Tiếng Việt | English

05/03/2021 - 14:53

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lần thứ 2 họp kín về tình hình Myanmar

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm nay (5/3) họp kín theo yêu cầu của nước Chủ tịch luân phiên Anh nhằm thảo luận về tình hình Myanmar.

Các cuộc đụng độ giữa quân đội và người biểu tình làm 38 người thiệt mạng hôm 3/3 vừa qua đã đánh dấu một nấc leo thang căng thẳng mới trong cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Nam Á này. Nhiều tổ chức quốc tế và chính phủ nhiều nước hôm qua (4/3) tiếp tục bày tỏ lo ngại, đồng thời gia tăng sức ép với các bên liên quan.

Người biểu tình nằm sát xuống đất sau khi cảnh sát xả súng vào giải tán đám đông tại thành phố Mandalay, Myanmar ngày 3/3. Ảnh: Reuters.

Người biểu tình nằm sát xuống đất sau khi cảnh sát xả súng vào giải tán đám đông tại thành phố Mandalay, Myanmar ngày 3/3. Ảnh: Reuters.

Căng thẳng tại Myanmar vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau hơn 1 tháng bùng phát. Bất chấp ngày bạo lực được xem là đẫm máu nhất kể từ đầu cuộc khủng hoảng, hôm qua người biểu tình tiếp tục đổ ra các đường phố trên khắp cả nước, dùng lốp xe và dây thép gai để dựng rào chắn tại những tuyến đường chính và cản cảnh sát.

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Myanmar Christine Schraner Burgener đã mô tả ngày 3/3 là “ngày đẫm máu nhất”. Hơn 50 dân thường, chủ yếu là người biểu tình đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với quân đội và cảnh sát kể từ đầu cuộc khủng hoảng. Trong số này có cả trẻ em. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) hôm qua đã bày tỏ lo ngại khi trẻ em cũng trở thành nạn nhân của những tranh cãi chính trị, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế và hòa giải.

Trong khi đó, người phát ngôn Cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc Ravina Shamdasa nhấn mạnh: “Ít nhất 54 người đã thiệt mạng kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng phát hồi đầu tháng 2/2021. Tuy nhiên số người chết có thể còn cao hơn. Chúng tôi cũng thực sự lo ngại về các vụ bạo lực được ghi nhận nhằm vào nhân viên cấp cứu và xe cứu thương đang cố gắng chăm sóc những người bị thương”.

Mỹ hôm qua đã trở thành quốc gia mới nhất áp đặt trừng phạt khi siết chặt kiểm soát xuất khẩu đối với Myanmar, đồng thời đưa các Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, cũng như 2 doanh nghiệp lớn của Myanmar do quân đội kiểm soát vào danh sách đen. Trong một tuyên bố Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ, Mỹ vẫn hoàn toàn cam kết với người dân Myanmar và lên án mạnh mẽ các vụ bạo lực nhằm vào người biểu tình ôn hòa. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Singapore yêu cầu người dân hoãn tất cả những chuyến du lịch đến Myanmar.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cùng ngày cho biết, cộng đồng quốc tế cần tiếp tục đóng một “vai trò xây dựng” trong việc giúp xoa dịu tình hình ở Myanmar:“Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên thực hiện kiềm chế, xử lý đúng đắn các khác biệt theo hiến pháp và khuôn khổ pháp lý, duy trì ổn định chính trị và xã hội. Trung Quốc đã liên hệ với tất cả các bên ở Myanmar và tích cực thúc đẩy việc giảm leo thang tình hình. Chúng tôi tin rằng bất kỳ hành động nào của cộng đồng quốc tế sẽ góp phần vào sự ổn định chính trị và xã hội, giúp Myanmar hòa giải hòa bình và tránh làm gia tăng xung đột và làm phức tạp thêm tình hình”.

Cuộc họp kín này của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cũng là cuộc họp thứ 2 của cơ quan này chỉ trong hơn 1 tháng qua để thảo luận về tình hình Myanmar. Cuộc họp sẽ có sự tham dự của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Theo Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar Schraner Burgener , các quốc gia trên thế giới và Hội đồng Bảo an có thể thực hiện những biện pháp mạnh mẽ hơn. Cuộc họp trước đó chỉ ra được tuyên bố chung bày tỏ lo ngại về tình hình Myanmar.

Trong một diễn biến liên quan, người phát ngôn của Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun, người bị giới lãnh đạo quân đội nước này bãi nhiệm hồi tuần trước, sẽ vẫn là Trưởng phái đoàn đại diện Myanmar tại tổ chức này./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết