Tiếng Việt | English

02/08/2022 - 09:11

Không chủ quan, lơ là với dịch sốt xuất huyết

Thời gian gần đây, dịch sốt xuất huyết (SXH) trong cả nước tăng cao, nhất là các tỉnh phía Nam. Trước tình hình đó, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống, không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay là cao điểm mùa dịch SXH, số ca mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Nguyên nhân do dịch SXH có tính chất chu kỳ, thời điểm mùa hè thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, bọ gậy phát triển.

Bên cạnh đó, sự giao lưu đi lại của người dân cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt, còn chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Đối với các địa phương có ca mắc sốt xuất huyết, ngành Y tế tiến hành khoanh vùng và khử khuẩn tiêu diệt mầm bệnh, không để lây lan 

Trước tình hình này, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống, không để dịch SXH bùng phát trên diện rộng. Tính đến ngày 21/7/2022, toàn tỉnh Long An ghi nhận 5.690 ca mắc SXH (4.032 ca nội trú, 1.658 ca ngoại trú), tăng 4,3 lần so cùng kỳ năm 2021, tăng 2,5 lần so cùng kỳ năm 2019. Các địa phương có số ca mắc cao là huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa và TP.Tân An. Đối với các địa phương có ca mắc SXH, ngành Y tế tiến hành khoanh vùng và khử khuẩn tiêu diệt mầm bệnh, không để lây lan.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Huỳnh Hữu Dũng cho biết: “Công tác phòng, chống dịch bệnh SXH luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Viện Pasteur TP.HCM. Tỉnh rất quan tâm chỉ đạo trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân, trong đó ưu tiên công tác phòng, chống dịch bệnh. Đội ngũ cán bộ y tế và một số cộng tác viên tích cực tham gia phòng, chống dịch trong điều kiện khó khăn về địa lý, kinh phí hạn hẹp. Trong công tác phòng, chống dịch luôn thực hiện tốt đường dây nóng để tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới, nhất là trong xử lý dịch và điều trị ca khó”.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, công tác phòng, chống dịch SXH gặp một số khó khăn do dự báo tình hình dịch diễn biến phức tạp. Công tác xử lý ổ dịch gặp khó khăn ở những khu, cụm công nghiệp có nhiều nhà trọ, công nhân đi làm nên không phun thuốc diệt muỗi từng phòng trọ. Cán bộ chương trình SXH tuyến huyện, xã kiêm nhiệm nhiều chương trình và thay đổi mới liên tục nên chưa có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch.

Chung tay phòng, chống

Thời gian qua, số ca mắc SXH trên địa bàn huyện Đức Hòa tăng cao, kéo theo đó là số ổ dịch nhỏ tăng theo. Một trong những nguyên nhân gia tăng số ca mắc SXH là do Đức Hòa là huyện công nghiệp, dân cư tập trung đông đúc, điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, một số người mắc SXH nhưng nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh Covid-19 nên chủ quan, không đến các cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời. Từ đó, dẫn đến các ca mắc SXH nặng tăng so cùng kỳ năm 2021.

Thường xuyên súc rửa, thay nước các dụng cụ chứa nước sinh hoạt để diệt lăng quăng, ngăn chặn nguy cơ phát sinh dịch sốt xuất huyết

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đức Hòa - Lương Thị Hồng Thắm cho biết: “Để chủ động phòng, chống dịch SXH, ngay từ đầu tháng 3/2022, TTYT huyện tham mưu Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch huyện xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh SXH triển khai đến các xã, thị trấn, trong đó tập trung cao công tác tuyên truyền, tăng thời lượng, số lần phát sóng trên loa, đài. Từ đó, giúp người dân phát hiện sớm dấu hiệu mắc SXH, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, TTYT huyện cập nhật liên tục các ca mắc SXH trên phần mềm để có nhận định tình hình dịch kịp thời và phản hồi về các trạm y tế nhằm xử lý các ổ dịch sớm trong vòng 24 giờ đầu, hạn chế sự lây lan dịch trong cộng đồng. Đồng thời, tập trung xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ bằng cách diệt lăng quăng, phun hóa chất theo đúng quy trình”.

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên ý thức của người dân về phòng, chống dịch SXH từng bước được nâng cao. Ông Thi Văn Liệu (ấp Mới 1, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa) chia sẻ: “Qua tuyên truyền, tôi biết muỗi vằn là “thủ phạm” truyền virút gây bệnh SXH. Nếu không có lăng quăng, muỗi thì không có bệnh SXH. Vì vậy, tôi thường xuyên dọn dẹp các dụng cụ có chứa nước, những nơi ẩm thấp, nước đọng ao tù, không để muỗi có điều kiện sản sinh. Trong nhà không treo quần áo, vật dụng để muỗi trú đậu, đặc biệt là ngủ mùng bất kể ngày hay đêm”.

Hướng dẫn các cộng tác viên vãng gia từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết

Bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dễ dẫn đến SXH dạng nặng, có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong. Bộ Y tế dự báo số ca mắc SXH trong thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống. Chính vì thế, ngoài sự vào cuộc của ngành chức năng, mỗi người dân không chủ quan, lơ là mà cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống bệnh SXH để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng./.

Thời gian tới, ngành Y tế tỉnh tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là những ổ dịch cũ, ổ dịch đang triển khai, kiểm tra, giám sát chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai dập dịch đến tận các ấp, xã, phường; đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục về phòng, chống dịch bệnh SXH để người dân chủ động thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả; tổ chức tập huấn trực tuyến về công tác “giám sát và phòng, chống bệnh SXH” cho cán bộ tuyến huyện trên địa bàn toàn tỉnh. Cơ sở điều trị tăng cường giám sát huyết thanh, lấy mẫu các trường hợp bệnh SXH để xét nghiệm xác định tuýp virút lưu hành tại địa phương, có biện pháp chủ động trong công tác phòng, chống dịch. TTYT tuyến huyện tiếp tục theo dõi sát đường cong chuẩn dịch, phát hiện sớm các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch, chủ động thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất kịp thời, không để dịch lớn xảy ra”.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Huỳnh Hữu Dũng

Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện ghi nhận 632 ca mắc SXH (tăng gần 4 lần so cùng kỳ năm 2021), trong đó có 22 ca nặng. Vì vậy, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh SXH; tổ chức diệt lăng quăng; chú trọng công tác tập huấn, hướng dẫn xử lý môi trường cho cán bộ y tế phụ trách chương trình SXH và UBND các xã, thị trấn. UBND huyện thành lập đoàn giám sát các xã, thị trấn sau khi tập huấn, hướng dẫn diệt lăng quăng, công tác xử lý môi trường. Thời gian tới, ngành Y tế huyện tiếp tục giám sát công tác xử lý môi trường hàng tuần đối với các địa bàn có nguy cơ bùng phát dịch và 2 tuần đối với các địa bàn còn lại theo quy định”.

Giám đốc TTYT huyện Cần Đước - Trương Văn Hoàng

Ngoài đội ngũ cộng tác viên vãng gia từng hộ gia đình, Trạm Y tế còn tham mưu Ban Chỉ đạo tuyên truyền bằng loa lưu động để người dân nắm được thông tin về dịch SXH và cách phòng bệnh như ngủ mùng kể cả ban ngày, súc, rửa, đổ bỏ các vật dụng chứa nước không sử dụng, thường xuyên thay nước bình bông, thả cá vào các dụng cụ chứa nước để diệt lăng quăng,...”.

Trưởng trạm Y tế xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa - Đặng Thị Gái

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết