Công nhân làm việc tại nhà máy sợi Huế thuộc Công ty Cổ phần Dệt may Huế (Thừa Thiên-Huế). (Ảnh: TTXVN)
Đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu đã và đang đem đến nhiều ảnh hưởng không mong muốn cho doanh nghiệp; trong đó, khủng hoảng tài chính là một trong những vấn đề nổi cộm nhất, quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.
Không ít doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền, khó có khả năng duy trì hoạt động bộ máy, trả nợ ngân hàng...
Trước những tác động tiêu cực đến doanh nghiệp, các gói cứu trợ đã được triển khai nhằm gia tăng tính thanh khoản, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua cơn bão COVID-19.
Theo một nghiên cứu toàn cầu mới đây của Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc (ACCA), các tổ chức dù ở quy mô lớn hay nhỏ, ở khu vực công hay tư, đều quan ngại về tác động của COVID-19 đối với người lao động, năng suất và dòng tiền; trong đó, những tác động nặng nề nhất là khó khăn của dòng tiền ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của doanh nghiệp.
Cũng theo nghiên cứu này, có tới 47% chuyên gia, giám đốc tài chính ở Việt Nam tham gia khảo sát cho biết các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn về dòng tiền ở thời kỳ hậu COVID-19.
Thực tế khó khăn ở nhiều doanh nghiệp, ngành hàng hiện nay cũng cho thấy điều này đang tác động nặng nề đến sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp.
Dòng tiền “đứt quãng”
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo của một doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ có trụ sở ở Bình Dương (xin được giấu tên) chia sẻ kể từ tháng 3/2020 đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hầu như chỉ diễn ra cầm chừng.
Cả hai thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ và châu Âu đều thông báo tạm ngừng nhập hàng, do lo ngại dịch COVID-19. Đến nay, đã có một số bang ở Hoa Kỳ thông báo mở cửa trở lại, thế nhưng hoạt động xuất khẩu vẫn còn khá im ắng.
Dây chuyền sản xuất da giày của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. (Ảnh: TTXVN)
Xuất khẩu bế tắc, doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm tới 70-80%, buộc doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, 60% lao động phải nghỉ việc.
Nợ cũ thì khách hàng yêu cầu lùi thời gian thanh toán cả vài tháng. Trong khi đó, công ty phải dùng một nguồn tiền lớn để lo cho người lao động nghỉ việc, trả lương cho lao động còn lại; đồng thời, trả lãi vay ngân hàng. Những điều này đang khiến dòng tiền của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Không chỉ riêng công ty này, nhiều doanh nghiệp trong ngành đồ gỗ, nội thất và một số ngành hàng xuất khẩu khác cũng trong tình trạng tương tự.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam bị kẹp chặt ở cả nguồn cung và nguồn cầu.
Đầu tháng 2, các doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu khi thị trường Trung Quốc đóng cửa. Từ tháng 3 đến nay thì phải đối mặt với việc đóng cửa hoặc hạn chế xuất khẩu ở các thị trường chính như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp không có nguồn thu để duy trì dòng tiền hoạt động, buộc phải vay ngân hàng để trả lương cho lao động.
Trong một báo cáo tình hình doanh nghiệp cuối tháng 4/2020, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho biết hầu hết các doanh nghiệp thủy sản ở cả 3 nhóm hàng tôm, cá tra và hải sản khai thác đều gặp khó khăn trong vấn đề tài chính.
Nguyên nhân là do doanh nghiệp thu hồi tiền hàng từ khách hàng rất chậm, trong khi doanh thu xuất khẩu giảm mạnh. Vì vậy, doanh nghiệp không xoay vòng được vốn và thanh toán các khoản vay ngân hàng.
Điều đáng nói, sự khó khăn của các ngành hàng cũng mang tới nguy cơ “đổ vỡ” cho các doanh nghiệp phụ trợ trong chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được xem là một trong những đối tượng chịu tác động gián tiếp nhưng hết sức nặng nề trong đại dịch COVID-19.
Theo ông Văn Nguyên Vũ, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất công nghiệp và thương mại Vít Việt, doanh nghiệp này đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và thu hồi công nợ cũng như không có tiền mua nguyên vật liệu đầu vào để triển khai kế hoạch hồi phục sản xuất.
Ông Vũ cho biết sản phẩm của công ty thường cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất và điện lạnh. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp nội thất không có đơn hàng xuất khẩu, không có doanh thu nên cũng không thanh toán công nợ cho doanh nghiệp cung ứng.
Bên cạnh đó, việc cung cấp vật tư cho các doanh nghiệp sản xuất đồ điện lạnh phục vụ các công trình cũng đang bị đình trệ theo các công trình bất động sản.
Ngành xây dựng, bất động sản đang gặp nhiều khó khăn khiến nhiều công trình bị ngừng thi công, sản phẩm cơ điện lạnh tiêu thụ chậm nên đầu ra cho sản phẩm của công ty cũng bị giảm theo.
Doanh nghiệp “ngủ đông”
Theo một báo cáo gần đây của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tổng hợp số liệu từ gần 570 doanh nghiệp trên HOSE và HNX (tương đương 90% vốn hóa hai sàn), kết quả kinh doanh quý I/2020 của các doanh nghiệp khá tiêu cực trên cả hai sàn. Thậm chí, xuất hiện một số doanh nghiệp niêm yết ghi nhận không có doanh thu trong quý 1.
Cụ thể, lợi nhuận lần lượt giảm 13% và 7% so với cùng kỳ trên cả HOSE và HNX. Các nhóm cổ phiếu cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tiêu cực, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Lợi nhuận của nhóm VN30 trong quý 1 giảm tới 11% so với cùng kỳ nếu loại bỏ sự đóng góp từ Công ty cổ phần Vinhomes (mã VHM).
Trong số 28 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh trong nhóm VN30, có tới 19 doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm.
Thống kê của VDSC cũng cho thấy, gần 2/3 số ngành nghề ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm. Kết quả kinh doanh đặc biệt tiêu cực ở một số nhóm ngành như du lịch và giải trí, dịch vụ tài chính, truyền thông và bảo hiểm.
Tăng trưởng lợi nhuận của hai nhóm ngành chính ngân hàng và bất động sản lần lượt là 2% và 28%. Tuy nhiên, lợi nhuận của bất động sản chỉ tăng trưởng dựa trên một vài cái tên như VHM, trong khi tăng trưởng lợi nhuận trung vị của ngành bất động sản là -24%.
Lợi nhuận của nhóm ngân hàng trong quý 1 ở mức thấp, do chi phí dự phòng nợ xấu tăng mạnh.
Dù thời điểm dịch bùng phát rơi vào tháng 3/2020, tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý 1 phần nào cũng thể hiện tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 lên các doanh nghiệp.
Doanh thu sụt giảm, dòng tiền “đứt gãy” khiến việc tiếp cận vay mới từ ngân hàng để hồi phục sản xuất của doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn.
Thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2020, cả nước có 41.755 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 5,6% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, có 22.696 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng tới 33,6%.
Một điểm đáng lưu ý nữa là so với cùng kỳ năm 2019, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở 16/17 lĩnh vực.
Điều này cho thấy xu hướng của doanh nghiệp hiện nay. Đó là “đóng băng” hoặc đưa doanh nghiệp vào tình trạng “ngủ đông” để nghe ngóng, xem xét diễn biến của dịch bệnh rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay “đóng cửa” doanh nghiệp, chứ chưa “đóng cửa” doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này. Tuy nhiên, doanh nghiệp “ngủ đông” nhưng vẫn cần một dòng tiền dự trữ nhất định để duy trì thanh khoản.
Những con số trên chỉ là “phần nổi” phản ánh thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, còn thực tế, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, không có doanh thu còn lớn hơn rất nhiều.
Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý 2/2020 được dự báo còn kém khả quan hơn, khi dịch bùng phát từ tháng 3 và những ảnh hưởng của dịch lúc này mới rõ ràng.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, vào thời điểm này rất nhiều doanh nghiệp lao đao, đầu vào không có nguyên vật liệu sản xuất, đầu ra không có thị trường để bán. Nguồn doanh thu bị sụt giảm mạnh, thậm chí có nhiều doanh nghiệp phải phá sản là điều khó tránh khỏi sau dịch COVID-19.
Trong trường hợp dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát từ quý 2/2020, tình hình kinh tế có thể ổn định bắt đầu từ quý 3, thì doanh nghiệp cũng không thể phục hồi ngay mà cần thời gian ít nhất một năm.
Nếu không được hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp cũng khó phục hồi được. Các chính sách cần hướng đến việc cải thiện khả năng thanh khoản, kéo dài khả năng chống đỡ của doanh nghiệp./.
Theo TTXVN