Tiếng Việt | English

28/10/2015 - 10:46

Học để nên người

Trên chuyến tàu hỏa hôm ấy, ngồi bên tôi là người đàn ông trung niên đầy vẻ lam lũ. Bộ đồ ka ki bạc màu, sờn rách cho thấy, anh ta sống lăn lóc nhiều bề. Khẽ đẩy cái bao bố đầy đồ nghề thợ mộc xuống dưới ghế ngồi, anh cho biết quê mình ở Điện Bàn, Quảng Nam, một vùng đất học nổi tiếng ở miền Trung.

Hơn 5 năm trước, con trai lớn của anh thi đậu Đại học Kiến trúc TP.HCM. Thấy con có chí học làm kiến trúc sư mà nhà quá nghèo, con thì đông, anh bàn với vợ ở nhà chăm sóc lũ nhỏ, còn anh thì quảy đồ nghề đi theo thằng con lớn vào TP.HCM kiếm sống và nuôi nó ăn học.

Cha con anh thuê một phòng trọ. Ngày ngày, anh quảy bao đồ nghề đi rao tìm việc. Ai có đồ mộc trong nhà hư hỏng, chỉ “ớ” một tiếng là anh vào sửa chữa tốt ngay. Thật thà, chất phác, giỏi nghề nên anh rất đắt khách. Nhờ vậy, chẳng những anh chu cấp đầy đủ cho con học làm kiến trúc sư mà tháng nào, anh cũng gởi một vài triệu đồng về quê phụ vợ nuôi con. Hơn 5 năm trôi qua... “Chừ con tui tốt nghiệp kiến trúc sư, ra trường mần cho một doanh nghiệp xây dựng ở quận 10, TP.HCM rồi, nên tui an tâm về quê để cùng bà xã lo cho sắp nhỏ”. Chuyện trò một lúc, anh tâm sự: “Tui cho con ăn học chỉ mong cháu nó nên người chớ không mong làm ông nọ ông kia”. Tôi hỏi, theo anh, học nên người là sao? Anh nói ngay: “Ông bà mình bảo học để nên người, để thành nhân”. Rồi tiếp: “Chớ tui thấy bây giờ luân thường đạo lý đảo lộn nhiều quá là do tính người lỏng lẻo, phải lấy sự học để bồi đắp tính người...”.

Nghe bác phó mộc nói mà tôi giật mình. Thì ra triết lý sống ở đời đơn giản có vậy: Học để nên người, nên tính nhân văn. Chợt nhớ lần ấy bỗng dưng tôi được một chàng trai nhận là cậu họ và nói tại cậu đi xa từ nhỏ nên cậu không nhớ con. Tức thì Trung - cháu gọi tôi bằng chú - giới thiệu chàng trai kia: Bác sĩ Hiền.

Trung bảo ba con mà không có bác sĩ Hiền chạy chữa thì đâu có sống nổi vì bệnh tuột hồng cầu, thở không được. Hiền kêu đưa ngay ba con vào Bệnh viện Chợ Rẫy, rồi nó huy động lực lượng cứu ba con. Hiền mồ côi cha từ lúc mới lọt lòng mẹ. Ngay từ lúc nhỏ, nó đã biết, cha nó vì quá nghèo, lâm bệnh nặng mà không chạy được thầy được thuốc nên phải chết oan, nên nó ước mơ lớn lên làm bác sĩ. Hiền học cấp 2, cấp 3, mẹ nó đều quảy gánh hàng rong đi theo. Con học ở đâu, mẹ chạy đôn chạy đáo rao bán hàng kiếm tiền nuôi con ở đó.

Hết trung học, Hiền vào TP.HCM thi Đại học Y dược mà không đậu, con đưa nó về học và làm thợ mộc với con. Có được đồng nào nó đều mua sách vở, tài liệu về tự học hết đồng ấy. Phải đeo đuổi 5, 6 mùa thi, Hiền mới đậu vào Đại học Y dược. Rồi phải qua 6 năm miệt mài học làm bác sĩ mà vẫn phải làm thợ để nuôi sống mình, nó mới tốt nghiệp bác sĩ y khoa. Nó còn mất 5 năm làm bác sĩ không hưởng lương ở Bệnh viện Chợ Rẫy - TP.HCM, nó mới được nhận vào làm chính thức ở đây. Chí học tập của nó vẫn tiếp tục vừa làm vừa học lên thạc sĩ. Xong thạc sĩ nó tiếp tục học tiến sĩ và nổi tiếng là một bác sĩ phẫu thuật giỏi, chuyên trị các bệnh khó như phải mổ cột sống, thần kinh,...

Hễ ai từ quê nghèo Bình Định của Hiền vào Bệnh viện Chợ Rẫy, chỉ cần hay tin là Hiền chạy đến với cả tấm lòng thầy thuốc vừa thăm hỏi vừa tạo điều kiện cho bệnh nhân ấy được điều trị tốt; nếu họ gặp khó khăn, Hiền dốc tiền túi ra giúp. Rồi Trung nói, bằng cả cảm xúc của mình dành cho người học trò thợ mộc nay mai sẽ là ông Tiến sĩ Y khoa: Hiền học để thành thầy thuốc cứu người, giúp đời. Nhiều ca mổ khó ở bệnh viện nào, dù xa mấy mà điện thoại đến thì dù đêm khuya, mưa gió, Hiền cũng chạy xe theo tiếng gọi của lương tâm thầy thuốc.

Tôi thật sự thấm thía với quan niệm “Học để nên người!” của những con người quá đỗi bình thường kia!

Tản văn của Quang Hảo

Chia sẻ bài viết