Sinh năm 1953, tại Can Lộc (Hà Tĩnh), Vương Khả Sơn vào bộ đội khi chưa đủ 18 tuổi và đang học lớp 9/10. Sau huấn luyện, anh được bổ sung vào Trung đoàn 271, đóng tại Bố Trạch (Quảng Bình), chuẩn bị tăng cường cho Mặt trận B2, thọc sâu đánh địch tại cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn. Đất nước thống nhất, anh học hết cấp 3 và thi vào Khoa Văn, Đại học Sư phạm Vinh.
Ra trường với tấm bằng loại ưu, sau hơn 20 năm cầm phấn, anh vẫn không nguôi ao ước, ghi lại kỷ niệm của những năm tháng chiến đấu đầy hy sinh gian khổ, để tri ân đồng đội, mảnh đất, con người ở những miền quê mà anh đã sống và chiến đấu. “Xin được gửi đến bạn bè, đồng chí, đồng đội, cùng những người thân của mình. Xin được gửi đến bà con, cô bác ở Hương Sơn (Hà Tĩnh), Bố Trạch (Quảng Bình), cùng những địa danh Thiện Ngôn, Sa Mát, Trảng Bàng, Gò Dầu,... (Tây Ninh), hay Kiến Tường, Mỹ Tho, Đồng Tháp,... đặc biệt là Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Thủ Thừa, Tân Trụ,... (Long An), cũng như bất cứ vùng đất nào trên đất nước Triệu Voi hay Chùa Tháp... những tình cảm thân thương, sâu nặng... Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh những người đã ngã xuống cho Đất Nước nở hoa độc lập, kết trái tự do” (Tựa). Việc làm của anh còn giúp lưu giữ trong tâm hồn tuổi trẻ hôm nay những ký ức bi tráng về một thời oanh liệt, hào hùng mà thế hệ cha anh đã trải qua, giúp họ trân trọng quá khứ, nuôi khát vọng và hoài bão cao đẹp, được đưa tài trí phục vụ xã hội.
Vương Khả Sơn ấp ủ viết hồi ký từ những ngày đầu bước vào quân ngũ, nên ngày 11/11/1971, khi tạm biệt đất lửa Quảng Bình, hành quân lật cánh sang mé Tây Trường Sơn, trên đất bạn Lào và Campuchia để vào chiến trường, anh bắt đầu ghi chép mọi diễn biến vào 2 cuốn nhật ký Dọc đường chiến tranh. Không may, trước ngày giải phóng Sài Gòn, một quả đạn pháo 105 li của địch đã biến “khối tài sản” ấy của anh thành tro bụi. Biết bao tên tuổi, địa chỉ của từng đồng đội; diễn biến của từng sự kiện dọc đường hành quân, trên chiến trường và mỗi trận đánh,... được anh ghi chép tỉ mỉ đã bị quả đạn thiêu rụi. Tuột mất cẩm nang, cộng thêm khoảng thời gian 30 năm đã kéo tất cả lùi vào quá khứ. Chỉ nhờ vào trí nhớ hiếm có, niềm khắc khoải khôn nguôi với đồng đội và thân nhân của họ mà anh đã quyết tâm hoàn thành bản thảo trong vòng 5 tháng.
Không hề có ý định đem những trang viết đăng tải trên báo chí hay xuất bản thành sách, anh photo rồi gửi đến bạn bè, đồng đội và thân nhân của họ. Tuy vậy, Ký ức chiến tranh vừa có giá trị lịch sử, văn học, vừa chứa nhiều ý nghĩa nhân văn. Tháng 4/2006, Ký ức chiến tranh được Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành, được Trung ương Đoàn đưa vào Tủ sách Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi hai mươi. Từ đây, cuốn sách lan tỏa hiệu ứng xã hội rộng lớn, độc giả hào hứng đón nhận, được trao giải Nhất - Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Du, tỉnh Hà Tĩnh năm 2005-2010.
Hơn 260 trang, Ký ức chiến tranh như một cuốn phim tư liệu lịch sử, ghi lại thời gian 4 năm, từ lúc lên đường nhập ngũ đến ngày đất nước thống nhất. Những kỷ niệm và sự kiện được viết theo lối đồng hiện, đan xen nhiều thời điểm khác nhau. Những ngày tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh, những tình huống chiến trường vô cùng cam go được thể hiện sinh động, đưa độc giả trở về quá khứ, giúp họ cảm nhận không khí nóng bỏng của cuộc kháng chiến, cảm nhận được những hiểm nguy, gian khổ, hy sinh mà những người lính từng ngày phải đối mặt: “Chúng ta có thể hình dung mức độ ác liệt của chiến trường: Cứ 100 xe vận tải xuất phát từ Quảng Bình vào tới đây hoặc sâu hơn chút nữa, may ra chỉ còn lại vài chiếc” (Xẻ dọc Trường Sơn); hay một tình huống khác: “Chúng tôi khẩn trương rút nhanh ra khỏi tọa độ B.52... Chỉ còn tiểu đoàn 7 vừa quàng ba lô lên vai, chưa kịp bước đi thì mưa bom đã trút xuống. Biển lửa trùm lên toàn bộ đội hình… Kẻ địch tàn bạo đã dùng cả phi vụ ấy chỉ với hai loại vũ khí giết người hàng loạt là bom bi và bom khai hoang… Đó là đêm 19/02/1972” (Xẻ dọc Trường Sơn). Để có con số chính xác, anh đã tìm đến Quân lực Trung đoàn và được biết, trong hành quân và chiến đấu, “Trung đoàn chúng tôi vẻn vẹn còn chưa đầy 300 người, trên tổng số hơn 2.600 người lúc bắt đầu vượt Trường Sơn” (Vào trận).
Bằng lối kể chân thực, ngôn ngữ trong sáng, có phần dí dỏm, anh đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn tình cảm cách mạng của người dân vùng bị địch tạm chiếm: “Ở An Thuận, có nhiều cơ sở kiên trung, một lòng theo Đảng, theo cách mạng như gia đình chị Tư Lập, Út Mắc, Lệ Thủy... riêng tôi thực sự có cảm tình với Lệ Thủy. Đó là một cô gái mới học lớp 12, xinh đẹp mà đôn hậu, hết lòng vì mọi người… Những ngày chúng tôi chống càn ở đây, ban ngày em phải theo gia đình đi tản cư. Khoảng 5 giờ chiều, khi bọn lính đã rút hết nhưng pháo vẫn còn bắn đến. Vậy mà em vẫn đội pháo về tiếp tế cho chúng tôi, lần nào cũng một làn nhựa với đủ bánh ngọt, trái cây, nhu yếu phẩm”.
Lòng đầy ái ngại, anh nói thật ý nghĩ của mình, Lệ Thủy hờn dỗi: “Sao anh Hai nói vậy? Sự hy sinh xương máu của mấy anh còn không tiếc, thì sự giúp đỡ chút xíu của em có ăn nhằm gì!” (Vào trận). Xúc động biết bao chỉ một chi tiết nhỏ, đủ cho ta thấy tấm lòng son sắt của người dân, dù sống trong áp bức, kìm kẹp của địch vẫn một niềm tin vào thắng lợi của cách mạng: “Họ đi làm đồng, chủ yếu để có cớ ra ngoài tiếp tế cho bộ đội”.
Trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường, người lính đã bao lần chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, của những em gái giao liên, du kích địa phương. Dĩ nhiên, lòng căm thù giặc trong họ không có ngôn ngữ nào tả hết, song khi kẻ địch đã rơi vào thế “ngã ngựa”, thì tình đồng loại đã thôi thúc anh. Trong trường hợp này, anh vừa băng bó và tha mạng sống cho một thiếu úy, đại đội phó Thủy quân lục chiến ngụy: “Vượt lên khoảng hai mươi mét nữa, bất chợt tôi thấy một tên nằm sấp, cựa quậy. Hai tay hắn nắm chặt lấy hai búi cỏ bàng, máu chảy đỏ cả một vùng nước… Tôi cúi xuống, nắm một cánh tay của hắn kéo lật ngửa. Hắn dính một viên AK hay trung liên gì đó. Viên đạn xuyên từ sau bả vai phải, trổ ra trước ngực, chếch lên gần xương đòn. Bọt máu sủi ra. Chắc bị thủng phổi. Mất nhiều máu. Mặt tái mét... Tôi giật vội hai cuộn băng cá nhân bên dây lưng của mình xé ra, nối lại rồi thò tay cởi cúc áo cho hắn để băng... (Vào trận).
Đáp ứng nhu cầu độc giả, nhất là các đồng đội, thân nhân gia đình liệt sĩ và các trường học trên cả nước, Ký ức chiến tranh đã được tái bản nhiều lần. Đến tháng 4/2013, cuốn sách được in lần thứ 5, đưa tổng số phát hành lên trên 5 vạn cuốn. Lần này, tác giả có bổ sung phần Dư luận bạn đọc, gồm các bài viết của các nhà báo, nhà văn, đồng đội cùng nhiều độc giả trong và ngoài nước bày tỏ lòng quý mến, ngưỡng mộ anh. Anh đã được các cơ quan, trường học, doanh nghiệp và đơn vị quân đội thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước mời giao lưu trên 40 buổi, nhất là vào dịp tháng 4 hàng năm. Ngoài ra, còn có hơn 1.000 bức thư tay, hàng chục vạn tin nhắn gửi đến tác giả, nêu cảm nhận về cuốn sách, thể hiện lòng tri ân các thế hệ cha anh đã chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc và cuộc sống hôm nay.
Với Ký ức chiến tranh, bạn đọc có thể tìm thấy bóng dáng bản thân mình, ông, bà, cha, mẹ, anh, chị mình qua những năm tháng máu lửa, để “sống tốt hơn với quá khứ vẻ vang ấy”, như anh đã viết trong lời tựa cuốn sách... Cũng như trong Vĩ thanh, anh tâm sự: “Kỷ niệm về những năm tháng binh lửa, trận mạc cùng những gương mặt thân yêu của đồng đội vẫn vẹn nguyên trong tiềm thức, trở thành lớp trầm tích dưới vỏ não của tôi”. Chiến tranh đã lùi xa 48 năm, đất nước ta đang từng ngày đổi mới và có vị thế xứng đáng trong tiến trình hội nhập. Song, những mất mát, đau thương do chiến tranh mãi mãi còn in sâu cùng năm tháng; những con người quả cảm trong khói lửa mãi mãi trở thành bất tử. Những tác phẩm tiêu biểu về đề tài này cũng sẽ mãi mãi đồng hành trong dòng chảy của thi ca và văn học hiện đại, trong đó có Ký ức chiến tranh của Vương Khả Sơn, “lớp trầm tích” chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, hiện thực hóa cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước đầy bi tráng của dân tộc ta./.
(Đọc Ký ức chiến tranh của Vương Khả Sơn - NXB Thanh Niên)
Nguyễn Tiến Nên