Tượng ông Huỳnh Văn Gấm đặt tại Bảo tàng Thư viện tỉnh
Trái tim và nòng súng - Tác phẩm còn sống mãi
Năm 2020, nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu tác phẩm Trái tim và nòng súng. Đây là tác phẩm được hoàn tất năm 1963 bởi một chiến sĩ cách mạng, nghệ sĩ sinh ra và lớn lên tại Long An - Huỳnh Văn Gấm.
Trái tim và nòng súng vẽ đoàn biểu tình của người dân Nam bộ, trong đó đa phần là phụ nữ. Họ mặc bà ba đen, quấn khăn rằn, đứng trước quân địch với khí thế hiên ngang, bất khuất. Bức tranh phản ánh và làm nổi bật tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu, lòng căm thù giặc của nhân dân Nam bộ trong cuộc đấu tranh chống Mỹ ở miền Nam. Từ khi mới ra mắt, Trái tim và nòng súng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem.
Nhận định về tác phẩm Trái tim và nòng súng, Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Thị Hải Yến từng chia sẻ với Báo Quân Đội Nhân Dân: “Trọng tâm của bức tranh là hai người phụ nữ với dáng điệu cương quyết, tượng trưng cho chính nghĩa. Sự tương phản giữa khí thế lấn át của đông đảo quần chúng với sự đơn độc của kẻ thù đã thể hiện không khí cách mạng rực lửa, lòng căm thù quân giặc cùng niềm tin chiến thắng của những người biểu tình. Màu đỏ son trầm lắng bao trùm toàn cảnh bức tranh. Hình ảnh đó như minh chứng về một chặng đường cách mạng đã qua với chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc”.
Trái tim và nòng súng là một trong những tác phẩm nổi bật của nghệ sĩ Huỳnh Văn Gấm. Được biết, sinh thời, ông được đánh giá là sáng tác không nhiều nhưng các tác phẩm của ông đều được vẽ rất chỉn chu, kỹ lưỡng. Ông thường sửa đi, sửa lại nhiều lần tác phẩm của mình đến khi thật sự ưng ý. Chính vì thế, hầu hết tác phẩm của ông đều nổi tiếng, được đánh giá cao: Bác Hồ thời thơ ấu, Ngô Gia Tự, Võ Thị Sáu, Em Liên, Ngày chủ nhật, Trái tim và nòng súng,… Nhiều tác phẩm vẫn đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Tác phẩm Trái tim và nòng súng
Nhà cách mạng tài hoa
Huỳnh Văn Gấm sinh ngày 10/3/1922, tại xã Bình Lập, huyện Châu Thành, nay thuộc TP.Tân An, Long An. Ông xuất thân từ một gia đình trung lưu, từ trẻ đã sớm có ý thức dân tộc nên khi trở thành sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội, ông tham gia các phong trào sinh viên yêu nước. Khi Nhật đảo chính Pháp, ông trở về quê tham gia phong trào cách mạng tại Tân An và được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1945. Năm đó, dù mới 23 tuổi, ông đã tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh vào tháng 8/1945. Đến tháng 9, ông được bầu giữ vị trí Phó Bí thư Tỉnh ủy. Với nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng, ông được đồng chí tín nhiệm, nhân dân yêu quý. Trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên vào tháng 1/1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Lúc đó, Long An có 2 đại biểu Quốc hội là Huỳnh Văn Gấm và Tống Đức Viễn (một tỉnh ủy viên).
Trong suốt quá trình công tác, phục vụ cách mạng, ông được tín nhiệm giữ nhiều vị trí khác nhau từ tỉnh đến Trung ương: Trưởng ban Tuyên truyền của Tỉnh ủy, đồng thời là Trưởng ty Thông tin Tuyên truyền đầu tiên của tỉnh Tân An; Phó ban Ấn loát đặc biệt Nam bộ, đồng thời được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam; Giám đốc Xưởng in tín phiếu cho chiến trường Nam bộ (cơ quan in giấy bạc của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa); phụ trách sáng tác ở Hội Mỹ thuật Việt Nam; tham gia vẽ mẫu giấy bạc cho Ngân hàng Việt Nam và trở thành thành viên Ban lãnh đạo Hội Mỹ thuật Việt Nam; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam và là Ủy viên Thường vụ Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông còn là người có công lập nhà in và làm Chủ nhiệm Báo Nhứt Trí - cơ quan tuyên truyền kháng chiến của Đảng bộ tỉnh Tân An.
Dù bất kỳ vị trí nào, nghệ sĩ Huỳnh Văn Gấm cũng không từ bỏ việc vẽ tranh. Các tác phẩm của ông đều đặn ra đời, được bạn bè, đồng nghiệp, người trong giới và nhân dân yêu thích. Một phần lớn các tác phẩm của ông thể hiện đề tài chiến tranh, phản ánh cuộc kháng chiến anh hùng của dân tộc. Bằng tư chất và tài hoa của người nghệ sĩ, ông đã lồng ghép khéo léo giữa hiện thực và lãng mạn, làm nổi bật tinh thần đấu tranh bất khuất, anh hùng của nhân dân.
Mãi đến những năm tháng cuối đời, ông vẫn ấp ủ các ý tưởng về những tác phẩm mới. Đáng tiếc, ý tưởng chỉ mới dừng lại ở bản phác thảo. Có thể thấy, dù ở bất kỳ cương vị nào, trái tim yêu nghệ thuật của ông vẫn luôn rực lửa. Ngoài việc miệt mài cống hiến sức lực, tài năng cho cách mạng, nước nhà, ông còn chăm chỉ sáng tác, cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị cao và được đời sau lưu giữ.
Nhận xét về Huỳnh Văn Gấm, Nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt cho rằng: “Có thể nói, họa sĩ Huỳnh Văn Gấm đã đem đến cho hội họa sơn mài Việt Nam một hiệu quả phi thường của nghệ thuật diễn tả ánh sáng tập trung và khối nổi - khả dĩ ứng dụng trên những bố cục quy mô hoành tráng, có sức chuyển tải những chủ đề tư tưởng lớn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng” (theo Báo Quân Đội Nhân Dân)./.
Bề dày thành tích của chiến sĩ cách mạng - nghệ sĩ Huỳnh Văn Gấm:
- Huy hiệu Kháng chiến Nam bộ do Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ tặng.
- Giải thưởng Văn nghệ Cửu Long năm 1951.
- Huy hiệu Kháng chiến Nam bộ lần thứ hai về thành tích công tác Tuyên văn năm 1954.
- Có 3 tác phẩm đoạt giải nhất Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1960.
- Tranh của ông 2 lần tham gia triển lãm các nước xã hội chủ nghĩa tại Liên Xô và Đông Âu đều nhận được sự hoan nghênh.
- Được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật vào cuối những năm 1990 của thế kỷ XX.
- Ông được Hội Liên hiệp Nghệ thuật Việt Nam đánh giá là “Người nghệ sĩ tài năng để lại nhiều tác phẩm xuất sắc trong kho tàng nghệ thuật dân tộc”.
|
Quế Lâm
------------------------------------------------------------
Trong bài viết có sử dụng thông tin tham khảo từ:
- Địa chí Long An.
- Huỳnh Văn Gấm - Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, đơn vị tỉnh Tân An - tác giả Long Thái.
- Giới thiệu tác phẩm Trái tim và nòng súng của họa sĩ Huỳnh Văn Gấm - tác giả Khánh Huyền.
- Họa sĩ Huỳnh Văn Gấm: Nghệ thuật không thể đứng trên cuộc đời - tác giả Hồng Lĩnh.