Tiếng Việt | English

17/10/2022 - 10:41

'Hoán - chuyển' môi trường lao động - bài toán cần lời giải!

Thời gian gần đây có hiện tượng nhiều cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) Nhà nước trong tuổi lao động xin nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân rồi chuyển sang khu vực tư nhân. Cũng có những sinh viên khá, giỏi ra trường không có nhu cầu làm việc trong cơ quan nhà nước. Họ không muốn phải bỏ ra vài trăm triệu đồng “xoay, chạy”, xin xỏ để có việc rồi nhận về mỗi tháng bốn, năm triệu đồng; phải chia đủ cho ăn mặc, phương tiện, xăng xe, điện thoại, hiếu hỷ,... Thực trạng này bị các thế lực thù địch, thành phần phản động xuyên tạc, quy chụp, nói xấu chế độ ta.

Thực trạng đáng suy nghĩ

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 39.552 CBCCVC xin nghỉ việc, bình quân mỗi năm có 15.800 CBCCVC rời cơ quan nhà nước sang làm việc khu vực tư nhân. Con số này chiếm gần 2% so với tổng số biên chế được giao. Trong đó, địa phương chiếm 82%, còn lại 18% thuộc khu vực Trung ương. Khối công chức hơn 4.000 người, khối viên chức hơn 35.000 người nghỉ việc (khối giáo dục hơn 16.000, y tế hơn 12.000 người nghỉ việc). Như vậy, khối y tế và giáo dục có số CCVC nghỉ việc nhiều nhất.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu do: Chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến; áp lực công việc;... điển hình như lương tối thiểu vùng áp dụng với khu vực doanh nghiệp từ 3,35 - 4,68 triệu đồng/tháng. Trong khi vào khu vực công, người có bằng đại học với lương tập sự khởi điểm chỉ hơn 2,96 triệu đồng/tháng, mức này thấp hơn cả lương tối thiểu vùng 4 của người lao động đang làm việc ở khu vực tư.

Đi tìm lời giải

Có thể thấy tình trạng “người nhà nước” xin thôi việc tăng từng ngày và rất đáng báo động. Lý do viết đơn xin nghỉ việc thì có rất nhiều: “Theo nguyện vọng cá nhân”, “lương thấp”, “sức khỏe”, “điều kiện gia đình”, “môi trường làm việc không phù hợp”,... Nếu xét ở một góc độ nào đó, trong một thị trường lao động rất mở như hiện nay, CCVC, người lao động tự lựa chọn cho mình một nơi làm việc là chuyện bình thường. Họ làm ở “khu vực công” hay “khu vực tư”, kể cả xuất khẩu lao động thì cũng để thuận lợi, phù hợp với bản thân, gia đình, bảo đảm đời sống và đều góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Về phía người sử dụng lao động, họ có quyền chọn lựa cho mình những lao động có sức khỏe, có năng lực chuyên môn, có trách nhiệm, đáp ứng với yêu cầu của cơ quan, xí nghiệp,... Đó là điều được luật pháp bảo vệ.

Người lao động đi làm CBCCVC nhà nước thường hướng đến 3 yếu tố: Công việc ổn định; thu nhập bảo đảm cho bản thân, gia đình và tìm cơ hội thăng tiến. Động lực lớn nhất để CBCCVC gắn bó trong lĩnh vực công là “được cống hiến và thăng tiến”. Trong khi đó, chế độ lương, thưởng thấp, không bảo đảm cuộc sống thì họ sẽ tìm cơ hội mới cho mình là điều không sớm thì muộn cũng sẽ xảy ra.

Người xin nghỉ việc trong biên chế nhà nước để chuyển ra khu vực tư nhân thường là những người còn trẻ, năng lực chuyên môn giỏi, tự khẳng định được mình. Khi “ra ngoài”, họ sẽ dễ được trọng dụng, và điều dễ nhận thấy là thu nhập cao hơn, lại thoải mái, giảm bớt áp lực. Không ít người “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, là những người năng lực chuyên môn hạn chế, làm việc cầm chừng. Họ không tâm huyết, không thể sáng tạo nhưng không bao giờ xin nghỉ việc. Nếu quản lý không chắc thì kể cả khi cơ quan muốn đưa họ vào diện tinh giản biên chế cũng rất khó khăn. Điều này dẫn đến chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước, chất lượng dịch vụ công sẽ không như mong muốn. Nếu không có sự nhìn nhận, thay đổi, các cơ quan nhà nước, bệnh viện công lập, trường công sẽ rất ít người giỏi làm việc.

Để ngăn chặn làn sóng này, không thể chỉ bằng mệnh lệnh hành chính mà cần phải có những sự thay đổi cần thiết. Giải pháp cần ngay lúc này là khẩn trương cải cách chế độ tiền lương cũng như đổi mới cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý CCVC theo vị trí việc làm, phù hợp với cơ chế thị trường. Phải tìm nguyên nhân sâu xa, cái gì thuộc phạm trù chính sách, pháp luật, hệ thống quản trị thì phải sửa đổi. Cần sửa đổi tăng tiền lương cho người lao động một cách hợp lý, làm cho họ có thể sống bằng lương của mình. Nhưng quan trọng hơn cả là phải tạo ra một nền hành chính lành mạnh, chuyên nghiệp. Trong đó, sự phân công chức trách, nhiệm vụ rõ ràng, rành mạch; đánh giá khách quan, công bằng; chế độ hưởng thụ xứng đáng với công sức bỏ ra, công khai, minh bạch. Những người có tâm huyết, có năng lực chuyên môn giỏi, có trách nhiệm, có tín nhiệm cần được tôn vinh, có cơ hội được thăng tiến. Muốn “khai thác tốt” thì phải “nuôi dưỡng” tốt.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, yếu tố tiền lương chưa phải là nguyên nhân chính dẫn đến CCVC thôi việc, dù nó cũng rất quan trọng. Bởi lao động của CCVC là một loại hình lao động vinh dự, có tinh thần cống hiến và phục vụ nhân dân. Chính vì vậy, còn có các nhân tố khác dẫn đến “làn sóng nghỉ việc” chính là nhận thức, tư tưởng và động cơ tham gia vào công vụ, môi trường làm việc, động lực làm việc,...

Thực tế thời gian qua, CCVC thôi việc có cả lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Những người này chắc chắn lương không hề thấp. Pháp luật về CCVC đều quy định CCVC phải tận tụy phục vụ nhân dân, cống hiến cho đất nước. Vì vậy, nói CCVC thôi việc vì lương thấp cũng có nhưng không phải là nguyên nhân chủ yếu. Tất nhiên, tiền lương trả cho CCVC phải phù hợp với sự cống hiến phục vụ của họ. Đặc biệt là không quá xa về tiền lương giữa khu vực công và khu vực tư như hiện nay./.

Huyền Linh

Chia sẻ bài viết