Tiếng Việt | English

02/09/2020 - 10:05

Khi đời sống tinh thần được nâng lên

Những năm gần đây, hình ảnh các tuyến đường lầy lội dần lui vào quá khứ, thay vào đó là đường giao thông được trải nhựa, tráng bêtông. Trường học, trạm y tế,… tại vùng sâu cũng “mọc lên” lần lượt. Người dân quê giờ đây có thể tiếp cận thông tin qua tivi, Internet và tham gia các câu lạc bộ sở thích để làm phong phú đời sống tinh thần. Cuộc sống đang dần thay đổi theo hướng ngày càng tích cực hơn.

Người dân Mỹ Thạnh Đông không ai bảo ai, tự trồng và chăm sóc hoa dọc các tuyến đường

Người dân Mỹ Thạnh Đông không ai bảo ai, tự trồng và chăm sóc hoa dọc các tuyến đường

Tuyến đường hoa vùng biên giới

Chỉ hàng hoa tươi đang khoe sắc hai bên đường, bà Võ Thị Cẩm (ấp 3, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) kể: “Bông này do người dân sống dọc tuyến đường tự trồng, tự tưới nước để làm đẹp con đường. Người này thấy người kia làm rồi làm theo. Có nhiều người không chỉ trồng trước cửa nhà mình mà còn trồng dài theo con đường một đoạn xa lắm”. Từ khi Mỹ Thạnh Đông xây dựng thành công xã văn hóa, nông thôn mới, đời sống người dân trong xã có nhiều thay đổi cả về vật chất lẫn tinh thần. Đường giao thông nông thôn được tráng bêtông, chấm dứt ám ảnh nắng bụi, mưa lầy. Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp có mặt ở tất cả các ấp, vừa tạo mỹ quan, vừa góp phần bảo đảm an ninh, trật tự.

Người dân được tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình, đời sống kinh tế từng bước được nâng lên. Hộ nghèo của xã giảm còn 2,55%. Khi đời sống vật chất ổn định, đời sống tinh thần của người dân cũng được nâng cao. Toàn xã có 5 đội bóng chuyền, 5 đội bóng đá, 5 đội văn nghệ và 3 đội thể dục dưỡng sinh. Tất cả đều duy trì sinh hoạt thường xuyên cho đến khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Bà Cẩm cũng là thành viên của câu lạc bộ dưỡng sinh ở ấp 3. Tuy nhiên thời gian gần đây, bà không tham gia nữa mà luyện tập tại nhà, một phần do sức khỏe, phần do e ngại tình hình dịch bệnh. Bà nói: “Mỗi sáng tôi tập dưỡng sinh, còn ông nhà thì đi bộ để giữ gìn sức khỏe”.

Vợ chồng bà Cẩm vẫn giữ thói quen theo dõi tin tức trên tivi mỗi ngày, nhờ vậy ông bà luôn cập nhật những thông tin mới nhất, biện pháp phòng tránh để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Giờ đây, người dân Mỹ Thạnh Đông hầu như nhà nào cũng có tivi, Internet, nhiều gia đình lắp đặt wifi. Đó là điều dễ dàng tìm thấy ở hầu hết các làng quê trong tỉnh khi phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ngày càng phát triển.

Câu lạc bộ Đờn ca tài tử của xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa được duy trì, phát triển qua nhiều năm (ảnh TL)

Câu lạc bộ Đờn ca tài tử của xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa được duy trì, phát triển qua nhiều năm (ảnh TL)

Đời sống tinh thần được nâng lên

Đến các xã vùng sâu, vùng xa ngày nay đều thấy cuộc sống người dân có nhiều thay đổi. Những công trình mới lần lượt được xây dựng và các câu lạc bộ sở thích vẫn duy trì sinh hoạt thường xuyên. Tại xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh, mỗi ngày, những người lớn tuổi trong xã vẫn đều đặn đến Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng cùng nhau chơi bóng bàn, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa giúp tinh thần thoải mái hơn.

Câu lạc bộ Đờn ca tài tử của xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa cũng được duy trì, phát triển qua nhiều năm. Dù công việc bận bịu, người dân vẫn giữ thói quen ngồi lại với nhau một vài lần trong tháng. Đó là minh chứng cụ thể cho những chuyển biến tích cực về đời sống tinh thần của nhân dân, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu những năm trở lại đây. Không chỉ được hỗ trợ phát triển kinh tế, người dân còn có điều kiện nâng cao chất lượng đời sống tinh thần.

Chủ tịch UBND xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức - Đặng Thanh Phương cho biết, những năm trở lại đây, Nhựt Chánh có nhiều thay đổi. Ngoài việc tăng thu nhập và kết cấu hạ tầng được đầu tư thì ý thức và trách nhiệm cộng đồng của người dân cũng được nâng lên. Nhiều mạnh thường quân sẵn sàng đóng góp kinh phí xây dựng các công trình tại địa phương hoặc đều đặn tặng quà, học bổng cho học sinh nghèo học giỏi tại xã. Ông Nguyễn Hữu Cầu, ngụ ấp 3, xã Nhựt Chánh, là một người như vậy. Lớn lên trong vất vả, khó khăn, muốn theo đuổi việc học cũng không hề đơn giản nên khi ổn định cuộc sống, ông tâm huyết với việc đầu tư cho thế hệ sau.

Câu lạc bộ Bóng bàn tại xã Bắc Hòa giúp người cao tuổi vừa rèn luyện sức khỏe, vừa giúp tinh thần thoải mái hơn

Câu lạc bộ Bóng bàn tại xã Bắc Hòa giúp người cao tuổi vừa rèn luyện sức khỏe, vừa giúp tinh thần thoải mái hơn

Năm nào cũng vậy, ông cùng gia đình vừa hỗ trợ, vừa vận động kinh phí tặng quà cho học sinh nghèo trong xã nhân dịp năm học mới. Nói về việc làm của mình, ông tâm sự: “Ngày xưa gia đình tôi nghèo lắm, đi học khó khăn, vất vả nên giờ nghĩ tới mấy cháu tôi thấy thương. Chỉ có đi học mới giúp các cháu có một tương lai ổn định mà thôi”. Ngoài tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, gia đình ông Cầu còn nhiệt tình đóng góp cho các công trình đường, thắp sáng tại địa phương. Nhờ những người dân như ông Cầu mà các công trình có nguồn vốn xã hội hóa lần lượt “mọc lên” tại khắp các địa phương. Những con đường mới được cứng hóa, bêtông hóa lần lượt có mặt tại những xã khó khăn, vùng biên giới.

Tính đến hiện tại, toàn tỉnh có 125/188 xã đạt chuẩn văn hóa, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 97,8% ấp, khu phố văn hóa; 97,3% gia đình đạt chuẩn văn hóa. Con số đó phần nào minh chứng cho sự nâng lên của đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Điều đó được thể hiện bằng niềm vui của trẻ thơ khi được nhận quà động viên đầu năm học mới, bằng bữa cơm đầm ấm trong các gia đình và bằng những luống hoa rực rỡ trên các tuyến đường quê.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết