Tiếng Việt | English

27/07/2015 - 05:16

Hy Lạp và chủ nợ sẽ đàm phán về gói cứu trợ mới vào tuần này

Ngày 25/7, nguồn tin chính phủ Hy Lạp cho biết nước này và các chủ nợ quốc tế sẽ bắt đầu đàm phán về gói cứu trợ mới trị giá 86 tỷ euro (94 tỷ USD) cho Athens trong tuần này.

 Theo nguồn tin trên, các nhóm kỹ thuật từ Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bắt đầu tới Hy Lạp vào cuối tuần này, nhưng cuộc đàm phán về thỏa thuận cứu trợ sẽ chỉ được khởi động vào 28/7. Lãnh đạo "bộ ba" chủ nợ trên sẽ đến Athens một hoặc hai ngày sau đó, dự kiến vào ngày 30/7.

Trong khi đó, một người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) cho biết chưa thể xác nhận được các kế hoạch mà chỉ có thể nói rằng các đại diện "bộ ba" sẽ bay đến Hy Lạp trong vài ngày tới.


Người dân Hy lạp mua sắm tại một cửa hàng ở thành phố Thessaloniki. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, Hy Lạp cho biết các chủ nợ sẽ bay đến Athens vào ngày 24/7 để khởi động cuộc đàm phán về gói cứu trợ thứ 3 kéo dài 3 năm cho nước này, nhưng cuộc đàm phán đã phải trì hoãn vì lý do kỹ thuật. Hy Lạp và các chủ nợ đang chịu áp lực rất lớn nhằm đạt được thỏa thuận trước ngày 20/8 tới, thời điểm Athens phải trả khoản nợ 3,2 tỷ euro cho ECB, điều mà Hy Lạp khó có thể thực hiện được hiện nay.

Ngày 13/7, Hy Lạp và nhóm "bộ ba" chủ nợ đã đạt thỏa thuận về gói cứu trợ mới nhằm cứu Athens thoát khỏi nguy cơ phá sản và rời khỏi Khu vực đồng euro (Eurzone). Mặc dù vậy, IMF vẫn cảnh báo rằng việc hoàn tất thỏa thuận trên hoàn toàn không dễ dàng, bởi trước đây định chế tài chính này từng giúp Athens với hai gói cứu trợ chung với EU từ năm 2010, song cho đến nay Hy Lạp vẫn không thoát khỏi cảnh nợ nần.

Sau thỏa thuận mới nhất giữa Athens với "bộ ba" chủ nợ, Quốc hội Hy Lạp cũng đã thông qua dự luật thứ hai về những biện pháp cải cách khắc khổ theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế để mở đường cho việc giải ngân gói cứu trợ thứ ba, vốn vô cùng cấp thiết đối với Athens hiện nay. Dự luật mới này bao gồm những cải cách về hệ thống tư pháp dân sự, tòa án, một chương trình bảo vệ tiền gửi ngân hàng và các biện pháp củng cố tính thanh khoản cho các ngân hàng, được đánh giá là ít gây tranh cãi hơn so với dự luật cải cách thứ nhất thông qua ngày 16/7./.

TTXVN/Tin tức

Chia sẻ bài viết