Tiếng Việt | English

22/07/2021 - 08:37

Không có vùng cấm, ngoại lệ trong phòng, chống tham nhũng

Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên địa bàn tỉnh Long An tạo được sự chuyển biến lớn trong nhận thức, ý thức và chuyển thành hành động tích cực của toàn xã hội. Tuy nhiên, hiện công tác PCTN vẫn còn một số khó khăn,
hạn chế cần tháo gỡ, khắc phục, góp phần kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý tham nhũng.

Đối thoại, tiếp xúc để lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân cũng là một kênh giám sát, phòng, chống tham nhũng hiệu quả (Ảnh tư liệu)

Đối thoại, tiếp xúc để lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân cũng là một kênh giám sát, phòng, chống tham nhũng hiệu quả (Ảnh tư liệu)

Phó Chánh Thanh tra tỉnh - Nguyễn Thị Thúy cho biết, những năm qua, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện đồng bộ, nhất là việc công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị gắn với việc thực hiện tốt công tác cải cách hành chính. Việc xây dựng và hoàn thiện, tổ chức thực hiện bảo đảm đúng và đầy đủ các chế độ, định mức, tiêu chuẩn theo quy định; thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Đồng thời, các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện đều được điều tra, truy tố, xét xử cơ bản kịp thời, đúng quy định pháp luật, thu hồi được tiền, tài sản vi phạm cho ngân sách nhà nước, bảo đảm xử lý nghiêm đối với các đối tượng vi phạm,... Qua đó, giúp công tác phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý tham nhũng trên địa bàn tỉnh ngày càng có chuyển biến rõ nét; trên một số lĩnh vực, tham nhũng từng bước được kiềm chế; ngành Thanh tra chưa phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Mặc dù đã đạt những kết quả tích cực nhưng UBND tỉnh cũng lưu ý rằng, công tác PCTN vẫn luôn khó khăn, thách thức. Trong thực tế, tham nhũng diễn ra với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, khó phát hiện để xử lý. Do đó, đòi hỏi có sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, người dân thì mới có thể ngăn chặn, đẩy lùi hiệu quả.

Để công tác PCTN đạt hiệu quả cao hơn, UBND tỉnh chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong công tác PCTN tại địa phương thời gian qua. Đó là giai đoạn 2010-2020, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN vẫn còn thiếu tính hệ thống, nội dung tuyên truyền chưa thật sự hấp dẫn. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác PCTN ở một vài nơi chưa sát, chưa phù hợp với tình hình thực tế.

Mặt khác, chất lượng và hiệu quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng chưa đồng bộ. Việc công khai, minh bạch về thu, chi tài chính, mua sắm, quản lý tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản, đất đai còn thiếu sót, chưa bảo đảm đầy đủ tính minh bạch; kiểm tra, đánh giá chưa thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa còn hạn chế. Mục tiêu của việc kê khai tài sản chưa đạt yêu cầu do công tác xác minh chưa được quan tâm. Việc chuyển đổi vị trí công tác ở một số nơi còn chậm, gặp khó khăn.

Đồng thời, công tác tự kiểm tra của các cơ quan, tổ chức, đơn vị để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng chưa thường xuyên. Việc chủ động phát hiện các hành vi tham nhũng của cơ quan thanh tra nhà nước còn khó khăn, chủ yếu dựa vào nguồn đơn, thư tố cáo, thông tin báo chí, dư luận xã hội phản ánh. Các quy định của pháp luật liên quan đến việc phát hiện, xử lý tham nhũng còn vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Việc kê khai tài sản, thu nhập; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn mang tính hình thức. Chất lượng công tác thanh, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN ở một số địa phương, đơn vị chưa sâu. Tại một số nơi, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong PCTN chưa thật sự tích cực, chủ động trong tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Cần tăng cường kiểm tra trên lĩnh vực đất đai (Ảnh tư liệu)

Cần tăng cường kiểm tra trên lĩnh vực đất đai (Ảnh tư liệu)

Ngoài ra, công tác phát hiện, ngăn chặn, xử lý những hành vi tiêu cực, tham nhũng, nhất là những hành vi "tham nhũng vặt" còn một số hạn chế. Có những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách để thực hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng. Một số trường hợp đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, cố ý làm trái nhằm vụ lợi,...

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy - Nguyễn Thành Vững cho biết: "Đảng ta xác định tham nhũng là 1 trong 4 nguy cơ đe dọa đến sự sống còn của chế độ và sự nghiệp đổi mới của đất nước. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Nội chính Tỉnh ủy tích cực, chủ động tham mưu có hiệu quả với Tỉnh ủy trong lãnh, chỉ đạo công tác phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với hành vi tham nhũng. Phương châm thực hiện PCTN là "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ", "bất kể người đó là ai"./.

Từ năm 2010-2020, số vụ việc liên quan đến tham nhũng được phát hiện, xử lý qua công tác kiểm tra, tự kiểm tra nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tỉnh là 12 vụ (tổng số tiền sai phạm hơn 5,3 tỉ đồng); số vụ việc được xác định là tham nhũng qua công tác điều tra, đã đưa ra truy tố, xét xử là 40 vụ với 47 bị cáo. Tổng tài sản thiết hại do tham nhũng gây ra trong thời gian trên hơn 12,6 tỉ đồng, đã thu hồi được gần 10,8 tỉ đồng.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết