Tiếng Việt | English

28/07/2015 - 20:14

IMF: Kinh tế Eurozone sáng sủa hơn, triển vọng trung hạn vẫn kém

 

Ảnh minh họa. (Nguồn: digitallook.com)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng tình hình kinh tế Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã sáng sủa hơn, song điều đó là chưa đủ khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao và đặc biệt vẫn chưa thể loại trừ những nguy từ cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp.

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone vẫn ở mức cao, song tăng trưởng việc làm được duy trì cùng với mức thu nhập thực tế tăng lên đã giúp thúc đẩy tiêu dùng ở khối này. Bên cạnh đó, các hành động quyết liệt của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã giúp củng cố niềm tin và cải thiện các điều kiện tài chính.

Trong số các nền kinh tế lớn của khu vực, Đức tiếp tục đạt mức tăng trưởng trên 1,5%, trong khi kinh tế Tây Ban Nha cũng đã có bước phục hồi mạnh mẽ, Italy đang dần thoát khỏi ba năm suy thoái và kinh tế Pháp cũng đã khởi sắc từ đầu năm nay.

Theo IMF, sự phục hồi ở Eurozone một phần nhờ nhu cầu nội địa tăng lên, giá dầu thấp, chính sách nới nỏng tiền tệ và đồng euro yếu. IMF dự báo tăng trưởng ở 19 quốc gia khu vực Eurozone sẽ tăng nhẹ từ 1,5% trong năm 2015 lên 1,7% vào năm 2016.

Tuy nhiên, IMF đã kêu gọi Eurozone tiếp tục cải cách nhằm thúc đẩy nền kinh tế khu vực, do triển vọng tăng trưởng vẫn yếu kém. IMF cho rằng sự phục hồi ở Eurozone đã được củng cố, song triển vọng yếu kém về trung hạn, với mức tăng trưởng tiềm năng trung bình chỉ đạt 1%, đặt ra cho khu vực này bốn vấn đề then chốt cần quan tâm, bao gồm kích cầu, điều chỉnh bản quyết toán của các ngân hàng, đẩy mạnh cải cách cơ cấu và tăng cường quản trị.

IMF cho rằng tiến trình cải cách cơ cấu chậm chạp đã ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường kinh doanh và giảm tăng trưởng, do vậy, Eurozone vẫn dễ bị tác động trước các cú sốc.

Theo ông Mahmood Pradhan - Phó giám đốc bộ phận châu Âu của IMF, một số yếu tố sẽ tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng của Eurozone trong năm năm tới.

Những yếu tố này bao gồm tỷ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt ở thanh niên, nợ doanh nghiệp lớn, và các khoản nợ xấu ngày càng gia tăng trong hệ thống ngân hàng. Ông Pradhan cho rằng ECB có thể phải kéo dài chương trình in tiền mua trái phiếu hơn so với dự kiến là tháng 9/2016.

IMF cũng cảnh báo nguy cơ đối với Eurozone do những tác động từ cuộc khủng hoảng Hy Lạp. Theo IMF, mặc dù các thị trường đã có phản ứng tích cực đối với thỏa thuận giữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế, song vẫn không thể loại trừ những nguy cơ lớn có thể xảy ra.

IMF cho rằng Eurozone cần sử dụng mọi công cụ hiện có để đối phó với các nguy cơ có thể xảy đến với khu vực này.

Về chính sách tài chính, IMF kêu gọi các nước Eurozone tuân thủ các cam kết theo Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng (SGP), trong đó các nước có mức thâm hụt ngân sách thấp nên tận dụng sự linh hoạt theo SGP để thúc đẩy đầu tư và cải cách cơ cấu, còn những quốc gia có thặng dư thương mại cần phải đẩy mạnh nhu cầu nội địa./.

Theo Vietnam+

Chia sẻ bài viết