Tiếng Việt | English

12/05/2022 - 09:18

Khi đảng viên biên phòng về sinh hoạt tại chi bộ ấp các xã biên giới (Bài 4)

Sau nhiều năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1293 của Tỉnh ủy Long An về quy định tạm thời phân công đảng viên (ĐV) bộ đội biên phòng (BĐBP) tham gia sinh hoạt tại các chi bộ ấp khu vực đóng quân, năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng ở cơ sở ngày càng được nâng cao. Qua đó, góp phần xây dựng thế trận BP toàn dân, thế trận BP lòng dân ngày càng vững chắc, giữ cho biên giới luôn ổn định, đời sống người dân ngày một ấm no, hạnh phúc và xây dựng, củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân 2 nước Việt Nam - Campuchia.

Bài 4: Xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh từ cơ sở nơi biên giới

Từ khi đưa ĐV BP tham gia sinh hoạt tạm thời tại chi bộ ấp các xã biên giới, đặc biệt là sau gần 2 năm thực hiện chủ trương đưa cán bộ đồn biên phòng (ĐBP) tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã biên giới, sự năng nổ của ĐV BP cùng sự nỗ lực của chính quyền địa phương góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng ở cơ sở. Từ đó, tạo động lực cho các địa phương thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết, phát triển KT - XH và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

 

Bộ đội biên phòng trao tặng nhà cho người dân gặp khó khăn

Sinh hoạt chi bộ đi vào nề nếp, có trọng tâm, trọng điểm

Chi bộ ấp 4, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An gần 10 năm qua đã quá quen thuộc với hình ảnh Trung tá Nguyễn Văn Hô - Đội phó Đội Vận động quần chúng, ĐBP Cửa khẩu Mỹ Quý Tây, trong trang phục quân hàm xanh tham gia vào các cuộc sinh hoạt chi bộ ấp hàng tháng. Tại các cuộc sinh hoạt chi bộ, Trung tá Hô luôn là người phát biểu nhiều nhất và cũng là một trong những ĐV đi sớm nhất của chi bộ.

“Với mỗi người ĐV BP như chúng tôi, trước khi tham gia sinh hoạt chi bộ đều phải có kế hoạch cụ thể, tháng này đóng góp nội dung gì, tuyên truyền những gì hay phổ biến những quy định mới nào tới các ĐV trong cuộc họp chi bộ ấp. Kế hoạch này cũng phải có sự góp ý của Đảng ủy, Ban Chỉ huy đồn để kịp thời bổ sung hay điều chỉnh cho phù hợp với thực tế tình hình biên giới. Và khi kết thúc các cuộc họp, chi bộ chúng tôi cũng phải có báo cáo gửi Đảng ủy, Ban Chỉ huy đồn. Chúng tôi vẫn thường gọi vui là đi có kế hoạch, về có báo cáo. Trong một kỳ họp chi bộ ấp, chúng tôi vẫn luôn duy trì nề nếp tác phong trong quân ngũ, phải là những người đi sớm nhất để hình thành thói quen cho bản thân và làm gương trước chi bộ” - Trung tá Nguyễn Văn Hô cho biết.

Cũng từ tác phong, trách nhiệm của những ĐV BP, chất lượng các cuộc họp chi bộ tại ấp 4, xã Mỹ Quý Tây được nâng lên rất nhiều. Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 4 - Võ Thành Sơn khẳng định: “Vai trò của ĐV BP khi tham gia sinh hoạt chi bộ ấp rất đáng trân trọng. Đó không chỉ là những thông tin kịp thời về các vấn đề liên quan đến biên giới mà ngay cả những đóng góp của các ĐV BP còn giúp chi bộ xây dựng nghị quyết hàng tháng chất lượng hơn, sát với thực tế. Từ tác phong, thái độ của các ĐV BP cũng giúp chi bộ chấn chỉnh việc sinh hoạt chi bộ, đưa vào nề nếp”.

Còn tại Chi bộ ấp Hà Long, xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, từ ngày Thiếu tá Kiều Thành Phê - nhân viên Quân y, ĐBP Sông Trăng, về sinh hoạt đã góp phần nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng, các nghị quyết chi bộ đưa ra đều sát với thực tế, nhận được sự đồng thuận cao trong chi bộ cũng như hiệu quả trong triển khai, thực hiện.

Thực tế cho thấy, qua hơn 9 năm thực hiện Quyết định 1293, các chi bộ sau khi có ĐV BP về sinh hoạt, trong xây dựng nội dung sinh hoạt của chi bộ đã đi vào trọng tâm, trọng điểm, khắc phục được sự dàn trải trong việc ra nghị quyết. Các ĐV BP tham gia sinh hoạt đảng cũng giúp chi bộ chấn chỉnh thời gian các buổi sinh hoạt.

Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Hưng Hà - Đỗ Đình Sắc thông tin: “Từ hiệu quả của việc cử ĐV BP tham gia sinh hoạt chi bộ tại ấp, cấp ủy trên địa bàn xã, góp phần xây dựng chi bộ các ấp trong sạch, vững mạnh, tăng sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng. Chúng tôi xác định luôn quan tâm, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để ĐV ĐBP tham gia sinh hoạt tại chi bộ ấp, cấp ủy xã để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt việc phối hợp, trao đổi thông tin, cùng nhau giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh liên quan đến tình hình an ninh biên giới trên địa bàn và huy động được sức mạnh tổng hợp trong thực hiện phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới cũng như trong phát triển KT - XH tại địa phương”.

Tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới

Ấp 6, xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ từng là địa bàn biên giới khó khăn khi số hộ nghèo còn nhiều, tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, bộ mặt nông thôn trên địa bàn ấp có nhiều thay đổi, đời sống người dân từng bước được nâng lên. Trong câu chuyện giảm nghèo của ấp, ông Phan Thanh Bình - Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp, vẫn không ngừng khen sự giúp đỡ của lực lượng BP. Đó là câu chuyện về gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Phương, gia đình ông Nguyễn Văn Tiến vươn lên thoát nghèo từ những nỗ lực của 2 đồng chí ĐV BP tham gia phụ trách hộ gia đình, hay trường hợp khó khăn về nhà ở của ông Tô Văn Khăng được giúp đỡ.

Cán bộ, đảng viên Bộ đội Biên phòng thường xuyên đến thăm, động viên các hộ khó khăn vươn lên trong cuộc sống

“Cứ huy động được nguồn lực, lực lượng BP lại liên hệ với ấp để hỗ trợ đúng đối tượng, đặc biệt là hộ nghèo, hộ khó khăn. Thậm chí, mỗi dịp lễ, tết, các đồng chí tại Trạm kiểm soát BP Voi Đình, ĐBP Mỹ Quý Tây còn trích một phần phụ cấp để thăm hỏi, động viên gia đình chính sách. Những phần quà tuy nhỏ nhưng rất ấm lòng, gắn bó nghĩa tình quân - dân nơi biên giới” - ông Phan Thanh Bình cho biết.

Theo ông Bình, với đường biên giới qua địa bàn ấp dài 4,7km nên những năm qua, từ công tác tuyên truyền, vận động, người dân trên địa bàn ấp 6 nỗ lực bám biên vừa phát triển sản xuất, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Hiện ấp cũng xây dựng được tổ bảo vệ tự quản đường biên, cột mốc với 40 người tham gia. “Trong mọi hoạt động, chúng tôi cũng thường xuyên thông tin cho lực lượng BP. Như trong giai đoạn thực hiện Chỉ thị 16-CT/TTg, người dân trong ấp phát hiện 2 trường hợp có dấu hiệu nhập cảnh trái phép qua biên giới liền thông báo ngay cho lực lượng BP xử lý” - ông Bình thông tin.

Hay tại ĐBP Mỹ Thạnh Tây, nhiều năm qua, từ việc cử ĐV tham gia phụ trách hộ gia đình đã xây dựng được nhiều mô hình, phần việc ý nghĩa. Thiếu tá Bùi Ngọc Thiệp - Chính trị viên ĐBP Mỹ Thạnh Tây, cho biết: “Hiện đơn vị vẫn duy trì hiệu quả các mô hình như Mỗi tuần một địa chỉ, xây nhà tình thương cho hộ nghèo, phân công đoàn viên, thanh niên đỡ đầu gia đình khó khăn, cùng các phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới vừa phát triển KT - XH, thực hiện công tác an sinh xã hội tại địa phương góp phần giúp các hộ khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, trong số 9 hộ do ĐV của đơn vị phụ trách đã có 5 hộ vươn lên thoát nghèo và dự kiến đến cuối năm nay, đơn vị sẽ xây dựng thêm 3 căn nhà tình thương giúp các hộ khó khăn về nhà ở”.

Với những đóng góp của lực lượng BĐBP cùng sự nỗ lực vượt khó của chính quyền và người dân các xã biên giới, đến nay, bộ mặt các xã biên giới đã có nhiều đổi thay vượt bậc, nhiều xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới như Khánh Hưng, Bình Tân, Bình Hiệp, Thạnh Trị,... và sắp tới sẽ là Mỹ Thạnh Tây.

Theo đánh giá của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và cấp ủy các địa phương, trong thực hiện Quyết định 1293, hầu hết đảng viên ĐBP đều tham dự đầy đủ các hội nghị chi ủy và sinh hoạt chi bộ định kỳ, khi vắng đều báo cáo, xin phép chi bộ. Trong sinh hoạt, ĐV BP luôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia; kịp thời thông tin tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn và khu vực biên giới cho chi bộ ấp cũng như tích cực đóng góp ý kiến vào nội dung sinh hoạt và các dự thảo nghị quyết của chi bộ, góp phần xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh.

Trong đó, các ĐV BP khi tham gia sinh hoạt đã kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chi bộ ấp trong công tác dân vận, đối ngoại nhân dân, lãnh đạo công tác quốc phòng - an ninh, giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới; vận động quần chúng nhân dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc, phát triển KT - XH trên địa bàn, nhất là xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới. Đồng thời, xây dựng mối quan hệ công tác chặt chẽ giữa đảng ủy các xã biên giới, chi bộ ấp với cấp ủy, ban chỉ huy các ĐBP./.

Ngoài thực hiện đưa ĐV BP tham gia sinh hoạt tạm thời tại chi bộ các xã biên giới và tham gia cấp ủy các cấp, từ năm 2018 đến nay, thực hiện Chỉ thị 681 của Đảng ủy Bộ Tư lệnh BĐBP, các ĐBP trong toàn tỉnh còn cử 163 ĐV tham gia phụ trách 694 hộ gia đình tại các xã biên giới, góp phần không nhỏ trong phát triển KT-XH ở địa phương.

(còn tiếp)

Kiên Định - Văn Đát

Bài cuối: TẠO DỰNG THẾ TRẬN BIÊN PHÒNG TOÀN DÂN VỮNG MẠNH

Chia sẻ bài viết