Tiếng Việt | English

09/09/2020 - 14:35

Khi phụ nữ làm kinh tế

Dám nghĩ, dám làm, không ngại gian khổ, đầy nghị lực vươn lên,... không những giúp bà Phạm Thị Nga, ngụ khu phố 3, thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, ổn định cuộc sống mà còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn.

Cơ sở làm xơ dừa và chậu kiểng của bà Phạm Thị Nga (bìa trái) giải quyết việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương, thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng

Cơ sở làm xơ dừa và chậu kiểng của bà Phạm Thị Nga (bìa trái) giải quyết việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương, thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng

Trước đây, gia đình bà Nga sống lênh đênh trên sông nước bằng nghề chở thuê nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhất là các con không được đến trường như các bạn cùng trang lứa. Không cam chịu số phận, bà luôn trăn trở tìm cách thoát nghèo. Nghĩ là làm, bà mạnh dạn mượn tiền người thân mua xơ dừa tại tỉnh Bến Tre và bán cho tiểu thương ở các tỉnh miền Tây thay vì chở thuê như trước. Sau một thời gian, bà dành dụm được một số vốn, quyết định bán ghe lên bờ thành lập cơ sở chuyên bán xơ dừa.

Bà Nga chia sẻ: “Khi mới lên bờ, gia đình tôi chỉ có 4 người làm, khách hàng chủ yếu ở huyện Tân Thạnh; số tiền mở nhà ủ xơ dừa và mua nguyên liệu cũng đi vay mượn. Nhờ làm ăn uy tín, không sử dụng hóa chất, xơ dừa làm ra được nhà nông đón nhận. Đến nay, cơ sở của tôi
không ngừng mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ, giải quyết việc làm thường xuyên cho 25 lao động với thu nhập 9 triệu đồng/người/tháng”.

Hiện nay, xơ dừa được sử dụng nhiều trong ngành Nông nghiệp như ươm, chiết, trồng rau thủy canh và các loại lan,... Xơ dừa được trộn chung phân bò và trấu có tác dụng cải tạo tình trạng hoang hóa - xơ chai của đất; duy trì độ ẩm và tăng dinh dưỡng cho đất; thúc đẩy sự phát triển của bộ rễ và giúp tăng trưởng cây,... Giá bán dao động từ 26.000-55.000 đồng/bao, tùy theo kích cỡ. Ông Bùi Văn Sơn, ngụ ấp Tân Chánh A, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, cho biết: “Gia đình tôi trồng mướp, khổ qua trên 5.000m2 đất. Trước khi bỏ hạt giống, gia đình tôi thường dùng xơ dừa để làm phân. Kết quả, hạt giống nảy mầm tốt, không bị hư, rễ ăn sâu vào lòng đất,...”.

Do nguyên liệu làm xơ dừa mua tại tỉnh Bến Tre, mỗi chuyến đi phải thuê ghe hàng chục tấn, trong khi đó, nguồn vốn lưu động của bà Nga không nhiều nên phải vay mượn bên ngoài với lãi suất cao, còn thuê ghe chở ít thì tốn chi phí nhiều, mất thời gian. Vì vậy, bà Nga mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 100 triệu đồng đầu tư mua nguyên liệu. Nhờ đó, bà giải được bài toán khó về nguồn vốn mua nguyên liệu, góp phần tạo việc làm thường xuyên cho người lao động.

Bà Cao Thị Biền, ngụ ấp Kênh Giữa, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, chia sẻ: “Trước đây, tôi đi làm thời vụ cho các công ty nên thu nhập bấp bênh. Từ khi vào cơ sở của bà Nga làm việc, thu nhập ổn định, không còn phải đi làm xa nhà, có thời gian chăm sóc gia đình”.

Khi việc sản xuất xơ dừa đi vào ổn định, bà nhận thấy nhiều khách hàng mua xơ dừa thường có nhu cầu mua thêm chậu kiểng. Vì vậy, bà tiếp tục làm thêm chậu kiểng. Từ làm xơ dừa và chậu kiểng đã đem về thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng cho gia đình bà. Điều này khẳng định, khi phụ nữ quyết tâm làm kinh tế cũng chẳng thua nam giới, vì dám đương đầu với thử thách, khó khăn để khẳng định mình như bà Nga từng làm./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết