Tiếng Việt | English

06/09/2018 - 16:17

Hỏi - đáp pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Với mục tiêu nhằm hoàn thiện cơ bản khuôn khổ pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; thiết lập cơ chế pháp lý minh bạch, khả thi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại và quyền, lợi ích của Nhà nước; từng bước nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ, hiệu lực, hiệu quả nền công vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và hội nhập quốc tế.

Ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc Hội khóa XIV, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (LTNBTCNN) đã được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2018 thay thế Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009. 

Những điểm mới đáng chú ý của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước  năm 2017 là gi?

Trả lời: Một số điểm mới đáng chú ý của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước  năm 2017 là:

Thứ nhất. Về Quyền yêu cầu bồi thường: Ngoài người bị thiệt hại, Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước  năm 2017 bổ sung các chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường sau đây:

(1) Những người đương nhiên có quyền yêu cầu bồi thường, bao gồm:

- Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết;  

- Tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại;

- Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự;

(2) Những người có quyền yêu cầu bồi thường theo ủy quyền là cá nhân, pháp nhân được những người đương nhiên có quyền yêu cầu bồi thường ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.

Thứ hai. Về Thời hiệu yêu cầu bồi thường

Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017 sửa đổi toàn diện quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường như sau: Tăng thời hiệu yêu cầu bồi thường từ 2 năm lên 3 năm. Việc Luật tăng thời hiệu yêu cầu bồi thường là để bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường.

Ngoài ra, Luật năm 2017 còn:

- Bổ sung quy định về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước;

- Mở rộng phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

- Quy định cụ thể hơn văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường;

- Bổ sung nhiều loại thiệt hại được bồi thường, tăng mức bồi thường thiệt hại về tinh thần, lượng hóa một số loại thiệt hại được bồi thường;

- Sửa đổi, bổ sung toàn diện quy định về cơ quan giải quyết bồi thường;

- Sửa đổi toàn diện quy định về thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường;

- Tăng mức trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ, thống nhất quy định về lỗi để xác định trách nhiệm hoàn trả trong mọi lĩnh vực và bổ sung quy định về trách nhiệm hoàn trả trong một số trường hợp cụ thể.

Câu 1. Hỏi: Đi vào từng nội dung cụ thể, xin cho biết: Phạm vi điều chỉnh của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước  năm 2017?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 1 Luật TNBTCNN năm 2017: Luật này quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước.

Câu 2. Hỏi: Đối tượng được bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 2 Luật TNBTCNN: Cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại Luật này.

Câu 3. Hỏi: Nguyên tắc bồi thường của Nhà nước?

Trả lời:  Theo quy định tại Điều 4 Luật TNBTCNN năm 2017:

1. Việc bồi thường của Nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật này.

2. Việc giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này.

Việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại theo quy định của Luật này.

3. Người yêu cầu bồi thường đã yêu cầu một trong các cơ quan giải quyết bồi thường giải quyết yêu cầu bồi thường và đã được cơ quan đó thụ lý giải quyết thì không được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp Luật có quy định khác.

4. Nhà nước giải quyết yêu cầu bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường hoặc kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án đối với yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự theo quy định của Luật này.

5. Trường hợp người bị thiệt hại có một phần lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì Nhà nước chỉ bồi thường phần thiệt hại sau khi trừ đi phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người bị thiệt hại.

Câu 4. Hỏi: Quyền yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 6 Luật TNBTCNN: Những người sau đây có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường:

1. Người bị thiệt hại;

2. Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại;

3. Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự;

4. Cá nhân, pháp nhân được những người được ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.

Câu 5. Hỏi: Thời hiệu yêu cầu bồi thường được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 6 Luật TNBTCNN:

1. Thời hiệu yêu cầu bồi thường là 3 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp pháp luật quy định khác và trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự.

2. Thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính được xác định theo thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính.

3. Thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường:

a) Khoảng thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự làm cho người có quyền yêu cầu bồi thường không thể thực hiện được quyền yêu cầu bồi thường;

b) Khoảng thời gian mà người bị thiệt hại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi chưa có người đại diện theo quy định của pháp luật hoặc người đại diện đã chết hoặc không thể tiếp tục là người đại diện cho tới khi có người đại diện mới.

4. Người yêu cầu bồi thường có nghĩa vụ chứng minh khoảng thời gian không tính vào thời hiệu theo quy định.

Câu 6. Hỏi: Căn cứ nào để xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 7 Luật TNBTCNN:

1. Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ sau đây:

a) Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng theo quy định; 

b) Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định;

c) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.

2. Căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng bao gồm:

a) Có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định và có yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự giải quyết yêu cầu bồi thường;

b) Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính đã xác định có hành vi trái pháp luật của người bị kiện là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và có yêu cầu bồi thường trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại;

c) Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự đã xác định có hành vi trái pháp luật của bị cáo là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và có yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự./.

Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp Long An

Chia sẻ bài viết