Tiếng Việt | English

25/12/2018 - 15:47

Hướng đến nền hành chính công hiện đại, chuyên nghiệp

Năm 2018, Long An tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC), từng bước xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh - Trần Kỳ Đức xoay quanh vấn đề này.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được thành lập, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được thành lập, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả

PV: Xin ông cho biết, những kết quả nổi bật của tỉnh về triển khai, thực hiện công tác CCHC trong năm 2018?

Ông Trần Kỳ Đức: Năm qua, công tác CCHC được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, thực hiện tương đối đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao, góp phần quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh. Công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quan tâm, chỉ đạo, từng bước đi vào nề nếp. Thủ tục hành chính (TTHC) trên các lĩnh vực được rà soát, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa, thuận tiện cho tổ chức, cá nhân. UBND tỉnh ban hành 43 quyết định công bố 1.823 TTHC (ban hành mới 750 TTHC, sửa đổi, bổ sung 367 TTHC, thay thế 4 TTHC, bãi bỏ 702 TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của 17 sở, ngành tỉnh; cập nhật, đăng tải kịp thời trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC, trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh theo quyết định công bố của UBND tỉnh (công khai 1.120 TTHC, không công khai 705 TTHC).

Cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các cấp tiếp tục phát huy hiệu quả; trong đó, cơ chế một cửa cấp xã và các sở, ngành được duy trì và nâng cao chất lượng về giải quyết TTHC, hạn chế hồ sơ trễ hạn; giảm phiền hà, chi phí và thời gian đi lại của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 1.785/1.785 TTHC (đạt 100%) thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; trong đó có 1.386 TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa; 399 TTHC thực theo cơ chế một cửa liên thông (93 TTHC thực hiện liên thông từ xã đến huyện, đến tỉnh; 306 TTHC thực hiện liên thông cùng cấp của các sở, ngành tỉnh và liên thông thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh).

Toàn tỉnh có 100% cơ quan, đơn vị sử dụng mạng nội bộ (mạng LAN) trao đổi công việc; 100% sở, ngành, UBND các cấp triển khai phần mềm Quản lý văn bản và điều hành và kết nối liên thông trong toàn tỉnh, đồng thời kết nối với hệ thống của Văn phòng Chính phủ và cấp tài khoản sử dụng đến hầu hết cán bộ, công chức cấp xã. Trung tâm Phục vụ hành chính công (TTPVHCC) tỉnh, 15/15 UBND cấp huyện, 192/192 UBND cấp xã, 17/19 sở, ngành tỉnh được triển khai, nâng cấp phần mềm một cửa điện tử theo hướng hiện đại, luân chuyển và xử lý hồ sơ điện tử, không phụ thuộc vào hồ sơ giấy,...

Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận nhận và trả kết quả hồ sơ cấp xã ngày được nâng cao thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông

Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận nhận và trả kết quả hồ sơ cấp xã ngày được nâng cao thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông

PV: TTPVHCC tỉnh và 15/15 TTHCC cấp huyện được thành lập và đi vào hoạt động có ý nghĩa như thế nào đối với việc thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 của tỉnh, thưa ông?

Ông Trần Kỳ Đức: Việc thành lập và đi vào hoạt động TTPVHCC tỉnh, 15/15 TTHCC cấp huyện là sự nỗ lực rất lớn của tỉnh, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình, kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016-2020. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh và một số cơ quan được tổ chức theo ngành dọc, thông qua việc ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin hỗ trợ giải quyết TTHC được kết nối với phần mềm kiểm soát và đánh giá kết quả TTHC.

Bên cạnh đó, việc thành lập các TTHCC góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ; khắc phục những bất cập trong việc phối hợp giải quyết TTHC tại các sở, ngành; tạo lập môi trường làm việc công khai, minh bạch, thuận tiện, văn minh, hiện đại.

PV: Việc thành lập TTPVHCC tỉnh là bước ngoặt của tỉnh trong lĩnh vực CCHC. Vậy theo ông, làm thế nào để trung tâm ngày càng phát huy hiệu quả hoạt động?

Ông Trần Kỳ Đức: Để TTPVHCC tỉnh ngày càng hoạt động hiệu quả, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác tuyên truyền và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, lựa chọn, bố trí, sắp xếp đội ngũ quản lý có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm về cải cách TTHC, công nghệ thông tin và đội ngũ công chức có kỹ năng giao tiếp tốt để tiếp nhận và trả kết quả TTHC cho tổ chức, cá nhân nhanh gọn, hiệu quả.

PV: Thời gian qua, CCHC được xem là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thúc đẩy KT-XH của địa phương. Xin ông cho biết, một số nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh về triển khai, thực hiện CCHC trong năm 2019?

Ông Trần Kỳ Đức: Những năm qua, công tác CCHC được UBND tỉnh triển khai, thực hiện đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh những kết quả, công tác CCHC của tỉnh vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Vì vậy, để tiếp tục triển khai, thực hiện tốt hiệu quả kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016-2020, năm 2019, sở tham mưu UBND tỉnh tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Cải cách thể chế, TTHC, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hiện đại hóa nền hành chính,...

Tỉnh tiếp tục nghiên cứu, rà soát, kiến nghị bãi bỏ các quy định và những TTHC không cần thiết; rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân; đẩy mạnh việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích; tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động TTPVHCC tỉnh, TTHCC cấp huyện, giảm tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hạn, từng bước nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức; xây dựng, triển khai, thực hiện Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước phù hợp với kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh và lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến 2016-2020,... hướng đến xây dựng nền hành chính công hiện đại, chuyên nghiệp.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết