phá.

Qua 5 năm triển khai, thực hiện, với sự tập trung quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chương trình đạt được nhiều kết quả, nhận thức của người dân về những tiến bộ khoa học- kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất được nâng lên, giá thành giảm, năng suất, chất lượng tăng trên cùng một đơn vị diện tích; quan tâm xây dựng chuồng trại, đưa các giống mới vào sản xuất.

Kết quả, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có trên 22.000ha lúa, trên 2.000ha rau và 3.000ha thanh long ƯDCNC; trên 7.100 con bò được gieo tinh giống bò ngoại chất lượng.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Đinh Thị Phương Khanh, khi ƯDCNC vào sản xuất lúa, chi phí giảm bình quân 2 - 2,5 triệu đồng/ha, năng suất tăng bình quân 300 - 500 kg/ha, lợi nhuận trong mô hình cao hơn bên ngoài từ 4 - 6 triệu đồng/ha. 

Đặc biệt, đối với mô hình lúa cấy gắn với tiêu thụ lúa giống có hộ lợi nhuận hơn bên ngoài mô hình từ 6-8 triệu đồng/ha. Sản xuất rau giảm được phân vô cơ từ 10 - 40 kg/ha, giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, năng suất tăng từ 5 - 20%, lợi nhuận từ 2 - 5 triệu đồng/1.000m2.

Còn mô hình tưới nước tiết kiệm trên cây thanh long giúp nông dân tiết kiệm được 50 - 80% công tưới và điện năng tiêu thụ; tiết kiệm 10 - 40% lượng phân bón.

Trên con bò, nhiều giống bò thịt chất lượng cao được đưa vào nuôi như Red Angus, 3B,…cùng với việc cải thiện khẩu phần ăn, chuồng trại, góp phần nâng cao giá trị đàn bê, tăng trên 30% giá trị và trọng lượng.

Trước đây, người dân xã Long Khê, huyện Cần Đước chủ yếu trồng rau theo phương thức truyền thống, nhỏ, lẻ, không tập trung đồng bộ, từ đó năng suất không cao, tốn nhiều công chăm sóc, lợi nhuận thấp.

Với mong muốn mở ra hướng đi mới cho người trồng rau, tháng 8/2017, Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Mười Hai được thành lập. Tỉnh hỗ trợ HTX 900 triệu đồng xây dựng nhà sơ chế, nhà xưởng, giếng và hệ thống lọc nước.

Riêng ngành nông nghiệp hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng rau theo hướng an toàn cho các thành viên HTX. Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai - Lê Văn Giấy chia sẻ: “Chi phí đầu tư ban đầu cho các mô hình ƯDCNC có thể rất lớn, nhưng về lâu dài, mô hình này mang lại nhiều hiệu quả, nhất là sâu, bệnh giảm, chất lượng rau được nâng lên, không bị thương lái ép giá.

Sau thời gian ƯDCNC vào sản xuất, HTX khẳng định được uy tín, thương hiệu của rau an toàn HTX Mười Hai, các thành viên ai cũng phấn khởi. Hiện nay, HTX có sản phẩm rau xanh đạt OCop, với 1 sao và 1 ha sản xuất được chứng nhận hữu cơ”.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Xác định việc ƯDCNC vào sản xuất là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục chọn Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là 1 trong 3 chương trình đột phá.

Trong đó, mở rộng diện tích và đối tượng thực hiện, chỉ tiêu cụ thể như cây lúa 60.000ha, thanh long 6.000ha, cây chanh 3.000ha, 2.000ha rau ƯDCNC, con tôm 100ha và con bò thịt.

Để khuyến khích các HTX, hộ gia đình, cá nhân, cơ sở chăn nuôi, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp theo quy trình sản xuất sạch, đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và các chứng nhận an toàn thực phẩm khác,… Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ các mô hình ƯDCNC và nhân rộng mô hình sản xuất như xây dựng vùng sản xuất ƯDCNC; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Đối với từng chính sách hỗ trợ đều có điều kiện bắt buộc riêng. Nhìn chung, người dân, doanh nghiệp,… tham gia vào chương trình nông nghiệp ƯDCNC sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích bởi các chính sách hỗ trợ mục đích là xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục rà soát, tạo điều kiện cho các địa phương và nông dân trong việc ƯDCNC vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản; tổ chức tập huấn cho nông dân, người sản xuất nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho người dân để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường tuyên truyền về chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp ƯDCNC; đồng thời, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển chăn nuôi theo hình thức an toàn sinh học gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm,... Đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đối số trong nông nghiệp và liên kết theo chuỗi giá trị"./.

Lê Ngọc - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết