Tiếng Việt | English

13/08/2019 - 09:01

Không để hình thành điểm nóng mất an ninh, trật tự trên biên giới

Đường biên giới tỉnh Long An giáp nước bạn Campuchia dài gần 133km, đi qua 20 xã biên giới thuộc 5 huyện: Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường. Do vậy, có thời điểm, hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội ở khu vực biên giới vẫn diễn ra phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh, trật tự (ANTT).

Nhà người dân ở biên giới treo kẻng góp phần bảo đảm an ninh, trật tự (thực hiện mô hình Tiếng kẻng vùng biên)

Nhà người dân ở biên giới treo kẻng góp phần bảo đảm an ninh, trật tự (thực hiện mô hình Tiếng kẻng vùng biên)

Xây dựng kế hoạch phòng, chống tội phạm ở biên giới

Trên tuyến biên giới tỉnh có 1 Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, 1 Cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây và 3 cửa khẩu phụ. Ngoài ra, dọc theo tuyến biên giới có 9 đường qua lại tạm thời và còn nhiều đường mòn, đường sông, các ngã tắt khác dễ dàng qua lại biên giới để đi vào nội địa của hai nước nên rất khó kiểm soát.

Theo thống kê của Công an tỉnh, 6 tháng đầu năm 2019, ở 5 huyện và thị xã Kiến Tường xảy ra gần 50 vụ phạm pháp hình sự. Do đặc trưng của địa bàn biên giới nên tội phạm tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại tội phạm, chủ yếu là tiêu thụ xe môtô từ TP.HCM và các tỉnh lân cận về huyện Đức Huệ và thị xã Kiến Tường, sau đó tìm cách tuồn qua biên giới. Kế đến là trộm cắp tài sản.

Qua rà soát, tội phạm có tổ chức, ổ, nhóm tội phạm ở địa bàn biên giới chỉ có 3 nhóm, 24 đối tượng, có tính chất đơn giản, chủ yếu là các biểu hiện gây rối trật tự công cộng, cho vay nặng lãi. Toàn tuyến biên giới không có băng nhóm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản.

Theo Đại tá Trần Văn Hà - Phó Giám đốc Công an tỉnh, những năm qua, công an các đơn vị, địa phương, cơ sở tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp phòng, chống tội phạm, ổn định tình hình ANTT địa bàn biên giới. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được quan tâm thực hiện.

“Trên tuyến biên giới có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng vũ trang với MTTQ, các ngành, đoàn thể để đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động quần chúng tham gia bảo vệ ANTT phục vụ phân giới, cắm mốc và phòng, chống buôn lậu” - Đại tá Trần Văn Hà đánh giá.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Công an tỉnh còn xây dựng kế hoạch phối hợp tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, bảo vệ ANTT địa bàn biên giới. Theo kế hoạch này, Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị phân công, bố trí lực lượng hợp lý, phối hợp trao đổi thông tin, giải quyết những vấn đề phức tạp về ANTT xã hội trên địa bàn biên giới ngay khi mới phát sinh, không để hình thành điểm nóng về ANTT. Đặc biệt, không để xảy ra mâu thuẫn, mất đoàn kết giữa nhân dân hai bên biên giới.

Xây dựng, phát triển mô hình phòng, chống tội phạm

Trên địa bàn biên giới đã xây dựng, duy trì và thực hiện hiệu quả nhiều mô hình phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh biên giới: Tiếng kẻng vùng biên; Ánh sáng ANTT; Camera giám sát ANTT; Tổ tự quản phòng, chống tội phạm trên tuyến dân cư; Dân phòng xung kích bảo vệ ANTT biên giới; Móc khóa tiếp nhận thông tin ANTT - tố giác tội phạm;...

Vĩnh Hưng có 5 xã tiếp giáp nước bạn Campuchia với chiều dài đường biên giới 45,62km (17,62km đường sông, gần 28km đường bộ), có 3 tiểu khẩu chính và nhiều đường mòn, kênh, rạch. Đặc điểm này đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai bên biên giới qua lại giao lưu, mua bán, trao đổi hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế vùng biên. Tuy nhiên, cũng tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng tội phạm, buôn lậu hoạt động, xâm nhập biên giới trái phép.

Những năm gần đây, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của huyện Vĩnh Hưng nói chung và 5 xã biên giới nói riêng từng bước được củng cố và phát triển. Nội dung và hình thức phát động phong trào đa dạng, phong phú. Công tác phối hợp tuần tra giữa các lực lượng ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa các cấp chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân hai bên biên giới được duy trì và phát triển.

Ông Nguyễn Văn Ba, ngụ ấp Thái Vĩnh, xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng, phấn khởi chia sẻ: “Tình hình ANTT biên giới ổn định nên người dân yên tâm sản xuất, sinh sống. Người dân cũng nâng cao ý thức, trách nhiệm và cùng phối hợp chính quyền, các lực lượng phòng, chống tội phạm, bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới. Nếu phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ, bất ổn là người dân báo cho lực lượng chức năng biết để kịp thời xử lý”.

Ngoài công tác phối hợp được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ, theo Thượng tá Hà Văn Khương - Phó Trưởng Công an huyện Vĩnh Hưng, các mô hình phòng, chống tội phạm và bảo vệ đường biên, cột mốc như Camera giám sát ANTT biên giới; Tiếng kẻng vùng biên; Dân phòng xung kích bảo vệ ANTT biên giới;... đã có tác dụng to lớn trong công tác giữ gìn ANTT biên giới, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, tạo nên sức mạnh tổng hợp.

Thực tế thời gian qua, người dân đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị giúp lực lượng chức năng xử lý kịp thời, truy bắt nhiều đối tượng trộm cắp máy bơm nước, xe môtô, buôn lậu. “Hiện nay, không còn tình trạng trộm cắp lúa bông, tranh chấp trong chăn thả gia súc hai bên biên giới. Biên giới ổn định, bình yên, người dân yên tâm sinh sống, lao động, sản xuất” - Thượng tá Hà Văn Khương chia sẻ.

Huyện Mộc Hóa có 2 xã biên giới là Bình Hòa Tây và Bình Thạnh, chiều dài đường biên giới 14,5km, có 5 cột mốc biên giới quốc gia từ 199 đến 203. Với đặc điểm trên, công tác bảo đảm ANTT trên tuyến biên giới được xác định là nhiệm vụ rất quan trọng. Những năm qua, Công an huyện chủ động tham mưu Huyện ủy, UBND huyện tăng cường các biện pháp xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nổi bật nhất trong công tác này là tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả cao mô hình Dân phòng xung kích bảo vệ ANTT biên giới.

Các lực lượng phối hợp tuần tra trên tuyến biên giới

Qua triển khai thực hiện mô hình từ năm 2014 đến nay, huyện Mộc Hóa đã hình thành và duy trì được một lực lượng quần chúng nòng cốt trong nhân dân, tích cực tham gia bảo vệ ANTT trên biên giới với số lượng 2 đội dân phòng, 65 thành viên bố trí ở 2 xã biên giới Bình Hòa Tây và Bình Thạnh. Ngoài tham gia ngăn chặn các vụ gây rối trên tuyến biên giới, lực lượng dân phòng xung kích bảo vệ ANTT biên giới còn thực hiện tốt nhiệm vụ nắm tình hình, cung cấp thông tin cho lực lượng công an và chính quyền địa phương giải quyết các vụ việc.

Phó Trưởng Công an huyện Mộc Hóa - Trần Quốc Kiệt cho biết, từ thông tin cung cấp của Dân phòng xung kích bảo vệ ANTT biên giới đã kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm quy chế biên giới, xâm canh, xâm cư và thực hiện hành vi vi phạm khác tại khu vực biên giới. Đặc biệt, thời gian qua, đã cung cấp thông tin cho cơ quan cảnh sát điều tra đấu tranh, làm rõ băng nhóm tội phạm lừa đảo dưới hình thức “cò lúa”, bắt xử lý hơn 10 đối tượng, thu hồi tài sản trả lại cho nhân dân trên 3 tỉ đồng. Mô hình được đánh giá cao và được nhân rộng trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ ổn định tình hình ANTT, bình yên trên tuyến biên giới./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết