Tiếng Việt | English

16/07/2016 - 14:37

Khi tranh Việt Nam chưa có lý lịch đúng nghĩa

Bức tranh mang tên: “Trừu tượng” được ký tên Tạ Tỵ - 1952, là tranh thật nhưng không phải của Tạ Tỵ, có thể nói như “quả bom” trong giới mỹ thuật Việt.

Chiều ngày 14/7, sau khi tận mắt chứng kiến bức tranh này, họa sĩ Thành Chương đã gửi email tới một số nhà báo, nhà nghiên cứu mỹ thuật: "Tôi là hoạ sĩ Thành Chương. Tôi khẳng định bức tranh "Trừu tượng" ký tên Tạ Tỵ năm 52 ở trong triển lãm về các hoạ sĩ Đông Dương "Những bức tranh từ Châu Âu trở về" đang được bày tại phòng tranh của Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, chính là của tôi. Họa sĩ Thành Chương chính là tác giả bức tranh đó. Tôi đã vẽ bức tranh đó vào khoảng năm 1970-1971"!!!

Bức tranh "Trừu tượng" họa sĩ Thành Chương khẳng định do mình vẽ từ những năm 1970-1971

Trước đó, giới họa sĩ chuyên nghiệp và nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam đều tỏ ý nghi ngờ bức tranh này với nghi vấn 50/50 là tranh giả - không phải của Tạ Tỵ. Và hiện giờ thì nó đang được họa sĩ Thành Chương khẳng định là tranh của mình, bị đổi tên và gán cho họa sĩ Tạ Tỵ, viết thêm số 52 vào bức tranh?

Đứng về mặt uy tín, danh tiếng, và cả phong cách sáng tác, thì trong giới chuyên môn đều tin vào sự khẳng định này, nhưng đứng về pháp lý thì chưa có gì để họa sĩ Thành Chương chứng minh đó là tranh của mình? Mà ngay cả bản thân ông cũng không nắm được hành trình “lưu lạc” và số phận của nó đã từng thuộc về ai trong suốt hơn 40 năm qua.

Ngay cả bảo tàng, nơi đáng lý công việc thẩm định và nắm hồ sơ tác phẩm phải thật cụ thể, chi tiết và có cơ sở pháp lý rõ ràng, thì gần như bị động theo sự vụ. Chỉ dựa vào uy tín và sự cam kết của cá nhân, dựa vào những tài liệu mà với những nhà chuyên môn trong giới sưu tầm tranh quốc tế thì khá sơ sài, thiếu những dữ liệu bảo chứng “lý lịch”.

Từ vụ việc cụ thể này, thấy rõ sự khiếm khuyết về quy chuẩn tranh Việt Nam (kể cả tác phẩm mỹ thuật Việt nói chung), là không có một “lý lịch” cho tranh đúng theo chuẩn quốc tế. Các bức tranh Việt Nam ngay cả trong các bảo tàng, cũng có lý lịch khá sơ sài, từ tác giả đến nguồn gốc….

Chưa nói đến tranh một khi được tặng - bán hay “lưu lạc” thì xem như mất dạng. Không ai biết cuộc sống tiếp theo của tác phẩm như thế nào, đang ở đâu, thuộc chủ nhân hay bộ sưu tập nào, tình trạng ra sao, giá trị có tăng thêm so với lúc đầu…? Giá trị đó có được ngân hàng uy tín nào bảo chứng khi nó trở thành “tài sản” đặc biệt? Hay mức bảo hiểm của tranh?

Ngoài ra, tranh Việt, nhất là tranh của các họa sĩ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương hay các họa sĩ đương đại nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay, không có một chứng nhận của một cơ quan nào về số lượng bản tranh: độc bản hay có phiên bản của chính tác giả (không tính tranh chép).

Từ vụ việc “Những bức tranh từ châu Âu trở về”, rõ ràng các cơ quan có trách nhiệm cần phải xây dựng những quy chế chuẩn, để mỗi tác phẩm có một lý lịch chi tiết, cụ thể dễ thẩm định và định giá trị, tránh những chuyện giả - thật thiếu thuyết phục cả về chứng và lý như vừa xảy ra./.

Theo Hoài Hương/VOV.VN

Chia sẻ bài viết