Tiếng Việt | English

20/04/2016 - 09:38

Nâng chất xã văn hóa

Khơi nguồn từ ý thức

Những con đường sạch đẹp, những mái ấm bình yên đến sự phát triển của đời sống hôm nay ở các xã, phường, thị trấn văn hóa đều thêu dệt nên từ sức mạnh người dân. Vì vậy, để nâng chất xã, phường, thị trấn văn hóa, phải nâng cao ý thức người dân - những chủ thể chính trên chặng đường xây dựng quê hương.


Cần đổi mới hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong xây dựng xã văn hóa

Phải có nền tảng vững chắc

Nền tảng xây dựng, gìn giữ danh hiệu xã, phường, thị trấn văn hóa chính là những công dân tốt, các gia đình văn hóa. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 97% gia đình đạt chuẩn văn hóa. Một con số khá cao nhưng quan trọng vẫn là chất, những gia đình này phải thật sự là gia đình hạnh phúc, có kinh tế ổn định thì mới là tế bào lành mạnh để xã hội phát triển tích cực. Như gia đình chị y tá Phan Thanh Thu, ở ấp Giồng Lớn, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An - một mái nhà trong ấm ngoài êm với kinh tế khá, các con ngoan ngoãn, có việc làm ổn định mà nhiều người mơ ước.

Cưới nhau từ năm 1984, vợ chồng chị Thu có 3 người con. Hiện tại, 2 cô con gái lớn có gia đình riêng và việc làm ổn định. Cậu con trai út đang học ngành Dược của Đại học Nguyễn Tất Thành. Các con nên người như ngày nay là cả quá trình nuôi nấng, dạy dỗ của mẹ cha. Chị Thu kể: “Suốt 20 năm, ông xã tôi công tác ở Quân khu 7. Mỗi tháng, anh về thăm gia đình một lần. Lần nào về, anh cũng xăn tay áo phụ vợ việc nhà. Những việc làm ấy tuy nhỏ nhưng là biểu hiện của yêu thương, chia sẻ nên dù sống xa nhau, vợ chồng tôi vẫn luôn tin tưởng nhau”.

Để chồng an tâm công tác, chị Thu cố gắng nuôi con thật tốt, lo chu tất việc nhà. Nhà không ruộng đất, ngoài tủ thuốc tây nhỏ, chị Thu còn may quần áo, móc len, chăn nuôi heo để kiếm thêm thu nhập. Cứ thế, các con lớn dần trong tình yêu, sự lo lắng của mẹ cha.

Đặc biệt, ngoài cố gắng để con có chữ, có nghề, các anh chị còn chú trọng dạy nhân cách cho con. Theo chị Thu, lúc nhỏ, chị dạy con lễ phép, biết kính trên nhường dưới, đi thưa về trình, chị em yêu thương nhau. Lớn lên, cha mẹ hay kể con nghe những gương hiếu học để con phấn đấu. Trong cuộc sống, vợ chồng có lúc cũng mâu thuẫn nhưng không để con biết mà nhẹ nhàng bảo nhau, tôn trọng nhau. Ngoài xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, vợ chồng còn tích cực tham gia công tác xã hội, gương mẫu thực hiện các phong trào do địa phương phát động để góp phần giữ gìn danh hiệu xã văn hóa.

Trong 5 năm (2010-2015), toàn tỉnh có gần 6.000 cá nhân được biểu dương khen thưởng trong phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của các ngành, các cấp. Đó là những người hiến đất làm đường, làm từ thiện, học tập và làm theo Bác,... để góp cho đời những điều tốt đẹp. Nông dân Nguyễn Văn Triều, ở ấp 4, xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức là một trường hợp như thế. Thấy tuyến đường liên ấp 4 và ấp 6 còn nhiều cây cầu xuống cấp, ông cùng người dân địa phương góp 50 ngày công lao động, xây dựng 3 cây cầu bắc qua các kênh ngang với kinh phí gần 100 triệu đồng; trong đó, có 1 cây cầu do ông và người em ruột bỏ tiền túi ra thực hiện. Nhìn học sinh vất vả đi, về trên tuyến đường Ba Dồn Nhỏ, ông lại vận động và cùng bà con góp tiền trải đá tuyến đường này.

Những con số gia đình văn hóa, người tốt việc tốt phải nâng lên, nhân rộng thêm để tạo một nền tảng vững chắc cho xã, phường, thị trấn văn hóa.


 Đổi mới hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân

Nâng chất từ ý thức

Chính con người là nền tảng, chủ thể của xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa nên muốn nâng chất các danh hiệu này phải nâng cao từ ý thức con người. Con đường thay đổi nhận thức chỉ có hình thức tuyên truyền là hiệu quả. Theo chị Nguyễn Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa: “Hội thường xuyên lồng ghép việc tuyên truyền xây dựng gia đình văn hóa, đời sống văn hóa vào các cuộc họp, mở hội nghị chuyên đề và phát tờ bướm”.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Phạm Văn Trấn, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân tuy có nhưng chưa mạnh cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Một số nơi, việc in ấn tài liệu, tờ bướm về xây dựng đời sống văn hóa còn hạn chế. Hình thức tuyên truyền chưa phong phú, chủ yếu qua hệ thống loa đài, lồng ghép sinh hoạt, thiếu tuyên truyền lưu động,... Để khơi nguồn ý thức, hình thức tuyên truyền phải đổi mới, đa dạng. Ngoài ra, lãnh đạo địa phương phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo gắn với thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Ngoài ra, nâng chất xã văn hóa sẽ nâng từ những tiêu chí xây dựng. Ông Phạm Văn Trấn thông tin, Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tham mưu UBND tỉnh ban hành bộ tiêu chí mới giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở thực tế địa phương. Theo dự thảo, sẽ có một số tiêu chí được nâng lên. Chẳng hạn, tiêu chí y tế bây giờ phải được công nhận đạt chuẩn theo bộ tiêu chí mới (2011-2020); trong xây dựng gia đình văn hóa, phải giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, ký cam kết thi đua xây dựng khu dân cư an toàn về an ninh chính trị. Ngoài ra, các hộ gia đình tự tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ không vi phạm quy định của Nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội,...

Bộ tiêu chí mới để nâng chất xã văn hóa sẽ ban hành trong năm 2016. Đây là nâng chất về chỉ tiêu thực hiện, còn xã văn hóa có nâng chất, có đúng chất hay không suy cho cùng vẫn là do ý thức và hành động của người dân quyết định./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích