Tiếng Việt | English

21/12/2017 - 15:16

Hướng đi nào cho các phòng khám đa khoa khu vực?

Gần đây, việc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) không thanh toán tiền ngày giường điều trị nội trú đối với bệnh nhân (BN) thuộc các phòng khám đa khoa khu vực (PKĐKKV), các PK phải ngưng điều trị nội trú. Điều này khiến các PK gặp không ít khó khăn và gây bức xúc trong người dân.

Giường bệnh điều trị nội trú của Phòng khám Đa khoa khu vực Rạch Kiến trống không

Giường không, phòng trống

PKĐKKV Đức Hòa, thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An được thành lập từ năm 1983. Đến năm 2007, PK được nâng cấp và có đầy đủ trang thiết bị, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân thị trấn Đức Hòa, xã Đức Hòa Hạ và một số xã lân cận. Trước đây, PK có điều trị nội trú, ngoại trú, cấp cứu, sản, Đông y, phòng nha,... với chức năng gần giống bệnh viện tuyến huyện. BN đến khám không chỉ có người dân địa phương mà còn có rất đông công nhân của các công ty, xí nghiệp trên địa bàn. Năm 2017, số BN đến khám ngoại trú tại PK trên 62.000 lượt; điều trị nội trú hơn 2.000 lượt. Con số trên cho thấy, PK hoạt động rất hiệu quả, cần thiết để điều trị nội trú. Thế nhưng, từ ngày 15/11/2017, theo quy định của Bộ Y tế và Sở Y tế, PK phải dừng điều trị nội trú, dẫn đến tình trạng khó khăn như hiện nay.

Có mặt tại PK này những ngày qua, chúng tôi nhận thấy, 50 giường bệnh điều trị nội trú đều trống không, trong khi BN lại có nhu cầu nằm điều trị. Quan sát sang khu vực ngoại trú của PK, tuy có BN đến khám nhưng số lượng giảm nhiều so với trước đây.

BN Nguyễn Thị Lụa, ngụ xã Hựu Thạnh, cho biết: “Tôi già yếu, hay bị huyết áp và tim mạch nên thường đến PK để điều trị và nằm theo dõi. Con tôi đi làm công nhân nên tôi tự kêu xe Honda ôm chở đến PK để chữa bệnh. Nay không hiểu vì sao lại trở nên như vậy? Dù bác sĩ tại PK có giải thích, hướng dẫn nhưng tôi vẫn muốn điều trị nội trú tại đây, vì PK gần nhà, đỡ tốn chi phí”.

Trưởng PK - bác sĩ Nguyễn Thành Liêm thông tin, từ khi ngừng điều trị nội trú, gây không ít khó khăn cho PK, nhất là về kinh phí hoạt động. Từ đầu năm 2017 đến ngày 15/11/2017, BHXH “treo” tiền thanh toán điều trị nội trú tại PK khoảng 1,3 tỉ đồng. Hiện, nhiều BN thắc mắc tại sao không cho điều trị nội trú, trong khi họ có nhu cầu? Cán bộ, nhân viên y tế của PK cũng rất buồn vì phải ngưng điều trị cho BN. hơn nữa, sự thay đổi này gây lãng phí đối với một số máy móc, trang thiết bị được đầu tư.

Tương tự PKĐKKV Đức Hòa, PKĐKKV Rạch Kiến, xã Tân Trạch, huyện Cần Đước cũng cùng chung số phận. Kể từ khi không được điều trị nội trú, PK trở nên vắng vẻ, số lượng BN đến khám giảm mạnh, chỉ còn số ít BN đến khám ngoại trú. Trong khi đó, những phòng lưu bệnh trước đây được đầu tư khá nhiều kinh phí, vẫn còn hạn sử dụng nhưng phải đóng cửa, các giường bệnh trống không, gây lãng phí tiền của.

PKĐKKV Rạch Kiến được trang bị đầy đủ phương tiện khám, chữa bệnh; bảo đảm chăm sóc sức khỏe người dân các xã vùng thượng huyện Cần Đước và xã Thuận Thành, Phước Lâm, huyện Cần Giuộc. Hàng ngày, PK điều trị ngoại trú bình quân hơn 100 BN, cấp cứu 10 BN. Đồng thời, PK thực hiện tốt công tác khám, điều trị nội trú với quy mô 50 giường bệnh và thường xuyên điều trị 60 BN nội trú. Nhưng từ ngày 15/11/2017, theo quy định của Bộ Y tế và Sở Y tế, PK chỉ khám ngoại trú, sơ cấp cứu và ngừng tiếp nhận BN điều trị nội trú. Từ đó, gây không ít khó khăn cho PK và BN.

Bà Nguyễn Thị Sen, ngụ xã Long Hòa, chia sẻ: “Đội ngũ y, bác sĩ PK tận tình nên BN yên tâm điều trị. Tôi đề nghị cấp trên xem xét, cho PK tiếp tục điều trị nội trú. Tôi nghĩ rằng, PK thành lập và đi vào hoạt động từ nhiều năm, trước nay vẫn làm tốt chức năng khám, chữa bệnh nội, ngoại trú, được BN tin tưởng, do vậy không nên ngừng điều trị nội trú. Trừ trường hợp bệnh quá nặng, BN cần chuyển viện lên tuyến trên chứ bệnh thường gặp, PK điều trị được thì nên cho khám và nhập viện tại đây để người dân bớt vất vả”.

Những giường bệnh điều trị nội trú của Phòng khám Đa khoa khu vực Đức Hòa hiện trống không

Vì một Thông tư

Những khó khăn, vướng mắc tại các PKĐKKV nói trên đều bắt nguồn từ Thông tư số 15-BYT/TT, ngày 17/5/1977 của Bộ Y tế hướng dẫn tổ chức PKĐKKV. Theo quy định tại thông tư này thì PKĐKKV không có chức năng điều trị nội trú. Ngày 09/01/2017, BHXH Việt Nam có Công văn 76/BHXH-CSYT về việc thanh toán tiền giường bệnh điều trị nội trú tại PKĐKKV gửi Sở Y tế và áp dụng trên cả nước, PKĐKKV không được quy định chức năng điều trị nội trú. Do đó, BHXH không có cơ sở thanh toán tiền giường điều trị nội trú tại PK.

Trưởng PKĐKKV Huỳnh Việt Thanh, xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh - bác sĩ Ngô Đức Hạnh bức xúc: “Rõ ràng, việc lấy một thông tư được ban hành cách đây 40 năm ra để áp dụng là điều phi lý, gây khó khăn rất nhiều cho các PK cũng như BN điều trị nội trú!”.

PKĐKKV Huỳnh Việt Thanh nằm ở vùng sâu Đồng Tháp Mười, cách xa trung tâm huyện. PK được thành lập năm 1990 trên cơ sở PK Kinh tế mới. Từ khi mới thành lập, PK có phòng bệnh nội trú và được Sở Y tế phân bổ giường bệnh, bắt đầu từ 10 giường năm 1996, sau đó lên 25 giường từ năm 2013 cho đến nay. PK phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân 5 xã trong vùng. Vì vậy, nhu cầu điều trị của BN rất lớn.

Thế nhưng, gần 1 năm nay, các bác sĩ, nhân viên y tế đều lo lắng trước nguy cơ PK ngưng hoạt động, các trang thiết bị hàng chục tỉ đồng phải “đắp chiếu” do vướng quy định. Cũng từ tháng 01/2017 đến nay, BHXH tỉnh xuất toán tiền ngày giường của PKĐKKV Huỳnh Việt Thanh khoảng 650 triệu đồng. Hơn nữa, những danh mục thuốc của BHYT cũng thiếu, khiến PK gặp nhiều khó khăn.

Do đó, theo bác sĩ Hạnh, nếu PK dừng điều trị nội trú sẽ gây lãng phí lớn đối với các nguồn lực của PKĐKKV. Lòng tin của BN đối với cơ sở y tế gần dân nhất sẽ giảm. Bởi vì các trường hợp cần điều trị nội trú mà khả năng PKKV từ trước đến nay đều giải quyết được, nay phải chuyển lên tuyến trên. Người nghèo, bệnh nặng, các trường hợp bệnh cấp cứu cần nhập viện theo dõi, sản phụ,... mất cơ hội được điều trị nội trú gần nhà. Không những vậy, giảm nguồn thu từ điều trị nội trú sẽ ảnh hưởng đến vấn đề tự chủ về tài chính của PK.

Bệnh nhân cấp cứu tại Phòng khám Đa khoa khu vực Đức Hòa

Sẽ điều trị nội trú trở lại

Cũng theo bác sĩ Hạnh, trước những kiến nghị của các PKĐKKV, ngày 15/12/2017, Sở Y tế có công văn yêu cầu các PKĐKKV chuẩn bị các điều kiện nâng cấp các phòng khám. Theo đó, PK Huỳnh Việt Thanh sẽ trở thành cơ sở 2 của Trung tâm Y tế huyện Tân Thạnh theo hướng dẫn của Nghị định 109/2016/NĐ-CP. Khi đó, PKĐKKV mới được điều trị nội trú.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn của nghị định trên thì cơ sở 2 hoạt động theo mô hình bệnh viện phải có khu nội trú ít nhất 30 giường bệnh. Hiện tại, PKĐKKV Huỳnh Việt Thanh chỉ có 3 phòng nội trú với tối đa 18 giường bệnh, do vậy, phải cần thêm 2 phòng nội trú nữa với 12 giường bệnh. Vì kinh phí ngành hạn hẹp nên đây là vấn đề nan giải của PK Huỳnh Việt Thanh. PK cũng nhiều lần đề nghị Sở Y tế, UBND huyện nhưng chưa được giải quyết.

Phó Trưởng PKĐKKV Rạch Kiến - bác sĩ Nguyễn Thị Tròn và Trưởng PKĐKKV Đức Hòa - Nguyễn Thành Liêm mong muốn, tỉnh đẩy nhanh việc xem xét, thẩm định hồ sơ để các PK có thể điều trị nội trú trở lại.

Từ khi ngừng điều trị nội trú, lượng bệnh nhân đến Phòng khám Đa khoa khu vực Rạch Kiến giảm đáng kể

Trao đổi vấn đề này, theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế - bác sĩ Huỳnh Minh Phúc, toàn tỉnh hiện có 4 PKĐKKV ở các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Tân Thạnh thực hiện khám, chữa bệnh tại các xã, thị trấn trên địa bàn và các địa phương lân cận. Thời gian qua, các PK hoạt động rất hiệu quả. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, từ năm 2017 trở đi, các PK trên không thuộc diện được thanh toán ngày giường điều trị nội trú làm ảnh hưởng đến hoạt động của các PK.

Theo đó, từ ngày 15/11/2017, các PKĐKKV chỉ được điều trị ngoại trú, xử lý cấp cứu (không điều trị nội trú). Trước phản ánh, kiến nghị của người dân và PK cũng như xét thấy nhu cầu cần thiết của các PKĐKKV, Sở Y tế có kế hoạch nâng cấp một số PKĐKKV lên thành cơ sở 2 của trung tâm y tế huyện. Khi đó, các PK này sẽ thực hiện khám, chữa bệnh ngoại trú, xử lý cấp cứu và điều trị nội trú.

Ngoài ra, sở tham mưu UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ Y tế, BHXH Việt Nam xem xét, tiếp tục duy trì hoạt động của các PK; lãnh đạo tỉnh cũng có cuộc làm việc trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Y tế vấn đề trên vào ngày 14/8/2017.

Hy vọng, những vướng mắc, khó khăn và kiến nghị của BN, đội ngũ y, bác sĩ các PK sớm được xem xét, giải quyết. Và một ngày không xa, các PK này sẽ được điều trị nội trú trở lại, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân và giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết