Tiếng Việt | English

07/10/2015 - 10:48

Liên kết vùng - chìa khóa vàng để nông nghiệp phát triển bền vững

Kết nối cung - cầu với hệ thống phân phối

Hiệu quả từ kết nối - cung cầu

Theo nhận định từ các Sở Công Thương khu vực ĐBSCL, TP.HCM, khi thực hiện liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, lợi ích từ các bên khá lớn. Điển hình như doanh nghiệp (DN) tăng doanh thu và quảng bá được thương hiệu, người sản xuất có đầu ra ổn định, người tiêu dùng mua được hàng hóa có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng. Đó là những lợi ích mà chương trình hợp tác thương mại kết nối cung cầu giữa TP.HCM với các tỉnh, bước đầu tạo dựng được trên thị trường nội địa.

Thông qua nhiều hoạt động, thời gian qua, Sở Công Thương chủ động làm cầu nối để các hộ chăn nuôi, cơ sở sản xuất của tỉnh hợp tác với các nhà sản xuất, kinh doanh thương mại chủ lực ở TP.HCM nhằm xúc tiến tiêu thụ hàng hóa của tỉnh. Thông qua các chương trình kết nối tại Long An và ở các địa phương khác trong khu vực, đã có nhiều sản phẩm, hàng hóa được kết nối tiêu thụ với DN kinh doanh, DN đầu mối như Công ty TNHH Ba Huân, Công ty TNHH San Hà, siêu thị, chợ đầu mối,…


LMHTX tỉnh, Sở Công Thương giới thiệu với Tổng Công ty Cổ phần thương mại Sài Gòn (SATRA) mô hình sản xuất rau an toàn của HTX rau an toàn Phước Hiệp, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc

Là DN chuyên ngành thực phẩm trứng gia cầm và sản phẩm từ gia cầm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong cả nước, xác định nguồn nguyên liệu chính từ sản phẩm chăn nuôi do chính nông dân làm ra, vì vậy, Công ty TNHH Ba Huân luôn hướng tới việc liên kết, hình thành chuỗi giá trị.

Từ năm 2005, bà Phạm Thị Huân, Giám đốc công ty đã bắt đầu ký kết hợp đồng thu mua trứng gia cầm tại Long An thông qua Sở Công Thương Long An. Để có sản phẩm chất lượng từ đầu vào, công ty đã xây dựng quy trình song hành, đầu tư tài chính và cả kỹ thuật cho nông dân.

Anh Nguyễn Văn Dũng, ngụ xã Tân Lân, huyện Cần Đước có trang trại quy mô 10.000 con gà đẻ cho biết, được sự giới thiệu của Sở Công Thương và các cơ quan trong huyện, anh đã ký kết hợp đồng bán trứng gà cho Công ty Ba Huân. Khi ký kết hợp đồng mua bán với công ty, nông dân được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học và cung cấp con giống, kỹ thuật về chuồng trại. Hiện nay, anh Dũng cung cấp 1.200 trứng/ngày. Sau khi trừ chi phí đầu tư, anh thu lợi nhuận trên 10 triệu đồng/tháng. Theo anh thì việc liên kết này hoàn toàn có lợi cho nông dân, bởi không sợ khó khăn về đầu ra.


Có đầu ra cho sản phẩm nông dân an tâm sản xuất

Hiện nay, Long An có 13 hợp tác xã (HTX) chuyên sản xuất rau các loại, trong đó có 3 HTX rau an toàn gồm Phước Hiệp, Phước Hòa và Long Khê với gần 100 xã viên, sản xuất trên diện tích hơn 120ha đất. Bằng nguồn Quỹ Xúc tiến thương mại, thời gian qua, Sở Công Thương hỗ trợ cho các HTX trồng rau an toàn đưa sản phẩm rau vào chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM) để bán và giới thiệu sản phẩm đến hệ thống các siêu thị, nhà hàng, doanh nghiệp và người tiêu dùng; tham gia các hội chợ triển lãm trong khu vực. Thông qua các hoạt động này, sản phẩm rau an toàn trong tỉnh đã được các đơn vị đầu mối như Co.op Mart, Satra, Vissan,… tiêu thụ.

Cần lắm vai trò của "ông mai"

Giám đốc Sở Công Thương - Đặng Văn Lớp cho biết: Trong thời gian qua, khi các công ty triển khai thu mua đều thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết. Việc ký kết tiêu thụ các sản phẩm gia súc, gia cầm, trứng đã góp phần ổn định tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Thuận lợi của chương trình liên kết là Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để thúc đẩy thực hiện chương trình kết nối doanh nghiệp với người sản xuất. Đây là cơ sở để Sở Công Thương xây dựng chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thực phẩm, gia súc, gia cầm, trứng trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, việc liên kết thời gian qua vẫn còn những hạn chế. Điển hình như thông qua các buổi kết nối cung cầu hàng hóa, có nhiều hợp đồng nguyên tắc được ký kết với Saigon Co.op, Satra, Lotte mart,… nhưng hàng hóa của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất còn khó tiếp cận với kênh phân phối này do hạn chế về thương hiệu sản phẩm, sản lượng hàng hóa hoặc 2 bên chưa thống nhất được các thỏa thuận cần thiết như điều kiện giao hàng, quá trình thanh toán, chi phí khác,… để ký hợp đồng với các kênh phân phối lớn.


Để hàng hóa của tỉnh có được đầu ra bền vững cơ sở sản xuất cần tìm hiểu nhu cầu của thị trường

Theo Sở Công Thương Long An, hiện nay, mối liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất, giữa Long An và các tỉnh trong vùng tuy chưa ở diện rộng nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả khá khả quan. Để việc liên kết này tiếp tục được phát triển một cách bền vững, Sở Công Thương tiếp tục mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho mặt hàng nông sản, gia súc, gia cầm, trứng,… của tỉnh thông qua chương trình xúc tiến thương mại, là cầu nối để HTX, hộ sản xuất của tỉnh có cơ hội ký kết được hợp đồng cung ứng nông sản cho các doanh nghiệp phân phối lớn tại TP.HCM.

Tiến sĩ Võ Thị Kim Sa - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh kế hợp tác, Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 cho rằng, sản xuất nông nghiệp hiện nay đang tiến dần đến phát triển trên diện rộng và mỗi loại nông sản khi đến thị trường phải có khối lượng đủ lớn, ổn định về chất lượng, thời gian, nguồn gốc xuất xứ và giá thành hợp lý, cạnh tranh. Nếu nông dân sản xuất riêng lẻ sẽ dễ bị tổn thương. Hợp tác ngang giữa nông dân sẽ tạo sức bật lớn để giúp họ gia nhập sâu hơn vào liên kết dọc với các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị dài từ cổng trang trại đến bàn ăn của người tiêu dùng.

 

M.Hương-S.Hồng-H.Phong

Xem thêm>>

Bài 1: Nông dân được mùa - Doanh nghiệp kinh doanh bền vững

Chia sẻ bài viết