Tiếng Việt | English

18/03/2018 - 09:40

Hôm nay, trời vẫn xanh

1. Mưa rỉ rả vẫn gõ nhịp đều ngoài ô cửa sổ, đám sử quân tử trổ lá biếc xanh quanh song thưa. Thằng bé đứng từ bên trong, rón rén xòe tay hứng những giọt nước mưa, thỉnh thoảng lại rút vai khi cơn gió bất chợt thổi qua, hắt những làn mưa mỏng vào người nó.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

- Mẹ ơi, vậy nay trời có còn xanh không?

- Hôm nay trời vẫn xanh nghen con!

Cô khẽ dừng tay đan, nhìn ra ngoài ô cửa, bầu trời âm âm màu ghi đục. Cái áo len cô đan dở dang, biết có kịp mùa tết này cho thằng bé. Dẫu cô rất cố gắng tẩn mẩn cả ngày lẫn đêm.

- Mẹ ơi, nay bố không về à!

- Bố đi công tác vài hôm sẽ về, con ngoan thì lại có quà.

Cô đến cạnh bên thằng bé, khẽ xoa đầu nó. Cô lại thêm một lần nói dối nó. Mà thôi, kể cũng như là cô vỗ về chính cô, bằng một lý do tưởng tượng để lòng mình đôi phần thanh thản. Hôm nay, anh về bên ấy.

2. Anh gặp cô trong quãng thời gian công tác tận Phan Thiết, xứ gió cát khô ran rát cả ngày lẫn đêm. Trong một lần tiếp khách về, say bí tỉ, nhá nhem ánh nhìn, anh thắng gấp để không phải đụng trúng cô.

Anh bị thương nặng, cũng chính cô là người đưa đi viện, chăm sóc và cưu mang hơn tháng trời. Gia cảnh cô cũng chẳng khá gì. Anh chạnh lòng, bén duyên từ dạo ấy. Thằng bé ra đời hơn năm sau, chẳng cưới hỏi nhưng trong khai sinh, anh và cô vẫn là bố mẹ thằng bé.

Tại nạn ấy và cả hệ lụy phía sau, anh đều giấu chị. Hồi ấy, khi nằm viện, anh vẫn cứ gọi điện thoại hàng ngày cho chị yên tâm, anh vẫn công tác bình thường.

Cô ấy biết chứ nhưng vẫn lặng lẽ vậy thôi, tuyệt nhiên không hề hé môi hỏi chuyện gia đình anh. Chỉ là anh nghĩ, đâu đó trong những đêm một mình với thằng bé, cô ấy chắc cũng xa xót cái phận đàn bà mà đi đắp chăn chung của mình. Đời nó nghiệt vậy đó! Phận người luôn mỏng manh trước cái số kiếp. Nhất là phận đàn bà.

Anh vẫn đi về giữa Sài Gòn và Phan Thiết mà chị cứ đinh ninh là công tác lệ thường thế thôi. Với chị và con, anh vẫn tròn bổn phận người chồng đầy trách nhiệm.

Chừng hơn hai năm sau, mẹ cô mất, anh rước cô và thằng bé vào Sài Gòn ở hẳn. Thuê căn chung cư cũ, tận lầu ba, trong góc kẹt của cái xóm chợ Bàn Cờ chằng chịt lối đi, để tiện chăm nom và cũng để khó ai phát hiện.

3. Thế giờ anh lại muốn chị chấp nhận cho thằng bé về đây ư? Chị thắt lòng, vụn vỡ trong tim. Cái niềm đau này nó tê buốt cả quãng đời của chị, chứ chẳng phải chỉ là đôi mươi năm, anh biết không? Bốn năm qua, chị đầu ấp tay gối với anh mà vẫn không nhận ra mình bị chia sẻ người chồng. Anh giỏi thế sao? Hay tại chị quá tin yêu? Chị bật khóc ngon lành. Nước mắt cứ thế chảy. Nghẹn giọng.

Đàn bà ích kỷ mà, lẽ nào anh không biết? Chị chẳng còn sức lực mà gào thét, mà cấu xé anh tựa người vợ khác vẫn thường làm khi đón nhận cái sự phản bội. Chị đau đến tê dại toàn thân. Anh rũ rượi gục đầu giữa cái bàn ăn mà hàng ngày vẫn bi bô tiếng cười đùa hạnh phúc của gia đình.

Chị chầm chậm về phòng. Chị cần tĩnh lặng. Giờ anh hãy để chị yên. Xin cho chị một ngày thật ích kỷ. Chị chẳng cơm nước, chẳng đưa đón con, tất tần tật chị bỏ hết. Chị sống cho riêng chị một ngày kể từ khi lấy anh, đã mười năm trời.

4. Căn nhà cũ kỹ, hoen ố màu nước sơn. Cô ngồi đối diện chị, khắc khổ, tái nhợt, gầy gò. Thằng bé ngồi cạnh bên, khẽ mân mê chiếc máy bay bố vừa tặng sau chuyến công tác. Chị hít thở sâu và thật nhẹ, trước khi đến đây, chị tự dặn lòng mình sẽ giành lại gia đình, suy cho cùng, anh cũng là cha của hai đứa trẻ con chị, anh vẫn là chồng của chị, chị đâu dại mà buông xuôi cho người khác. Ai cũng thế, đâu phải riêng mình chị. Đàn bà vốn sinh ra đã ích kỷ, nhưng là ích kỷ cho chồng, cho con của mình. Thằng bé bị hư võng mạc. Đôi lần, anh cũng chạy chữa nhưng bác sĩ bảo không được. Anh cũng đăng ký chờ người hiến võng mạc.

Chị ngỡ ngàng, nhìn giọt nước mắt của cô, nhìn cô rút người cúi gầm mặt xuống, vai run bần bật.

- Chị đừng đay nghiến anh, mà cũng đừng cay nghiệt em. Em sắp đi xa rồi. Chị thương phận đàn bà với nhau mà lo cho thằng nhỏ. Kiếp này em nợ chị một ân tình.

Chị hóa đá. Những ngôn từ mà chị để dành trên suốt chuyến xe đến đây, nó không hề được thốt ra. Mà chị cũng không thể thốt ra. Tựa hồ như có thứ gì vô hình chắn ngang cuống họng.

Trên đường về, chị đắng đót một nỗi đau.

5. Gởi con cho bố mẹ chồng, chị lấy cớ đi công tác, xuôi chuyến xe đò, chị về bên má, nghe lòng cứ xa xót những nỗi niềm riêng mang. Tháng ba, mây lững lờ vắt ngang trời như một dải lụa màu ngọc bích. Những cánh đồng sau mùa gặt chỉ còn trơ gốc rạ, lác đác vài con bò đi rong đi rỗi cạp đỡ mấy bụi cỏ non hay mấy bụi lúa rày vừa đâm tược. Rất lâu rồi, chị mới có một sớm mai bình yên đến vậy.

Nhịp sống hối hả Sài Gòn cuốn chị cứ tất bật với những bộn bề lo toan cơm áo gạo tiền, riết rồi chị lãng quên con đường làng rợp bóng tre nghiêng, mỗi bận đi về xạc xào đầy ắp tiếng cười ấu thơ. Chị cũng quên luôn con sông quê bồi lở đôi bờ, tươi mát cả thời trẻ dại bì bõm nô đùa theo từng con nước lớn ròng. Chị quên luôn đám sen ngát hồng mỗi độ trổ bông của miệt bưng biền Tháp Mười trứ danh khắp chốn. Chị quên cả cái thanh xuân của đời con gái từ ngày theo anh về nơi phố thị xa hoa ấy. Mà xuân thì người con gái chỉ là khoảng thời khắc tươi trong mơn mởn, rồi cũng vàng võ theo thời gian rêu phong lên phận mình.

Hồi chị được gả cho anh, má tỉ tê dặn chị, chuyện vợ chồng là nghĩa phu thê, đằng đẵng cả chặng đường đời chứ không phải ngày một ngày hai, đục, trong gì cũng là cái phần, cái phước. Nếu may mắn duyên lành coi như mình nhờ, rủi thay cập nhầm bến đục thì ráng mà khơi dòng cho nước nó trong. Phận đàn bà, khổ hay không nằm ở chính cái khéo léo của mình.

Giờ chị ngồi đây, giữa một sớm trời quê bát ngát mùi đốt đồng ngai ngái, nhớ miên man mấy chuyện hồi mười lẵm năm sà cũ mòn cũ rích, mà nghe lòng the thắt mềm môi.

6.- Lâu dữ thần, bây mới về, nay má làm mắm cho ăn nghen!

Bữa cơm quê chỉ vài đọt rau lang cùng mấy trái bần chua và nồi mắm kho mà khiến chị rưng rức.

- Bây biết sao miệt mình, người ta thích mắm không? Từ con cá làm ra con mắm phải trải qua biết bao dặm trường nhiêu khê công đoạn.

Rồi má kể rành rọt. Muối làm mắm thường phải là loại muối Bạc Liêu, không bao giờ được làm muối bọt. Muối Bạc Liêu tuy đen nhưng độ mặn rất đậm đà, muối mắm ít khi bị mắm trở. Sau đó, phải cẩn thận xếp cá muối vào mấy cái khạp mái đầm, rồi cài vỉ tre lên, dằn thêm mấy tấm thớt gỗ để nén chặt cá. Độ hai, ba tháng sau, lại phải rang gạo lức cho thật chín vàng, dùng cối xay nhuyễn ra thành thính, rồi đem trộn đều vào từng con cá, ngay cả bên trong bụng cá, làm vậy cá mới thấm thính, dậy lên mùi mắm khăm khẳm mà vẫn lừng lựng thơm nao nức. Chưa hết đâu nghen, canh chừng hai, ba con trăng tròn khuyết mà bắt đầu chao mắm, thắng đường chảy sền sệt, kèo kẹo, trộn thêm cháo nếp rồi xóc đều từng con mắm cốt cho mắm dịu lại. Tiếp tục ủ mắm, lèn chặt để không bị nong nước.

- Đó bây thấy hông, trần ai khoai củ lắm mới có mấy con mắm ngon mà mình ăn. Cũng như cái nghĩa vợ chồng, đâu phải chỉ là duyên mà còn là nợ, con à! Trải qua bao nhiêu đoạn đường đời, con người ta mới được gá nghĩa tào khang. Rồi còn phải chung lòng mà bước qua biết bao chặng đường cùng nhau. Có vui, có buồn, có lúc bằng phẳng, trơn tru, cũng có lúc thác ghềnh gieo neo, nhưng cứ vì nhau mà sống thôi con! Đàn ông họ sống bằng hai chữ trách nhiệm, đàn bà mình sống bằng hai chữ bao dung, thì nhà cửa ấm êm, vui vầy. Ông bà mình hồi xưa ưa nói “Con cá làm ra con mắm, vợ chồng đến già thì cũng phải thương lắm mình ơi!”.

Chị lặng yên bên bàn cơm, nhìn má chấm trái bần chua vào nồi mắm mà thanh thản. Mái tóc pha màu sương mai, vầng trán in hằn những lam lũ, nhọc nhằn mưu sinh, cho quãng đời chị an lành mà bước. Chị nắm tay má, không nói gì, khóc nấc nghẹn từng cơn. Đôi tay già nua, nổi đầy gân xanh khẽ vuốt mái tóc chị. Mấy con se sẻ dáo dác tìm bầy, ríu rít cả khoảng trời quê. Chiều đó, chị thưa má rồi lên lại Sài Gòn, má ra tận cái cổng rào tiễn chị.

7. Thằng bé mở mắt sau ca mổ ghép võng mạc thành công, ánh sáng mờ ảo lần đầu tiên nhìn thấy, khiến nó ngờ ngợ, đôi tay bấu víu vào cái drap giường trắng tinh.

Chị đôi chút chần chừ nhưng rồi nhẹ nhàng tiến đến ngồi cạnh thằng bé, để vào tay nó chiếc máy bay đồ chơi. Giờ con nằm yên nè, để má lau sạch người, rồi con thèm ăn gì, bố đi mua. Đợi khi con khỏe, thì mình về nhà.

Hai chữ về nhà của chị nó bình yên đến lạ. Anh lặng người, mắt đỏ hoe. Rồi thằng bé sẽ hiểu vì sao nó lại có thêm má. Vì sao nó bỗng nhìn thấy được cái thứ ánh sáng lấp lánh này. Võng mạc ấy, là cô để lại cho nó, khi cô ra đi vào một chiều dầm dề giông bão cùng căn bệnh ung thư quái ác hành hạ hơn năm nay.

Thằng bé rụt rè hơi người lạ.

- Vậy... vậy... nay trời có xanh không?

Chị nhìn ra bên ngoài. Qua rồi những ngày mưa dầu dãi, mây bềnh bồng vắt ngang ô cửa.

- Hôm nay, trời vẫn xanh nghen con!

Trúc Thiên

Chia sẻ bài viết