Tiếng Việt | English

18/01/2020 - 10:35

Khi tòa án không còn vành móng ngựa

Chiếc vành móng ngựa - một biểu tượng trong các phiên tòa hình sự đã hoàn thành "sứ mệnh", nằm chỏng chơ trong một góc kho của các tòa án. Ít ai biết rằng, trong suốt quá trình tồn tại, chiếc vành móng ngựa gắn với bao câu chuyện chốn pháp đình.

Trước đây, tất cả những bản án hình sự và có rất nhiều bản án tử hình đã được tuyên đối với các bị cáo đứng trước vành móng ngựa này.

Chiếc vành móng ngựa - Một biểu tượng của các phiên tòa hình sự 

Dù chưa một lần đến tòa án nhưng có lẽ bất kỳ ai khi có dịp tham dự các phiên tòa đều có thể phân biệt được đó là phiên tòa hình sự xét xử các bị cáo hay là một phiên tòa khác, chỉ bằng chiếc vành móng ngựa.

Cách đây vài năm, khi 2 ngành tòa án và viện kiểm sát còn phối hợp thường xuyên đưa các vụ án hình sự ra xét xử lưu động, một anh thư ký hay than với tôi việc khổ nhất là phiên tòa nào cũng phải mang theo chiếc vành móng ngựa để xét xử. Bởi, khi đi xét xử lưu động, địa phương dù đã chuẩn bị rất tốt tất cả phương tiện, vật dụng phục vụ phiên tòa nhưng cũng không thể kiếm đâu ra được chiếc vành móng ngựa, một vật dụng vốn chỉ có riêng chốn pháp đình. 

Tôi còn nhớ vụ án xảy ra cách đây 4 năm, khi ấy, bị cáo Nguyễn Hoàng Nam, 24 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Hưng, ra tay giết người sau mâu thuẫn nhỏ. Khi phiên tòa còn chưa bắt đầu, một mình bị cáo cùng mấy anh cảnh vệ trong căn phòng xét xử lớn của tòa án, trái với hành động hung hăng khi dùng kéo đâm chết nạn nhân, ngày ra tòa, bị cáo tỏ rõ sự lúng túng, sợ sệt khi trước vành móng ngựa dù đó chỉ là một vật vô tri, vô giác. Rồi hàng trăm vụ án khác, dù mỗi bị cáo và nội dung vụ án khác nhau nhưng có một điểm chung về tâm trạng khi phải đứng trước vành móng ngựa. Cũng giống như biểu trưng của ngành Tòa án nhân dân Việt Nam với trung tâm là hình tượng cán cân công lý và thanh kiếm chúc mũi xuống dưới thể hiện ý nghĩa bảo đảm sự công bằng, chính xác, tính khoan dung, lấy răn đe, phòng ngừa và giáo dục là chính thì chiếc vành móng ngựa cũng thể hiện hàm ý bao bọc, chở che cho những người chưa được xem là tội phạm trước định kiến và chính nó sẽ là vật cách ly cái xấu, nơi tội ác sẽ phải trả giá trước pháp luật. Hình ảnh chiếc vành móng ngựa dường như đã trở thành biểu tượng trong các vụ xử án hình sự. 

Bục khai báo thay thế cho vành móng ngựa 

Trong cuộc sống thường ngày, đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp câu nói “đứng trước vành móng ngựa” thể hiện cho sự đền tội, trả giá lỗi lầm, một sự định hình, mặc nhiên của người được xem như là có tội. Đối với tôi cũng vậy, 6 năm qua, được phân công theo dõi mảng tòa án, chứng kiến hàng trăm phiên tòa xét xử, hình ảnh chiếc vành móng ngựa đã gắn chặt vào trong từng bài viết. Nhưng dần dần, hình ảnh chiếc vành móng ngựa cũng ám ảnh tôi, nhất là khi nghe đâu đó về các vụ án oan xảy ra trong thời gian qua. 

Đã có rất nhiều ý kiến phản đối, yêu cầu thay đổi chiếc vành móng ngựa bằng bục khai báo để thể hiện rõ “nguyên tắc suy đoán vô tội” khi không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Và chiếc bục khai báo đã thay thế cho chiếc vành móng ngựa để thể hiện tinh thần ấy cũng giống như chiếc áo sọc đen trắng (trang phục của phạm nhân) vốn trước đây dành cho các bị cáo khi ra tòa, nay đã được thay bằng trang phục phù hợp. Hay như cách nói của Thẩm phán Lê Kim Dung - Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân tỉnh: “Những thay đổi đó giúp việc xét xử được nhẹ nhàng hơn, bảo đảm quyền lợi đầy đủ của các bị cáo. Nó thể hiện đầy đủ tinh thần suy đoán vô tội theo quy định của pháp luật”.

Việc thay thế vành móng ngựa bằng bục khai báo vừa thể hiện tính nhân văn, bảo đảm quyền con người nhưng vẫn thể hiện được tính nghiêm minh, thượng tôn pháp luật. Tôi còn nhớ, phiên tòa cuối tháng 5-2019, lần đầu tiên một bản án rất nghiêm khắc với 2 án tử hình, 1 án trên 20 năm tù được tuyên cho các bị cáo trong đường dân buôn bán, vận chuyển ma túy, khi không còn chiếc vành móng ngựa. Lịch sử các phiên tòa hình sự đã sang trang khi chiếc bục khai báo được thay thế cho chiếc vành móng ngựa. Những chiếc vành móng ngựa vẫn còn tại các tòa án nhưng nằm chỏng chơ trong góc kho. Nó đã hoàn thành "sứ mệnh" cùng một giai đoạn dài của ngành tòa án, chứng kiến bao chuyện vui, buồn chốn pháp đình. Việc thay thế bằng bục khai báo có lẽ là hợp lý hơn theo quan điểm của các nhà lập pháp. Cũng giống như chiếc áo choàng của thẩm phán để tăng tính uy nghiêm trong các phiên xử, nhân danh công lý đưa ra những phán quyết công tâm. Và cũng bắt đầu từ đầu năm 2018 đến nay, tại các phiên xử của Tòa án nhân dân các cấp đã không còn hình ảnh chiếc vành móng ngựa quen thuộc khi xưa.

Có lẽ, trong nhiều năm tới, dù không còn tồn tại nhưng chiếc vành móng ngựa sẽ vẫn còn được nhắc đến khi một ai đó lỡ lầm phải trả giá bằng các bản án hình sự như một biểu tượng trong các phiên tòa hình sự, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật./.

Thụy Anh

Chia sẻ bài viết