Tiếng Việt | English

26/07/2022 - 08:35

Khi cựu chiến binh trở thành 'tỉ phú' nông dân

Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, luôn nỗ lực vươn lên trong gian khó, từ những năm tháng vất vả khởi nghiệp, sống trong cảnh "thiếu trước, hụt sau", giờ đây, cựu chiến binh (CCB) Lương Văn Nhỏ (ấp 3, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đã có được những thành công nhất định sau ngần ấy năm phấn đấu, quyết tâm làm giàu.

Ông Lương Văn Nhỏ giới thiệu về vườn ươm mai giống với Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Thành

Vượt khó những ngày đầu khởi nghiệp

Năm 1983, theo tiếng gọi của quê hương, khi vừa tròn 18 tuổi, ông Lương Văn Nhỏ (SN 1965) tham gia nghĩa vụ quân sự tại Trung đoàn 165, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, chiến đấu tại chiến trường Campuchia trong Chiến tranh biên giới Tây Nam. Một năm sau (năm 1984), ông bị mìn nổ văng vào chân nên bị thương khá nặng. Đến năm 1986, ông xuất ngũ, trở về địa phương. Với 5.000m2 đất được cha mẹ để lại, cũng như những kinh nghiệm nông dân ở vùng đất này, người thương binh hạng 3/4 khởi nghiệp bằng việc trồng mía.

Ông Nhỏ chia sẻ, gia đình có tổng cộng 8 anh, chị em thì có lẽ ông là người vất vả nhất. Sau khi lập gia đình năm 1989, 4 người con lần lượt ra đời, cuộc sống của ông càng thêm chật vật. Thế là, ông liên tục nghĩ cách chuyển đổi cây trồng sao cho đạt hiệu quả kinh tế, đủ sức chăm lo cho gia đình, không để con cái phải cực khổ như cha mẹ. Từ cây mía, ông chuyển sang trồng khoai mỡ, trồng mì,...

Có thời gian, khoai mỡ của ông cũng đạt năng suất cao, bán được giá, cuộc sống gia đình dần cải thiện, ấy vậy mà, ông vẫn chưa thực sự hài lòng. Thế là, ông tìm lối đi riêng với cây mai vàng sau khi được một người quen chia sẻ về hiệu quả của loài cây này trên đất phèn, ông nghĩ thôi thì cứ “làm liều”, biết đâu lại có cơ hội “đổi đời”. Và quả thật, ông đã thực sự thành công khi là người tiên phong trồng mai trên mảnh đất quanh năm nhiễm phèn, kén chọn cây trồng này.

Dám nghĩ, dám làm, vươn đến thành công

Nghĩ là làm, năm 2003, ông lên tận làng mai Bình Lợi - Bình Chánh (TP.HCM) mua mai giống. Từ trước đến nay, vùng đất phèn này chỉ có thể trồng mía, mì hay khoai mỡ,... chứ chưa từng có ai liều lĩnh trồng mai, thế nên khi thấy ông “gan” như thế, nhiều người cười và nói ông “chơi ngông”. Bỏ ngoài tai những lời bàn tán ấy, quyết là làm, ông bắt tay vào công cuộc “chinh phục” cây mai. Ban đầu, ông nỗ lực học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước rồi phát huy năng khiếu, tư duy của bản thân, tự học, tự nỗ lực, ông dần nắm vững những kiến thức trồng mai chuyên nghiệp từ bón phân, tưới nước, trừ sâu, bệnh, cách tỉa cành, tạo dáng hay xử lý ra hoa,...

“Cây mai có lợi thế là chịu được khí hậu, thổ nhưỡng khắc nghiệt, dễ chăm sóc. Đầu ra của mai ổn định quanh năm, vào dịp tết lại càng hút hàng. Hiện tại, tôi giữ liên lạc đến khoảng 200 thương lái từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre, Tây Ninh,... nên không lo lắng vấn đề đầu ra” - ông Nhỏ chia sẻ.

Mỗi ngày một ít, kinh nghiệm ngày càng nhiều thì diện tích trồng mai của ông cũng tăng dần. Từ 3ha đất nhà, ông thuê thêm 7ha đất để trồng mai. Vườn mai của ông có đủ độ tuổi, kích cỡ, giá dao động từ thấp đến cao tùy loại, nhiều cây có giá trị 70-80 triệu đồng, thậm chí 100 triệu đồng/gốc. Lợi nhuận từ việc trồng mai đem lại cho gia đình ông nguồn thu nhập khá cao, cứ 3 năm ông sẽ có lãi khoảng 1 tỉ đồng/ha/6.000 gốc mai (bán với giá khoảng 250 ngàn đồng/gốc). Chưa kể, các con ông nối nghiệp cha theo nghề trồng mai và cũng đạt được thành công. Đến nay, cả gia đình ông cộng lại thì đã có khoảng 30ha mai. Không chỉ vậy, ông còn tạo việc làm cho khoảng 10 lao động hỗ trợ trồng, chăm sóc mai.

Anh Phạm Thành Vũ (ấp 3, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa) cho biết: “Trước đây, tôi trồng mía nhưng đầu ra, giá cả rất bấp bênh. Sau này, tôi trồng mai thuê cho bác Năm Nhỏ (ông Lương Văn Nhỏ), đến nay đã được hơn 10 năm. Học theo bác, tôi cũng trồng mai được khoảng 1ha. Nhờ nghề này mà tôi có thu nhập ổn định để lo cho gia đình”.

Chủ tịch Hội CCB xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa - Nguyễn Tấn Lợi thông tin, toàn xã có khoảng 20 hội viên trồng mai, hơn 20 hội viên trồng chanh, các hội viên khác trồng lúa, hoa màu và nuôi bò. Việc trồng mai mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp các hội viên ổn định cuộc sống. Trong đó, ông Lương Văn Nhỏ là người tiên phong và có diện tích mai lớn nhất xã. Những người có nhu cầu trồng mai, ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn tận tình, ông là tấm gương sáng về CCB vượt khó, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn vươn lên phát triển.

Từ những ngày đầu rời quân ngũ với đôi bàn tay trắng, vượt qua khó khăn của những ngày đầu khởi nghiệp, với nghị lực, ý chí cùng bản lĩnh của mình, ông Lương Văn Nhỏ đã vươn lên phát triển kinh tế, chăm lo cho gia đình, tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần phát triển quê hương, tô thắm phẩm chất cao quý của người CCB, Bộ đội Cụ Hồ./.

Cát Tường

Chia sẻ bài viết