Tiếng Việt | English

10/12/2021 - 13:10

Hợp tác xã mua lúa của nông dân nhưng không chịu trả tiền

Tòa án nhân dân huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đã tiếp nhận 84 lượt đơn của nông dân khởi kiện Hợp tác xã (HTX) Thạnh Phú và cá nhân ông Võ Văn Tiếp là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX này để yêu cầu trả nợ tiền thu mua lúa.

Nông dân vất vả sản xuất ra lúa bán cho Hợp tác xã Thạnh Phú nhưng hợp tác xã này lại không trả tiền (Ảnh minh họa)

Nông dân vất vả sản xuất ra lúa bán cho Hợp tác xã Thạnh Phú nhưng hợp tác xã này lại không trả tiền (Ảnh minh họa)

Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Phú (gọi tắt là HTX Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa) được thành lập từ năm 2018, vốn điều lệ 385 triệu đồng. HTX có 9 thành viên (TV), do ông Võ Văn Tiếp (SN 1962,  ấp Thạnh Lập, xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa) làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc.

Tuy nhiên, trên thực tế, khi đưa vào hoạt động, ông Tiếp chỉ đại diện đứng tên trên danh nghĩa và 8 TV còn lại chỉ có tên trong danh sách chứ không góp vốn, không tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX. Mọi hoạt động của HTX do bà Võ Thu Mộng (SN 1983) - con gái ông Tiếp và không phải là TV của HTX Thạnh Phú, quản lý, điều hành.

Sau thời gian hoạt động, HTX Thạnh Phú kinh doanh không hiệu quả và bị mắc nợ. Do đó, khi mua một số lượng lớn lúa, nếp của nhiều nông dân ở các xã: Tân Đông, Tân Tây, Thủy Tây và Tân Hiệp (huyện Thạnh Hóa), bà Võ Thu Mộng chưa trả tiền mà hứa sẽ thanh toán sau.

“Sau khi bà Mộng bán lúa cho đơn vị khác lấy được tiền thì chỉ thanh toán bớt một phần cho nông dân, số còn lại sử dụng trả các khoản nợ khác. Cứ thế, số nợ tiền thu mua lúa cứ dây dưa, kéo dài năm này qua năm khác khiến nông dân rất bức xúc” - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha cho biết.

Gia đình nông dân Nguyễn Văn Bảo (ấp 4, xã Tân Đông) cũng vì tin tưởng nên năm 2019, sau khi thu hoạch lúa, đã đồng ý bán thiếu cho bà Mộng với tổng số tiền 140 triệu đồng. Lúc đầu, bà Mộng hứa với gia đình sẽ sớm thanh toán nhưng chờ mãi vẫn không được trả nợ. Nhiều hộ gia đình khác cũng chung cảnh ngộ khi bị bà Mộng mua lúa không trả tiền.

Đòi bà Mộng trả nợ không được nên năm 2019, 2020, nhiều lần, nông dân kéo đến các cơ quan nhà nước ở huyện Thạnh Hóa để nhờ can thiệp.Chính quyền nhiều lần đối thoại nhưng bà Mộng đều giải thích vì khó khăn nên chưa có tiền trả. Cứ thế, sự việc kéo dài, người dân đành phải làm đơn khởi kiện người đứng đầu HTX ra tòa án để đòi nợ.  Trong tháng 7-2019, bà Võ Thu Mộng bị huyện Thạnh Hóa đình chỉ chức vụ Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện và Bí thư Chi bộ đơn vị này.

Qua tìm hiểu, vụ việc mua lúa không trả tiền cho nông dân của HTX Thạnh Phú cũng làm chính quyền địa phương “đau đầu”, khó xử và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế tập thể tại địa phương. Bởi về phía chính quyền, các cấp, các ngành đã vận động người dân tham gia vào sản xuất HTX, cung ứng sản phẩm cho HTX.

Thông tin từ cơ quan chức năng, từ tháng 11/2019 đến nay, Tòa án nhân dân huyện Thạnh Hóa đã tiếp nhận 84 lượt đơn; trong đó, 76 lượt đơn của người dân khởi kiện đối với HTX Thạnh Phú về việc thu mua lúa vụ Đông Xuân 2018-2019 với tổng số tiền hơn 3,3 tỉ đồng và 8 lượt đơn khởi kiện cá nhân ông Võ Văn Tiếp với số tiền gần 12 tỉ đồng.

Tính đến tháng 11/2021, Tòa án nhân dân huyện Thạnh Hóa đã đưa ra xét xử 19 đơn đối với HTX Thạnh Phú, số tiền hơn 891 triệu đồng; ra quyết định công nhận sự thỏa thuận 57 đơn với số tiền hơn 2,4 tỉ đồng; đồng thời, xét xử 8 đơn đối với cá nhân ông Võ Văn Tiếp.

Tất cả đơn khởi kiện sau khi được Tòa án nhân dân huyện đưa ra xét xử hoặc ra quyết định công nhận sự thỏa thuận đều được chuyển sang Chi cục Thi hành án dân sự huyện để thi hành.

Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, số tài sản của HTX Thạnh Phú và bà Võ Thu Mộng chỉ còn 1 xe ôtô hiệu INNOVA đời 2007 và đã bán thanh lý được hơn 180 triệu đồng vào ngày 24/9/2021. Ông Võ Văn Tiếp còn có 4 thửa đất.

Theo thẩm định giá, tổng trị giá tài sản này hơn 13,7 tỉ đồng. Đến tháng 11/2021, đã bán thanh lý được 2/4 thửa với số tiền 4,425 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Võ Văn Tiếp còn nợ vay nhiều doanh nghiệp và các cá nhân nên đến thời điểm trên, Chi cục Thi hành án dân sự huyện vẫn chưa tổ chức thi hành được bản án hoặc quyết định công nhận thỏa thuận nào.

Về phía ông Võ Văn Tiếp cam kết, sau khi thanh lý phần đất và cây trồng trên đất thuộc sở hữu của ông để thi hành đối với 8 bản án dành cho công ty (Cty), ngân hàng và các cá nhân thì phần tiền còn lại sẽ tiếp tục chi trả cho các hộ dân mà HTX Thạnh Phú đang nợ tiền thu mua lúa, nếp.

Liên quan đến vụ việc trên, thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Thạnh Hóa quan tâm và có nhiều văn bản chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thạnh Hóa khẩn trương tổ chức thi hành các bản án hoặc quyết định công nhận thỏa thuận đã có hiệu lực pháp luật đối với HTX Thạnh Phú và cá nhân ông Võ Văn Tiếp, nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các Cty, doanh nghiệp và của người dân.

Ngoài vụ nợ dây dưa nhiều năm trên thì bà Mộng còn nghĩ ra cách lấy phân bón kém chất lượng về cấn trừ nợ cho nông dân (Báo Long An đã phản ánh). Cụ thể, vào đầu tháng 10/2019, bà Mộng đến một Cty sản xuất phân bón tại huyện Cần Giuộc, thỏa thuận mua 81 tấn phân bón (20 tấn DAP và 61 tấn NPK). Số phân bón này là hàng tồn kho, Cty thu hồi khi bị lỗi, một số bao phân bị rách, ẩm ướt trong quá trình bảo quản nên giám đốc Cty đồng ý bán thiếu cho bà Mộng (không có làm hợp đồng mua bán theo quy định của pháp luật), với điều kiện đem về sử dụng, không bán ra thị trường.

Sau khi lấy 81 tấn phân bón (1.620 bao) từ Cty này về, bà Mộng tổ chức họp với các hộ dân ở huyện Thạnh Hóa mà bà đang còn nợ tiền thu mua lúa, nếp. Qua đó, bà Mộng đề nghị người dân nhận phân bón để trừ bớt nợ, giá đưa ra bằng giá thị trường tại thời điểm đó.Không lấy được tiền nên đề nghị của bà Mộng được các hộ dân đồng ý và nhận phân bón về sử dụng.

Từ thông tin trong dư luận, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 huyện Thạnh Hóa và Đoàn Thanh tra của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh tiến hành kiểm tra 285 bao phân còn lại mà HTX Thạnh Phú giao cho nông dân và thu mẫu để phân tích, kiểm tra chất lượng. Kết quả xác định đó là phân bón kém chất lượng (có thành phần dưới 70% so với tiêu chuẩn đăng ký) nên kiến nghị chuyển cơ quan điều tra, làm rõ.

Theo Công an tỉnh, sau khi tiếp nhận vụ việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã điều tra, thu thập chứng cứ và xác định ông Võ Văn Tiếp, bà Võ Thu Mộng không có hành vi buôn bán hàng giả cũng như về phía giám đốc Cty (nơi bà Mộng lấy số phân bón) cũng không có hành vi sản xuất hàng giả. Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định không khởi tố vụ án buôn bán hàng giả, cũng như không khởi tố vụ án sản xuất hàng giả./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết