Tiếng Việt | English

07/03/2016 - 09:04

Khối hành pháp có 18 "ghế" trong Quốc hội: Vẫn nhiều?

Nhiều ý kiến cho rằng nên giảm ĐBQH khối hành pháp, vì họ gánh nhiều việc quá. Tuy nhiên, một số cho rằng, họ là kênh cung cấp thông tin để làm luật sát thực tiễn

Theo Nghị quyết 1140/2016/UBTVQH13 dự kiến cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa XIV và số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV đã đưa ra số lượng ĐBQH khóa XIV ở Trung ương là 198 đại biểu, bằng 39,6%. Trong đó, cơ cấu, thành phần được dự kiến phân bổ là: các cơ quan Đảng 11 đại biểu; cơ quan Chủ tịch nước 3 đại biểu; các cơ quan của Quốc hội (ĐBQH chuyên trách ở Trung ương) 114 đại biểu, trong đó dự kiến khoảng 20% đại biểu là phụ nữ và khoảng 10% đại biểu là người dân tộc thiểu số; Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ là 18 đại biểu…

ĐBQH khối hành pháp “gánh” nhiều việc quá

Về cơ cấu ĐBQH của Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ là 18 đại biểu, nhiều ý kiến cho rằng, con số này nên giảm xuống.

Ông Trần Hoàng Thám, nguyên Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng, các cơ quan hành pháp nên tham gia Quốc hội ít thôi vì những người này rất khó có thời gian để thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH. Hãy nâng lên số đại biểu với tiêu chuẩn ấy mà thuộc về các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan chuyên ngành về Luật pháp như Hội Luật gia, Văn phòng Luật sư, những đơn vị kinh tế … để họ có điều kiện tham gia đóng góp nhiều hơn trong Quốc hội.

“Cơ quan hành pháp chỉ cần 9 người là đủ. Phần giảm số đại biểu cơ quan hành pháp nên để tăng cho đại biểu chuyên trách và các tổ chức chính trị-xã hội”- ông Thám đề nghị.

TS Phạm Huy Thông, Phó Chủ tịch Ủy ban đoàn kết công giáo TP Hà Nội

TS Phạm Huy Thông, Phó Chủ tịch Ủy ban đoàn kết công giáo TP Hà Nội cũng cho rằng, nếu phân bổ cơ cấu 18 người thuộc Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ là hơi nhiều. Bản thân những người này hiện nay đang phải đảm nhiệm rất nhiều việc, nếu họ phải đi họp nhiều, e rằng không đảm bảo công việc được gánh vác. Còn nếu họ nghỉ họp thì chất lượng các phiên họp cũng sẽ không đảm bảo. Mặt khác, họ đang làm việc ở các cơ quan hành pháp, thì tiếng nói của họ khi đóng góp cho mặt trận nhiều khi chưa thực sự thẳng thắn và quyết liệt, còn e ngại nhiều điều “tế nhị”.
“Theo tôi, số lượng Đại biểu Quốc hội trong Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ là chỉ nên là 10 người, số còn lại nên để dành cho đại biểu chuyên trách. Quốc hội khóa XIII có nhiều phiên họp đại biểu vắng nhiều quá, ghế trống nhiều. Nhiều đại biểu thuộc cơ quan hành pháp nghỉ họp vì bận điều hành công việc. Dần dần cũng tính tới việc nâng dần tỷ lệ cán bộ chuyên trách, vì hoạt động Quốc hội cần những đại biểu như vậy, họ đóng góp một cách chuyên nghiệp, công bằng, thẳng thắn hơn trong hoạt động của Quốc hội”- ông Phạm Huy Thông nói.

Bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, cơ cấu thành phần cũng cần tính toán hợp lý để tăng tính hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội. Bà Liên cũng đề nghị cần tăng đại biểu chuyên trách vì đại biểu chuyên trách là người có điều kiện nghiên cứu kỹ lưỡng về các luật, họ chuyên tâm khi không phải làm nhiều việc cùng một lúc.

Bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam

“Nên tăng số lượng đại biểu chuyên trách, họ như những người có nhiều thời gian và chuyên tâm hơn trong hoạt động của Quốc hội. Số đại biểu chuyên trách nên chiếm 1/3 số lượng ĐBQH, như thế hoạt động của đại biểu Quốc hội ngày càng hiệu quả hơn”- bà Liên đề nghị.

Số ĐBQH khối hành pháp phải hợp lý mới có thông tin làm luật

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, con số 18 đại biểu trong các cơ quan của Chính phủ không phải là nhiều, cần phải có một con số hợp lý thì mới có đủ thông tin để làm luật sát thực tiễn.

Ông Lê Văn Thông, cán bộ hưu trí ở phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội cho rằng, 18 đại biểu trong Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ là con số phù hợp so với các khối khác. Đơn cử so với Văn phòng Chủ tịch nước, có hẳn 3 ĐBQH trong khi khối công việc so với các khối khác nhẹ hơn rất nhiều. Các đại biểu khối hành pháp rất quan trọng vì họ nắm các thông tin về tình hình kinh tế-xã hội và nhiều lĩnh vực khác của đất nước. Khi xây dựng luật, rất cần những thông tin này để luật được sát thực tế.

“Nếu có giảm nên giảm ở một số khối khác như Chính phủ, có cần thiết phải đến 3 đại biểu không, nếu đi họp hết thì ai sẽ chỉ đạo công việc ở cơ quan. Hoặc giảm ĐBQH là Chủ tịch UBND ở các địa phương, họ đã phải đảm nhận công việc khá nặng của địa phương, nếu họ bỏ ra một năm vài tháng đi họp Quốc hội thì ai sẽ điều hành công tác ở tỉnh, thành đó?”- ông Thông đề nghị.

Theo ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, số lượng ĐBQH khối hành pháp trong Quốc hội là 18 người là hợp lý. Ông Pha phân tích, 18 người trong khối Chính phủ thì có 3 người trong khối các cơ quan báo chí, 5 người trong thường trực Chính phủ, còn 9 người trong 30 Bộ ngành. Quốc của ta chưa phải là chuyên trách 100% quá trình làm luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước nếu không có những người cơ quan hành pháp thì Quốc hội sẽ không có đủ thông tin để làm luật sát thực tiễn.

“Hay như trong quá trình quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước thì có thể cung cấp thông tin từ điều hành của Chính phủ và các Bộ ngành. Việc có khối hành pháp một cách hợp lý trong Quốc hội đối với chúng ta là cần thiết”- ông Pha nói.

Theo ông Pha, việc giảm hành pháp thì giảm ở các địa phương như Chủ tịch UBND, Giám đốc các Sở… “Cần hạn chế tối đa việc giới thiệu những người này ứng cử ĐBQH để tránh việc họ bỏ các tháng trời công việc địa phương để họp Quốc hội”./.

Minh Hòa/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết